Tin mới

10 sự kiện chấn động thế giới 2014

Thứ sáu, 26/12/2014, 15:20 (GMT+7)

Cuộc khủng hoảng Ukraine, năm thảm kịch của hãng Malaysia Airlines,  sự trỗi dậy của nhóm khủng bố IS, đại dịch Ebola, khủng hoảng sắc tộc tại Mỹ, chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc, Mỹ - Cuba bình thường hóa quan hệ… chính là những sự kiện thế giới nổi bật nhất trong năm 2014.

Cuộc khủng hoảng Ukraine, năm thảm kịch của hãng Malaysia Airlines,  sự trỗi dậy của nhóm khủng bố IS, đại dịch Ebola, khủng hoảng sắc tộc tại Mỹ, chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc, Mỹ - Cuba bình thường hóa quan hệ… chính là những sự kiện thế giới nổi bật nhất trong năm 2014.

 


1. Khủng hoảng Ukraine

Cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu từ những xáo trộn tại thủ đô Kiev sau khi chính phủ tìm cách giải tán những cuộc biểu tình Euromaidan dẫn tới sự sụp đổ của chính phủ tổng thống Viktor Fedorovych Yanukovych.

Cuộc khủng hoảng dẫn tới cuộc trưng cầu dân ý đòi sáp nhập Crimea vào nước Nga ngày 16/3. Kết quả, 97% cử tri tham gia bỏ phiếu đã ủng hộ việc Crimea tách khỏi Ukraine, sáp nhập Nga.

Từ đó đến nay, Mỹ và EU đã liên tục đưa ra các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga. Mới đây nhất, hôm 19/12, Tổng thống Barack Obama đã ký sắc lệnh cấm vận mới với Crimea. Ông Obama lưu ý rằng động thái này được đưa ra nhằm “giải quyết sự chiếm đóng của Nga với khu vực Crimea của Ukraine” và nói rằng ông có thẩm quyền xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động tại Crimea bằng cách đóng băng tài sản của họ dưới quyền tài phán của Mỹ và không cho họ nhập cảnh vào Mỹ.

Các cuộc giao tranh tại miền đông Ukraine đã khiến hơn 4.000 người thiệt mạng. Hậu quả mà nó để lại chắc chắn sẽ còn kéo dài dai dẳng.

2. MH370 mất tích bí ẩn


Ngày 8/3, chuyến bay chở khách quốc tế MH370 của hãng Malaysia Airlines biến mất khỏi bầu trời khi đang bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. Cuộc tìm kiếm đắt giá nhất trong lịch sử hàng không đã diễn ra ngay sau đó nhưng không có bằng chứng nào về chiếc máy bay được tìm thấy.

Giả thuyết được đưa ra là máy bay đã bị rơi tại nam Ấn Độ Dương và các đội tìm kiếm hiện vẫn đang lùng sục tại đáy biển với hy vọng sẽ tìm thấy những mảnh vỡ. Những khả năng về tội phạm hay khủng bố khiến máy bay bị rơi đã được loại trừ. Nhưng cho đến nay với bằng chứng về vị trí của chiếc máy bay được tìm thấy, những gì thực sự đã xảy ra với những người trên đó vẫn còn là bí ẩn.

Mới đây, Marc Dugain, người từng đứng đầu hãng hàng không Proteus Airlines và là môt tác giả nổi tiếng, đã trình bày lý thuyết của mình trong một bài báo đăng trên tờ tuần báo Paris Match và đăng trên bản tin tức điện tử The Local.fr hôm thứ 6. Theo đó, dựa trên báo cáo của nhân chứng, Dugain được thuyết phục rằng MH-370 bị rơi gần đảo Diego Garcia trong Ấn Độ Dương, một vùng lãnh thổ thuộc Anh bao gồm 1 căn cứ quân sự cho Mỹ thuê.

Dugain cũng tin rằng máy bay có thể đã bị xâm nhập bằng cách điều khiển từ xa và lái về phía Diego Garcia và lập luận rằng điều này là có thể xảy ra với công nghệ của máy bay Boeing đang sử dụng. Ông nói rằng máy bay sau đó đã bị bắn hạ bởi Hoa Kỳ, vì nó sợ một cuộc tấn công chống lại căn cứ quân sự trên đảo.

3. MH17 bị bắn rơi tại miền đông Ukraine

Năm nay được xem là một năm thảm họa của Malaysia Airlines. Chiếc máy bay chở khách mang số hiệu MH17 từ Amsterdam tới Kuala Lumpur đã bị bắn hạ trên bầu trời Ukraine vào ngày 16/6. Tất cả 295 người trên đó đều thiệt mạng.

