Cổ lỗ nhưng với số lượng đông khủng khiếp, các xe tăng T-62 của Quân đội Nga đang khiến giới quan sát đặt ra nhiều câu hỏi khi áp sát vùng biên giới với Ukraine.
Sau một thời gian dài "hòa bình", tình hình Ukraine nói chung và miền đông Ukraine nói riêng bắt đầu có dấu hiệu căng thẳng mới, nguy cơ cao dẫn tới nổ ra xung đột lớn. Nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ vụ ám sát lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân tự xưng (DPR) Aleksandr Zakharchenko hôm 31/8 tại một quán café.
Mặc dù vẫn chưa thể tìm ra ai là thủ phạm vụ ám sát, thế nhưng sự việc đã khiến quan hệ Nga - Ukraine vốn đã rất xấu càng trở nên căng thẳng hơn.
Thậm chí, vụ việc này còn có khả năng sẽ dẫn tới xảy ra xung đột vũ trang quy mô lớn tại miền đông Ukraine. Động thái của các bên liên quan cho thấy sự phức tạp và khả năng leo thang chiến sự tại đây.
The Sun dẫn nguồn tin Công ty Tình báo tư nhân Strategic Sentinel (Mỹ) cho rằng, ước tính 500-1.000 Nga đang rầm rập "cưỡi" tàu hỏa tới biên giới phía Tây với Ukraine. Nếu được chứng thực thì đó là con số gây choáng vì quy mô bằng số lượng xe tăng 3 cường quốc tại Tây Âu cộng lại (Anh, Pháp, Đức).
Thế nhưng, giới quan sát càng sốc khi trên các đoàn tàu hỏa kéo từ Buryatiya tới Kamensk-Skhaktinsky nằm sát biên giới Nga-Ukraine lại chở đầy xe tăng T-62 lạc hậu thời Liên Xô, thay vì T-72B hay T-90 hiện đại hơn.
Tàu hỏa chở xe tăng Nga rầm rập tiến về khu vực biên giới Nga-Ukraine. Nguồn ảnh: the Sun
Mặc dù qua các hình ảnh mờ nhạt, có thể nhận ra đó là phiên bản nâng cấp T-62M, nhưng nếu so với các cỗ tăng chủ lực phổ biến của Ukraine – loại T-64BV, T-62M vẫn còn kèm vài bậc.
Điều đó khiến giới quân sự phải tự hỏi, phải chăng người Nga đang ra "đòn gió" hay là răn đe Kiev và các "ông lớn" đứng sau.
Dẫu vậy, các chuyên gia của Strategic Sentinel nhận định rằng, nhiều khả năng các xe tăng T-62 sẽ nhận vai trò làm lực lượng dự bị, không phải là đơn vị xung kích trực tiếp tham gia các mũi đột kích ở tiền tuyến.
Trong khi đó, một số chuyên gia quân sự lại cho rằng, số xe tăng T-62 này có thể được sử dụng như những "pháo đài" vững chắc.
Một tài khoản mạng Twitter có cơ hội chụp với xe tăng T-62M được Quân đội Nga chuyển tới khu vực biên giới với Ukraine. Nguồn ảnh: lebedka19100
Thật vậy, lâu nay Quân đội Nga và một số quốc gia cũng thường xuyên sử dụng các xe tăng cũ đặt trong các công sự kiên cố, tạo thành lô cốt, pháo đài phòng ngự bảo vệ biên giới, hải đảo.
Với các khẩu pháo 115mm, T-62 vẫn có khả năng đáp ứng yêu cầu tác chiến chống xe tăng, bộ binh. Pháo chính U-5TS trên T-62M có thể bắn được tên lửa chống tăng 9K116-2 Sheksna (đạn 3UBK10-2) qua nòng. Loại tên lửa này có khả năng xuyên thủng lớp thép dày 550-600mm sau giáp phản ứng nổ.
Những viên đạn của T-62M chắc chắn khiến mọi loại xe tăng, thiết giáp mà Ukraine sở hữu phải dè chừng khi có ý định vượt quá giới hạn.
Đáng chú ý, T-62M cũng là một trong những loại vũ khí hạng nặng được Nga viện trợ hào phóng cho Quân đội Syria.
Dù lạc hậu, nhưng số tăng này đã phát huy hiệu quả khả năng tác chiến trên chiến trường Trung Đông. Thậm chí, từng ghi nhận, T-62M đã sống sót sau vụ tấn công bằng "sát thủ TOW" của phiến quân.
Bên cạnh động thái từ Nga, các quốc gia phương Tây mà chủ yếu là Mỹ cũng bắt đầu có những hoạt động mờ ám.
Theo đó, hôm qua (4/9), mạng Liveuamap cho hay, ít nhất một chiếc máy bay do thám không người lái RQ-4B của Không quân Mỹ đã thực hiện chuyến bay trên không phận vùng Donbass của Ukraine.
Ngoài ra, bộ máy truyền thông của chính quyền Ukraine tuyên bố rằng, trong khoảng thời gian từ 7-18h ngày 4/9 (giờ địa phương), quân ly khai miền Đông đã "vi phạm lệnh ngừng bắn 5 lần", khai hỏa súng phóng lựu, súng máy… vào các vị trí tại làng Shchastia, Pisky, Bohdanivka, Hnutove…
Rõ ràng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy tình hình miền Đông Ukraine đang thực sự hết sức căng thẳng, có khả năng bùng nổ nếu không có sự kiềm chế của các bên.