Nghệ thuật đồ ăn giả hiện đang là nền công nghiệp tỉ đô ở Nhật Bản. Những món ăn bắt mắt nhìn như thật làm hoàn toàn bằng nhựa, song có mức giá khá đắt đỏ gần triệu đồng/món.
[mecloud]D6h71zNRqZ[/mecloud]
Đoạn video dưới đây được quay ở thị trấn Gujo thuộc tỉnh Gifu, nơi sản sinh ra ngành công nghiệp chế tác mô hình đồ ăn giả tỉ đô ở Nhật.
Tùy từng món ăn, người thợ sẽ lựa màu sáp sao cho giống nhất, sau đó rưới loại sáp này vào khay nước ấm chừng 38°C và với thao tác khéo léo, các món ăn đã hiện ra tinh tế và chân thực đến không ngờ chỉ trong nháy mắt.
Ở khắp nước Nhật, các mẫu thức ăn giả xuất hiện phổ biến trong những tủ kính hoặc cửa sổ trưng bày trước mỗi nhà hàng. Trước kia, chúng được làm từ sáp, ngày nay chúng thường được làm bằng nhựa. Không chỉ dùng để mô phỏng món ăn thật mà chúng đã được nâng lên thành một hình thức nghệ thuật thật sự.
Nhiều thực phẩm bằng nhựa đã được trưng bày trịnh trọng tại Bảo tàng Victoria và Albert. Đồng thời, tại Nhật, hàng năm, những cuộc thi làm thức ăn giả từ nhựa và những vật liệu khác thường xuyên được tổ chức và thu hút những nghệ nhân trên khắp đất nước. Việc làm món ăn mô hình không chỉ xuất phát từ nhu cầu trưng bày của các nhà hàng mà nó đã lớn mạnh đến nỗi đã phát triển thành một ngành công nghiệp thực phẩm nhựa tại Nhật Bản, cung ứng sản phẩm cho nhiều quốc gia khác.
Hiện tại, Iwasaki Be-I là nhà sản xuất thức ăn nhựa lớn nhất tại Nhật Bản do Takizo Iwasaki thành lập năm 1932. Takizo Iwasaki là người đầu tiên làm ra các mẫu đồ ăn giả. Ban đầu, anh phải tự đi rao bán những sản phẩm của mình trên một chiếc xe đạp nhưng sáng tạo của anh đã nhanh chóng giành được thành công trên thị trường Nhật Bản. Từ một doanh nghiệp nhỏ, Iwasaki phát triển thành một công ty lớn với Doanh thu hàng tỷ Yên mỗi năm. Các bí quyết để làm những món ăn này hiện vẫn còn là bí mật thương mại doanh nghiệp cố giữ lấy. Ngành công nghiệp này cũng là niềm tự hào riêng của Nhật Bản.
Mô hình đồ ăn giả giúp cung cấp những thông tin cần thiết cho thực khách vì bên cạnh mỗi mô hình, người ta đặt một tấm bảng nhỏ ghi tên món ăn, thành phần nguyên liệu, gia vị tạo nên món ăn và giá của nó. Đây là hình thức quảng cáo gây ấn tượng mạnh cho thị giác và nó giúp khách hàng không bị đánh lừa bởi tên gọi của món ăn trên thực đơn vì họ được tận mắt nhìn thấy món ăn trước khi chúng được chế biến.
Ngoài ra, mô hình đồ ăn giả còn được dùng trong việc phân tích giá trị dinh dưỡng của thực phẩm dựa trên thông tin dinh dưỡng cụ thể của từng món ăn. Khách hàng chọn một số món ăn cho vào khay và đưa đến quầy phân tích. Tại đây, máy sẽ hiển thị thông số về chất đạm, chất khoáng và vitamin của từng món ăn để khách hàng nhận biết.
Bên cạnh đó, người ta còn ứng dụng mô hình đồ ăn giả trong những vật dụng nhỏ hàng ngày, đồ lưu niệm, ví dụ như: móc khoá, giá đặt kính, giá để điện thoại, những món đồ trang trí nho nhỏ…vân vân…
Giá thành của mỗi món ăn này dù chỉ là giả, nhưng cũng có giá trị lên đến 4-5 nghìn Yên/món, tương đường 600 đến 700 nghìn đồng/món.
Nam Nam (Tổng hợp)