Chính phủ Ukraine đã đổ trách nhiệm cho một nhóm ly khai miền đông và có những báo cáo cho rằng nhóm này đã sở hữu tên lửa Buk ở thời điểm máy bay bị bắn. Nhưng Nga nói rằng chính quyền Ukraine đã thực hiện vụ việc. Cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành và phải tới tháng 8/2015 thì báo cáo đầy đủ mới được công bố.

4. Nhà nước Hồi giáo IS


Nhóm phiến quân thánh chiến ở Trung Đông được biết đến với tên gọi ISIS (hay ISIL) đã trở thành tiêu điểm của báo chí trên toàn thế giới trong năm nay. Nhóm này nổi tiếng với việc tuyên truyền bạo lực qua mạng xã hội (video chặt đầu con tin), tội phạm cực đoan với số lượng lớn chống lại loài người và nỗ lực để tiếp quản cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo”.

Các nhà lãnh đạo thế giới và các hãng tin tức đã gọi nhóm này là một tổ chức khủng bố, thậm chí al-Qaeda còn phải lên án nhóm này. Ý tưởng về một “Nhà nước Hồi giáo” của nhóm này đã bị lên án mạnh mẽ và hành động của chúng được gọi là “phi Hồi giáo” và “sùng đạo” nhưng chúng vẫn tiếp tục phô diễn sức mạnh đối với người dân, truyền thông và các nhóm chiến binh khác.

Canada và Mỹ đã cùng cam kết sẽ hỗ trợ Trung Đông trong cuộc chiến chống lại sự cai trị của IS. Sau khi IS hành quyết dã man 3 công dân người Mỹ trong tháng 9, tháng 10, Tổng thống Barack Obama đã khởi động một chiến dịch không kích quốc tế chống lại IS ở Iraq và Syria. Ông Obama cũng điều 3.000 lính Mỹ tới Iraq làm cố vấn quân sự.

Các cuộc không kích mới chỉ làm chậm bước tiến của IS. Hiện nhóm này vẫn kiểm soát một phần lãnh thổ rộng lớn ở Iraq, Syria và hơn nữa chúng vẫn tiếp tục thu hút sự ủng hộ của các nhóm thánh chiến khác.

5. Đại dịch Ebola


Bùng phát từ tháng 3, tính đến thời điểm hiện tại, đã có gần 7.000 người tử vong vì virus Ebola. Theo số liệu mới nhất của tổ chức Y tế Thế giới, hiện đã có hơn 16.000 người được chẩn đoán nhiễm virus Ebola.

Theo thống kê, dịch bệnh Ebola đang có phần được kiểm soát tại Liberia, tuy nhiên, tại Siera Leone, nó lại có dấu hiệu gia tăng, phát triển mạnh khi đã có 6.802 trường hợp nhiễm bệnh. Trong khi đó, Tổ chức WHO cho biết dịch bệnh đã có dấu hiệu "ổn định" ở Guinea.

Tại Mali, 10 người đã được chẩn đoán nhiễm Ebola, trong số đó có 7 người thiệt mạng. Mới đây, Mali tuyên bố lần đầu tiên chữa trị thành công một bệnh nhân Ebola.

Những người chăm sóc cho các bệnh nhân Ebola hoặc chôn cất nạn nhân thiệt mạng dễ bị lây nhiễm nhất. Đã có tới 592 trường hợp nhân viên y tế bị nhiễm virus và 340 người đã qua đời.

6. Biểu tình ủng hộ dân chủ Hong Kong

Biểu tình tại Hồng Kông 2014, còn được gọi là “Cách mạng ô dù” hay “Phong trào ô dù”, bao gồm những cuộc biểu tình, phản biểu tình và những hành động như trưng cầu dân ý trên mạng đòi hỏi quyền dân chủ thực thụ, cụ thể là được quyền đề cử Đặc khu trưởng mà không phải thông qua quyết định của ủy ban bầu cử.

 Cuộc biểu tình chính thức bắt đầu vào tối ngày 26/9/2014 sau khi sinh viên bãi học cả tuần, hàng ngàn người tràn xuống đường tại khu trung tâm kinh tế, tài chính, nơi có văn phòng chính quyền Hong Kong. Sau đó cuộc biểu tình nhanh chóng lan qua khu mua sắm Causeway Bay và khu Mongkok khiến giao thông bị tê liệt. Cảnh sát đã phải huy động lực lượng, dùng đạn hơn cay để giải tán cuộc biểu tình.

Phong trào, với ba lực lượng chính gồm Chiếm Trung tâm, Liên đoàn Sinh viên Hong Kong (HKFS) và Học dân (Scholarism) của Joshua Wong, vào lúc đỉnh điểm đã thu hút được hơn 100.000 người tham gia.

Đến ngày 3/12, phong trào bị dập tắt sau khi các thủ lĩnh đầu hàng cảnh sát.

