Nhiều cha mẹ thời gian gần đây đã cho con đi khám vì thấy triệu chứng nôn, đau bụng. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương, dấu hiệu này thường xuất hiện ở bệnh viêm dạ dày – ruột cấp do virus như norovirus, calicivirus, rotavirus, adenovirus, Covid-19, gây nhiễm khuẩn tiêu hóa.
Trẻ bị viêm dạ dày ruột bởi thói quen ngậm tay, khi ăn uống đồ bị nhiễm khuẩn hoặc chơi đồ chơi bị nhiễm bẩn. Vào mùa hè, ruồi, muỗi, gián, kiến… sinh sôi nảy nở dẫn đến việc dễ lây lan các mầm bệnh. Bên cạnh đó, việc sử dụng đá được làm từ nguồn nước ô nhiễm cũng là một nguyên do.
Một lý do khác là bởi trẻ sử dụng các loại thức ăn sẵn, thức ăn đường phố bị nhiễm khuẩn như thịt, cá, hải sản, trứng, kem, sữa và rau quả cũng tăng nguy cơ bị viêm dạ dày ruột do nhiễm khuẩn.
Việc trẻ bị nôn thường xảy ra đột ngột và hồi phục nhanh trong vòng 24 giờ. Sau 12-24 giờ, các biểu hiện như sốt, đau bụng hoặc tiêu chảy sẽ xuất hiện.
Ở trẻ nhỏ, do chưa biết nói nên nếu bị đau bụng, trẻ sẽ quấy khóc với vẻ mặt nhăn nhó. Trẻ thường đau bụng vùng bụng quanh rốn hoặc giữa bụng với cơn đau thoáng qua. Bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện nếu vị trí đau ở dưới rốn và nghiêng về phía bên phải, lan xuống vùng bẹn kèm theo đi tiểu khó.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần lập tức đưa trẻ đến bệnh viện khi thấy nôn liên tục, kéo dài trên 24 giờ, nôn tất cả thực phẩm sau khi ăn, dịch nôn màu xanh hoặc vàng, thậm chí là có máu đỏ tươi. Tiếp đến, tiêu chảy thường xuất hiện đồng thời hoặc sau khi trẻ bị nôn, có thể tồn tại dù khi ấy trẻ đã hết đau bụng.
Khi trẻ đau bụng, cha mẹ cần trấn an, theo dõi các dấu hiệu, đặc biệt không sử dụng thuốc giảm đau vì có thể làm che lấp những dấu hiệu để phát hiện bệnh, gây khó khăn cho chẩn đoán. Cho trẻ uống đủ nước khi nôn hoặc tiêu chảy, cha mẹ có thể pha dung dịch bù nước và điện giải (Oresol), cho trẻ uống từng ngụm nhỏ trong thời gian chờ tới bệnh viện.
Đặc biệt, bạn không tự sử dụng thuốc cầm nôn và cầm tiêu chảy bởi có thể dẫn đến tình trạng giảm nhu động ruột, giảm hấp thu, đồng thời kéo dài thời gian lưu lại trong đường tiêu hoá của vi khuẩn, độc tố, kéo dài thời gian bị bệnh.
Bạn nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa cho đến khi trẻ hồi phục. Nếu trẻ không nôn trớ thì sau 12-24 giờ có thể cho bé ăn uống lại bình thường nhưng vẫn phải uống nhiều nước. Nếu trẻ có biểu hiện sốt cao, cha mẹ hãy sử dụng các thuốc hạ sốt thông thường như Hapacol, Efferalgan, Tylenol, đặc biệt không được tự ý dùng kháng sinh.
Ảnh minh họa