Tin mới

Xuất hiện liên minh chống IS toàn cầu – Nga đóng vai chính

Thứ tư, 18/11/2015, 09:59 (GMT+7)

Pháp, Nga và Mỹ đã vượt xa khỏi việc đàm phán hợp tác, tiến tới hành động khi bắt đầu xem xét thành lập "liên minh lớn và độc nhất" chống lại Nhà nước Hồi giáo IS.

Pháp, Nga và Mỹ đã vượt xa khỏi việc đàm phán hợp tác, tiến tới hành động khi bắt đầu xem xét thành lập "liên minh lớn và độc nhất" chống lại Nhà nước Hồi giáo IS.

Liên minh chống IS "lớn và độc nhất"

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã gọi điện cho người đồng cấp Nga để thảo luận về kế hoạch chung và thu xếp tới Washington, Moscow trong tuần sau để thành lập một liên minh mới.

Đêm 17/11, Pháp đã tiến hành đợt oanh tạc thứ 3 chống lại IS ở Raqqa, Syria trong khi các chiến đấu cơ và tên lửa của Nga cũng tấn công vào khu vực này.

Nỗ lực này có thể tan rã khi có nhiều vấn đề lớn, đặc biệt là việc Nga can thiệp vào tình hình Ukraine và những bất hòa trong tương lai của Syria. Sự can thiệp của các đồng minh Ả Rập cùng với những chương trình nghị sự chồng chéo, bất thường đã làm phức tạp thêm tình hình ngoại giao khu vực.

Nhưng vẫn có những dấu hiệu cho thấy sự việc tiến triển, trong đó có việc Nga báo trước cho Washington những cuộc không kích của mình hôm 17/11. Đây là lần đầu tiên Nga làm vậy kể từ khi bắt đầu chiến dịch ném bom vào ngày 30/9.

Quyết tâm của Moscow hôm 17/11 là nhằm trả đũa cho vụ máy bay Nga bị IS phá hủy hồi tháng trước ở Ai Cập.

Tổng thống Nga Putin hiện không còn giống người bị cả thế giới bỏ rơi nữa mà ngày càng đóng vai trò cần thiết để kết nối các nỗ lực chống IS trên phạm vi toàn cầu.

Một thời gian ngắn trước đây, sự hợp tác gần như là điều không tưởng. Sau động thái sáp nhập bán đảo Crimea của Nga hồi năm ngoái, Mỹ và các đồng min châu Âu của họ đã áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Moscow. Kể từ đó, NATO đã tái tập trung năng lượng để chống lại mối đe dọa quân sự tiềm ẩn từ Nga.

Putin - người thay đổi cán cân địa chính trị

Bắt đầu từ tháng 9, ông Putin đã đóng vai trò tích cực để thay đổi cán cân địa chính trị.

Vài ngày sau khi ông kêu gọi một mặt trận thống nhất để chống lại IS trước LHQ, quân đội Nga đã tiến hành không kích Syria, chọc giận Washington. Chính quyền Obama nói rằng những nỗ lực quân sự của Nga chủ yếu nhằm chống đỡ cho chế độ Tổng thống Bashar al-Assad, ít tập trung đánh IS. Mỹ, Pháp và các đồng minh Ả Rập, phương Tây muốn ông Assad ra đi.

Tổng thống Nga Putin đang trở thành nhân vật chủ chốt trong cuộc chiến chống IS. Ảnh: EPA

Vụ khủng bố Paris hôm 13/11 - được ví như 11/9 của nước Pháp - đã mở ra cơ hội cho ông Putin. Sau cuộc họp cuối tuần tại Thổ Nhĩ Kỳ giữa ông Obama và ông Putin, các quan chức Nhà Trắng nói rằng họ đã nhất trí về một quá trình rộng lớn để giải quyết xung đột Syria. Ông Obama lúc này đã bớt chỉ trích những nỗ lực quân sự của Nga tại đó.

Aleksei Pushkov, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nga cho biết chúng đã buộc Moscow và các nước phương Tây xích lại gần nhau.

"Chúng tôi có những bất đồng trong quá khứ, vào những năm 1930. Nhưng điều đó đã không ngăn chúng tôi thành lập một liên minh chống Hitler và nó đã đạt được hiệu quả. Ngày nay, chúng tôi cần hình thành một liên minh mới để chống lại thách thức mới có bản chất tương tự", ông Pushkov nói tại Brussels, Bỉ.

Tại Anh, Thủ tướng David Cameron cho biết ông sẽ đưa trường hợp này ra Quốc hội trong những ngày tới để xin ý kiến tham gia liên minh quốc tế chống IS tại Syria.

Tại Đức, một mối đe dọa tấn công khủng bố buộc phải hủy một trận bóng đá hôm 17/11 và có khả năng sẽ khiến nước này thảo luận về vai trò của Đức trong chiến dịch chống khủng bố.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Mỹ đã tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin tình báo với Pháp. Sau cuộc gặp với ông Hollande tại Paris, ông Kerry đã nói về một hiện thực ngày càng rõ là cộng đồng quốc tế phải tăng cường hợp tác chống IS. "Tôi tin rằng trong những tuần tiếp theo, IS sẽ còn cảm thấy áp lực lớn hơn nữa", ông nói.