7. Xung đột dải Gaza

Cuộc xung đột tại dải Gaza đã kéo dài trong nhiều thập kỷ nhưng trong năm 2014, xung đột đã lên đến cực điểm khiến hàng ngàn người thiệt mạng, hàng chục ngàn người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, tính đến ngày 9/8/2014, số người Palestine thiệt mạng đã tăng lên 1.935 người, trong đó có 1.408 người là thường dân. 452 trẻ em, 235 phụ nữ bị chết. Phía Israel có 64 lính, 2 thường dân và 1 lao động Thái Lan thiệt mạng. Hệ thống điện nước, công trình công cộng, nhà dân bị phá hủy nghiêm trọng

Những thỏa thuận ngừng bắn được đưa ra nhiều lần song cũng nhanh chóng bị phá vỡ ngay sau đó. Cộng đồng quốc tế mà đại diện là LHQ đang tích cực thúc đẩy đàm phán giữa 2 quốc gia nhằm tìm kiếm một lệnh ngừng bắn, chấm dứt đổ máu ở mảnh đất đau thương này. Tuy nhiên, hòa bình đến với khu vực Trung Đông nói chung, với Palestine và Israel nói riêng còn xa vời.

8. Cảnh sát Mỹ bắn chết thanh niên da màu

Vụ thanh niên người Mỹ gốc Phi Michael Brown, 18 tuổi bị cảnh sát da trắng Darren Brown bắn chết hồi tháng 8 năm nay đã trở thành tiêu điểm trên toàn thế giới. Vụ việc đã gây ra các cuộc biểu tình ôn hòa lẫn bạo động. Hàng trăm bài báo đưa tin chi tiết về vụ nổ súng và việc liệu Wilson sẽ bị kết án ra sao cho hành động của mình.

Vào tháng 11, bồi thẩm đoàn tuyên bố không truy tố Wilson tội danh giết người và các cuộc bạo động đã nổ ra tại Ferguson, bang Missouri. Một số vấn đề nổi lên sau cái chết của Brown đó là sự quân sự hóa trong ngành cảnh sát, phân biệt chủng tộc và việc thực thi pháp luật bằng “vũ lực”.

Ngay sau đó, nước Mỹ lại rúng động trước vụ một cậu bé da màu, 12 tuổi, bang Cleveland bị cảnh sát bắn tử vong. Sự việc xảy ra vào chiều 22/11, giữa lúc nước Mỹ đang nín thở chờ quyết định của bồi thẩm đoàn về vụ việc tại Feguson.

Mới đây nhất, ngay tại bang Missouri, một nhân viên cảnh sát da trắng đã nổ súng bắn chết một thanh niên da đen ở ngoại ô hạt St.Louis, cách thị trấn Ferguson khoảng 3km.

3 vụ cảnh sát nổ súng liên tiếp diễn ra khiến tình trạng khủng hoảng sắc tộc tại Mỹ càng thêm sâu sắc.

9. Chiến dịch “Đả hổ diệt ruồi” của Trung Quốc


Chiến dịch chống tham nhũng mang tên “Đả hổ diệt ruồi” do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động cũng đã gây được tiếng vang lớn trong năm 2014.

Hàng loạt những “con hổ béo” cho đến những “con ruổi nhỏ” sập bẫy.  Nổi bật nhất là các thành viên trong “Bè lũ bốn tên mới” của Trung Quốc gồm: Lệnh Kế Hoạch, Bộ trưởng Bộ Mặt trận thống nhất thuộc Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc. Chu Vĩnh Khang, cựu bộ trưởng Bộ Công an và ông trùm dầu khí; Bạc Hy Lai, cựu Bí thư tỉnh ủy Trùng Khánh và Từ Tài Hậu, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Quan tham lớn nhỏ lần lượt sa bẫy nhưng chiến dịch chống tham nhũng này chưa có dấu hiệu dừng lại. Dự đoán năm 2015 vẫn sẽ là một năm “mất ăn mất ngủ” đối với những con hổ và ruồi Trung Quốc.

10. Mỹ bình thường hóa quan hệ với Cuba


Ngày 17/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo sẽ bình thường hóa quan hệ với Cuba, thiết lập Đại sứ quán tại Havana, đồng thời hối thúc Quốc hội Mỹ bãi bỏ lệnh bao vây phòng tỏa quốc đảo này trong hơn nửa thế kỷ qua. 

Đây là thành quả sau 18 tháng đàm phán bí mật, với sự hậu thuẫn của Vatican và Canada, thông qua một cuộc điện đàm, ông Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro đã nhất trí về việc trao đổi tù nhân và thành lập các đại sứ quán.

Động thái này được dư luận trong nước Mỹ hết sức ủng hộ. Đặc biệt, nó cũng nhận được sự tán thành của cả dư luận thế giới. Cả Liên minh châu Âu (EU) và người Mỹ đều tỏ ra hết sức hoan nghênh. EU cũng mong muốn mở rộng quan hệ với tất cả các bên trong xã hội Cuba.

Bảo Linh (Tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news