Tin mới

Vụ xô xát ở nhà máy Samsung: Nguyên nhân chỉ vì... gói xôi?

Thứ hai, 13/01/2014, 09:23 (GMT+7)

13 người bị thương và nhập viện trong vụ hỗn chiến ở nhà máy Samsung, Thái Nguyên. Nguyên nhân chỉ vì một... gói xôi?

 

 

13 người bị thương và nhập viện trong vụ hỗn chiến ở nhà máy Samsung, Thái Nguyên. Nguyên nhân chỉ vì một... gói xôi?

Mời độc giả xem Video chi tiết sự việc: 

 

 

 

Lãnh đạo tỉnh đã phải trực tiếp có mặt tại hiện trường, hàng trăm chiến sỹ trong lực lượng công an được điều động để tham gia giải quyết cuộc loạn đả giữa hàng ngàn công nhân công trường với đội bảo vệ chuyên nghiệp thuộc Công ty bảo vệ Hòa Bình (phụ trách khu vực cổng số 2 và số 3). Tuy vụ xô xát đã được khắc chế và trả lại yên ắng nhưng để lại nhiều tổn thất, hậu quả nghiêm trọng: 13 người bị thương, 22 chiếc xe máy bị đốt cháy rụi, 3 thùng container làm nhà ở và nhiều đồ đạc của lực lượng bảo vệ bị đốt cháy... Vấn đề nghiêm trọng hơn cả là những mâu thuẫn, bất cập đã đang và sẽ diễn ra. Chung quy chỉ vì nguồn cơn từ sự máy móc, gây ức chế từ lực lượng bảo vệ với công nhân.

Tức nước... vỡ bờ?

Nguồn cơn của sự việc bắt đầu xảy ra vào khoảng 6h50' ngày 9/1/2013 tại khu vực gác cổng số 3  thuộc công trường của Công ty Samsung thuộc KCN Yên Bình (tại huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên). Quá trình tìm hiểu thông tin PV báo Đời sống và Pháp luật được biết, nguyên nhân dẫn đến cuộc ẩu đả là do bức xúc từ việc một nữ công nhân làm việc tại công trường xây dựng của nhà máy muốn mang một gói xôi vào bên trong công trường để ăn sáng nhưng đã bị bảo vệ ngăn cản. Giữa nữ công nhân này và nhóm bảo vệ đã xảy ra cãi vã, xô xát nhẹ. Vụ xô xát đã thu hút sự quan tâm và có sự can ngăn, bảo vệ của những người công nhân khác đối với nữ công nhân. Và rồi theo hiệu ứng lan truyền, sự việc đã bị đẩy đến mức nghiêm trọng.

Vụ xô xát ở nhà máy Samsung: Nguyên nhân chỉ vì... gói xôi?

Hiện trường vụ việc 

Nhiều nhân chứng cùng chứng kiến và xác nhận về sự việc, anh Nguyễn Văn T. (công nhân thi công điện) chia sẻ: "Theo quy định về việc vào cổng công trường trong ngày làm việc phải được thực hiện trước 6h50; hàng ngày và khi đã vào bên trong mà ra thì sẽ không được bảo vệ cho vào lại nếu đã vượt qua khung giờ quy định. Vì vậy, nếu ai đến muộn, vào bên trong nhưng ra ngoài ăn sáng hay có việc gì đó sau mốc thời gian này, dù chỉ một chút, thì đành chấp nhận phải nghỉ việc luôn ngày hôm đó. Hơn nữa, những quy định và nhân viên bảo vệ ở đây rất khắt khe, không một công nhân nào được phép mang đồ ăn vào công trường. Có lẽ, họ làm vậy để nhằm tận dụng tối đa hiệu suất và thời gian làm việc của công nhân, giữ gìn vệ sinh trong công trường và một điều quan trọng không kém là để dễ dàng kiểm soát nguy cơ thất thoát nguyên vật liệu của công trình...".

Nói về diễn biến sự việc, anh T. khẳng định: "Lúc đó vào khoảng gần 7h sáng, khi nữ công nhân cầm theo gói xôi trên tay đi qua cổng trực số 3 (dưới sự giám sát của nhân viên bảo vệ thuộc Công ty bảo vệ Hòa Bình) thì bị những nhân viên bảo vệ ở đây kiểm tra và không cho mang vào với lý do nữ công nhân này đã vào cổng rồi lại ra ngoài mua đồ ăn trong khi đã có quy định không được mang đồ ăn vào trong công trường. Hơn nữa, những nhân viên bảo vệ này cho rằng tại thời điểm đó đã quá giờ quy định được vào công trường. Dù nữ công nhân này đã trình bày hết lời, thậm chí năn nỉ nhưng vẫn không được chấp nhận. Bên cạnh đó còn có một nam công nhân lớn tuổi (hơn 50 tuổi - PV) đứng ra can ngăn và nói giúp nhưng cũng không được. Giữa hai bên đã có những mâu thuẫn, xúc phạm nhau bằng lời nói. Thậm chí, mâu thuẫn bị đẩy đến mức cao trào khi một nhân viên bảo vệ giật gói xôi của nữ công nhân ném xuống đất rồi  giằng co, dùng chân đạp vào người nữ công nhân. Đây chính là nguyên nhân khiến xô xát bùng phát. Chưa dừng lại, nhân viên bảo vệ đã cùng lúc rút dùi cui điện đuổi đánh, gí vào người nam công nhân.