Nhưng một số nhà lãnh đạo chính trị và quân sự phương Tây vẫn còn bắn khoăn về ông Putin và những ý định toàn cầu của ông. Tổng thư ký NATO Jen Stoltenberg ngày hôm qua đã đưa ra lời cảnh báo: "Nga có thê đóng vai trò xây dựng tại Syria nhưng những gì chúng ta thấy cho đến nay là hầu hết các hành động quân sự của họ đều không nhắm vào khu vực do IS kiểm soát. Nỗ lực này lẽ ra chỉ nên nhắm tới IS chứ không phải hỗ trợ chế độ, điều mà Nga đang làm cho đến nay", ông Stoltenberg nói.

Các quan chức cũ và hiện nay trong chính quyền Obama cũng thể hiện suy nghĩ tương tự. Họ cảnh báo rằng những trở ngại để có một sự hợp tác ý nghĩa vẫn còn, chủ yếu là vấn đề tương lai của ông Assad.

"Miễn là lý thuyết về xung đột của ông Putin đi ngược lại với những gì thế giới nghĩ, tôi không thể thấy bất cứ khả năng nào để hợp tác quân sự với Nga. Nga sẽ làm gì ông Assad để ông ấy đồng ý với quá trình có thể khiến ông ra đi", ông Derek Chollet, nguyên trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói.

Một nhà ngoại giao Nga quen thuộc tình hình Trung Đông cho biết vụ khủng bố Paris đã mở ra cánh cửa dẫn tới sự xích lại gần nhau trong quan hệ Nga - Mỹ. Nhưng người này cũng cảnh báo rằng những đề xuất hợp tác của Moscow "đang lơ lửng trên không" khi chưa có phản ứng chính thức từ Mỹ.

Đồng minh Mỹ phân vân

Các đồng minh ở Trung Đông của Washington cũng đang phân vân giữa việc có nên hợp tác với  cả Nga và Mỹ.

Theo các nhà ngoại giao Mỹ và Trung Đông, các nước hầu hết đều ủng hộ lực lượng phiến quân ôn hòa, chống Assad ở Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Qatar - sẽ vẫn muốn định ngày ra đi dành cho ông Assad dù ông được phép duy trì quyền lực trong quá trình chuyển đổi.

các đồng minh khác của Mỹ gồm Jordan, Ai Cập, Israel và UAE đã dễ chấp nhận vai trò của Nga tại Syria hơn.

Đức vua Abdullah II của Jordan trong cuộc trả lời phỏng vấn Euronews hồi tuần trước nói: "Để đạt được một giải pháp chính trị ở Syria, Moscow là then chốt. Họ là những người có thể cung cấp sự đảm bảo cho chế độ mà họ được hưởng lợi trong tương lai".

Iran thì đang lưỡng lự, họ có thể đi theo các nước đồng minh Ả Rập và phương Tây, cũng có thể đi theo Nga.

Các nhà ngoại giao Iran nói rằng họ đã chặn đứng những nỗ lực của Mỹ và các nước khác nhằm ngăn ông Assad không tham gia bầu cử.

Trong cuộc đàm phán tại Vienna cuối tuần vừa rồi, Phó Ngoại trưởng Iran, ông Hossei Amir-Abdollahian nói với truyền thông rằng Iran "nhấn mạnh rõ ràng rằng chỉ ông Assad mới quyết định được mình có tham gia hay không tham gia bầu cử".

Theo các quan chức Mỹ và châu Âu, quan điểm này dường như báo hiệu vết nứt mới trong liên minh Iran - Nga về vấn đề Syria. Moscow đã thể hiện việc sẵn sàng chấp nhận giải pháp ngăn ông Assad tham gia bầu cử.

Một nhà ngoại giao cấp cao châu Âu tham dự cuộc đàm phán tại Vienna nói: "Có những dấu hiệu cho thấy họ không chia sẻ lợi ích lâu dài".

Các quan chức Mỹ đã nhấn mạnh rằng sự tương tác quân sự giữa họ với Nga trong tuần này là vì mục đích "không xung đột" trong các chiến dịch ném bom của đôi bên, theo một biên bản ghi nhớ đã được ký kết từ tháng trước. Mỹ đã được thông báo về kế hoạch chống IS tại Raqqa của Moscow trong vòng 4 giờ trước khi các máy bay ném bom bắt đầu xuất kích.

Một quan chức Mỹ cho biết lý do khiến các máy bay của liên quân do Mỹ dẫn đầu và Nga không xung đột trên bầu trời Syria đó là cho đến nay, Nga thường tấn công vào ban ngày còn Mỹ thường làm vào ban đêm.

Các quan chức Mỹ cho beiets Nga đã tiến hành từ 12-20 cuộc không kích trong ngày 17/11, cùng với việc bắn tên lửa hành trình từ tàu chiến và một số cuộc không kích từ máy bay ném bom TU-22.

 Bảo Linh (theo WSJ)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news