Vụ xô xát ở nhà máy Samsung: Nguyên nhân chỉ vì... gói xôi?

Hơn 20 xe máy bị thiêu rụi trong vụ hỗn chiến

Vào thời điểm đó có rất nhiều tốp công nhân chứng kiến, tất cả đều vô cùng bất bình, họ hò nhau lao vào tấn công nhóm bảo vệ bằng đủ thứ dụng cụ có tại công trường. Khi các công nhân quay lại tấn công, nhóm bảo vệ đã phải chui vào các thùng container (dùng làm nơi ở, phòng trực cho bảo vệ - PV) cố thủ để tránh những cú đòn, gạch đá ném vào. Hiệu ứng đám đông bùng nổ, những công nhân quá khích hò hét nhau đốt các chiếc xe máy của bảo vệ ở xung quanh, đốt luôn cả những chiếc thùng container, thậm chí cả cổng bảo vệ...

Nhận được tin báo về sự việc, ông Nguyễn Đình Phách, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Dương Ngọc Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên và các ngành chức năng của tỉnh Thái Nguyên đã đến hiện trường chỉ đạo giải quyết vụ việc. Hàng trăm cán bộ chiến sỹ gồm CSCĐ, cứu hỏa cũng được điều tới hiện trường để dập lửa. Tuy nhiên, cuộc ẩu đả bằng những "cơn mưa gạch đá" cũng không dễ dập tắt, thậm chí có những chiến sỹ công an đã bị thương tích. Đến khoảng 11h, tình hình trật tự đã được vãn hồi.

Nỗi khổ chẳng được đồng cam

Theo chia sẻ của các công nhân, họ đa phần là những người lao động tự do đến từ khắp các tỉnh thành, làm việc theo thời vụ cho các nhà thầu phụ, làm ngày nào biết ngày đó, và thu nhập bình quân cũng chỉ được vài ba triệu đồng mỗi tháng nên cuộc sống rất khó khăn. Vì mặt bằng xây dựng của công ty lớn với nhiều hạng mục khác nhau và đang trong giai đoạn đẩy nhanh tiến độ nên thời điểm này, lượng công nhân làm việc rất đông, số lượng lên đến hàng ngàn người.

Vụ xô xát ở nhà máy Samsung: Nguyên nhân chỉ vì... gói xôi?

Vụ xô xát ở nhà máy Samsung: Bảo vệ quá hống hách, ngang tàng?

Tại đây tuy có rất nhiều các công ty bảo vệ khác nhau nhưng theo nhận xét của nhiều công nhân thì người của Công ty bảo vệ Hòa Bình vô cùng hống hách, ngang tàng. Đây không phải là lần đầu tiên các bảo vệ này hành hung công nhân mà trước đó đã xảy ra rất nhiều lần. Họ sẵn sàng đánh công nhân dù những lỗi nhỏ nhặt như đi qua cổng không cài quai mũ bảo hiểm, họ sẵn sàng dùng dùi cui hất ngược mũ rơi xuống đất. Khi vào cổng nếu thẻ ra vào đeo bị lật úp vào trong họ sẵn sàng dùng dùi cui đánh vào người...Nhưng điều khiến các công nhân khó chịu hơn cả là thái độ, cử chỉ của những bảo vệ này lúc nào cũng tự cho mình cái quyền đối xử với công nhân một cách quân phiệt dù họ cũng chỉ là những người đi làm thuê.

Đứng trước đống xe máy đã bị cháy rụi, không giấu được vẻ tiếc nuối về số tài sản bị phá hủy, chị H. (công nhân công trường) không khỏi bức xúc về hành động của những nhân viên bảo vệ: "Bọn họ thật dã man, ai cho chúng cái quyền dùng dùi cui đánh đập, dọa nạt người khác?. Bố mẹ sinh ra còn không có quyền đánh đập con cái, hơn nữa họ đều là những người đáng tuổi cha chú của chúng. Miếng ăn lên miệng của người ta mà chúng giằng vứt xuống đất như vậy. Mà họ chỉ là người đi làm thuê... Tôi không hiểu lãnh đạo Công ty của những bảo vệ sẽ nói gì về việc này?".

Cũng theo chị H. thì cuộc sống của những người công nhân như chị vô cùng khổ cực. Vợ chồng chị từ một huyện vùng núi thuộc tỉnh Phú Thọ xuống đây làm thuê tự do, thu nhập thấp, không có chế độ, trong khi đó, sinh hoạt thì đắt đỏ, lại phải đi thuê nhà... "Công trường ở xa trung tâm, phía ngoài công trường chỉ có vài hàng ăn bán với giá vừa đắt, vừa mất vệ sinh. Với lượng công nhân đông như thế mà không cho công nhân mang đồ ăn vào thì quán ăn cũng bị quá tải mà công nhân muốn ăn cũng khó", chị H. nói.

Theo Trần Hải

Theo ĐS & PL

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news