Sự thống trị của Trung Quốc tại Biển Đông chưa phải sự đã rồi nhưng Mỹ phải thực hiện một chiến lược chống cưỡng chế khẩn cấp hơn để duy trì trạng thái cân bằng quyền lực có lợi cho mình.
Kể từ đầu năm nay, Trung Quốc đã triển khai các tên lửa chống tàu và đất đối không, cũng như chiến đấu cơ tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Những hành động này là bàn đạp để Trung Quốc đưa tên lửa, máy bay tới quần đảo Trường Sa. Giờ đây, ngày càng có những quan ngại rằng Bắc Kinh có thể tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông. Để không bị phản đối, Trung Quốc đang theo kế hoạch tạo ra "những vùng nhận dạng nhỏ" và gây áp lực lớn hơn chống lại các nước láng giềng Đông Nam Á. Nếu xu hướng này tiếp tục, Biển Đông sẽ trở thành "ao nhà của Trung Quốc" trước năm 2030.
Làm hạ thấp những lợi ích của Trung Quốc tại Đông không phải là Chính sách hữu hiệu - việc xây đảo là một thực tế và việc thiếu lực lượng khiến Washington khó có thể khiến Trung Quốc rút lực lượng khỏi những nơi nó chiếm đóng. Do đó, Washington cần phải tập trung nỗ lực ngăn Bắc Kinh trục xuất các nước khác khỏi vùng lãnh thổ tranh chấp. Một bộ phận trong chiến lược của Mỹ là cần mở rộng các chương trình hỗ trợ quân sự cho các đối tác Đông Nam Á. Các nước ven biển Đông Nam Á rất cần khả năng nhận thức về biển, tàu hải quân và hải cảnh, bảo vệ bờ biển cũng như huấn luyện thêm để chống lại sự áp bức trên biển từ Trung Quốc - tất cả những điều này Mỹ đều có thể cung cấp.
Tàu Hải quân Malaysia và Mỹ tham gia tập trận chung CARAT 2008. Ảnh: US Navy |
Kể từ khi tuyên bố xoay trục sang châu Á vào năm 2011, Mỹ đã đưa ra một số sáng kiến để xây dựng năng lực cho đối tác tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có việc nới lỏng hạn chế xuất khẩu vũ khí cho Việt Nam và đàm phán một Hiệp định Hợp tác Quốc phòng tăng cường với Philippines. Quân đội Mỹ cũng duy trì các chương trình tương đối nhỏ đang diễn ra để cung cấp nhận thức trong lĩnh vực hàng hải và tăng cường khả năng tuần tra cho Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam
Tuy nhiên, mặc dù chiến lược của chính quyền hiện nay ưu tiên cho châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ vẫn chỉ dành 1% Quỹ tài chính quân sự nước ngoài (FMF) cho châu Á, con số này không tương xứng với lợi ích của họ trong khu vực. Chính phủ tiếp theo cần phải tăng cường các nỗ lực hỗ trợ quân sự nếu họ hy vọng cung cấp cho các đối tác của Mỹ một lực cản đáng tin ở mức tối thiểu.
Có 3 chính sách chính nên được cân nhắc để xây dựng năng lực cho các đối tác của Mỹ:
Thứ nhất, Mỹ cần cung cấp vũ khí bổ sung và huấn luyện để tăng cường khả năng hoạt động trên biển của các đối tác. Trong năm tài chính 2014, cả 3 nước Indonesia, Philippines và Việt Nam mới chỉ nhận được 74 triệu USD trong quỹ FMF. So sánh, Ai Cập nhận được 1,3 tỷ USD từ FMF mỗi năm. Chính quyền cũng dành 500 triệu USD cho chương trình trang bị và huấn luyện quân nổi dậy tại Syria (không phải chương trình FMF) nhưng cuối cùng nó đã bị hủy bỏ xem như thất bại. Phải thừa nhận rằng sự so sánh này là khập khiễng nhưng điều đó cho thấy Mỹ tiếp tục chỉ dành "một hạt bụi giữa sa mạc ngân sách" để hỗ trợ các đối tác châu Á trong việc chống lại sự áp chế của Trung Quốc trên biển.
Đối với Luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia năm tài chính 2016, Ủy ban Quân vụ Thượng viện do Thượng nghị sĩ John McCain dẫn đầu, đã đề xuất Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á (MSI) và phân bổ 425 triệu USD trong 5 năm để huấn luyện nhiều hơn, xây dựng thêm các cơ sở hạ tầng, tàu thuyền cho các đối tác Đông Nam Á. Tuy nhiên, Quốc hội cuối cùng lại chỉ cho phép 50 triệu USD trong năm tài chính 2016 chứ không phải là toàn bộ chương trình 5 năm. Điều này khiến Bộ Quốc phòng Mỹ khó lòng lên kế hoạch cho các dự án kéo dài nhiều năm. Trong yêu cầu tài chính năm 2017, Lầu Năm Góc đã đòi 60 triệu USD cho MSI và khẳng định lại kế hoạch giải ngân toàn bộ 425 triệu USD trong 5 năm. Trong trận chiến ngân sách sắp tới, việc Quốc hội quyết định có tài trợ toàn bộ chương trình này hay không sẽ là thước đo quan trọng cho cam kết duy duy trì hòa bình của Mỹ tại châu Á. Cả Trung Quốc và các đối tác của Mỹ sẽ đều chờ xem.
Một chính quyền mới có thể bắt đầu bằng việc mở rộng Sáng kiến An ninh Hàng hải cũng như đề xuất cung cấp một gói Hàng hóa Quân sự Nước ngoài lớn dành cho Philipines ngay trong những ngày đầu tiên nhậm chức. Vào tháng 4/2001, Tổng thống Bush tuyên bố một gói viện trợ quân sự đáng kể cho Đài Loan như một tín hiệu cho thấy sự ưu tiên của chính quyền. Tổng thống tiếp theo nên xem xét một động thái tương tự với Manila mặc dù điều này phù hợp với nhu cầu và khả năng của Lực lượng Vũ trang Philippines. Mỹ hỗ trợ cho Philippines, như với bất cứ đối tác nào khác, cần cân bằng giữa lực lượng lao động, bảo trì và hậu cần dành cho vũ khí quốc phòng thực tế.
Tăng FMF cho châu Á - Thái Bình Dương sẽ đòi hỏi Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng phải chú ý nhiều hơn để vượt qua những rào cản về chính trị và quan liêu đáng kể, liên quan tới việc đóng băng hoặc giảm mức FMF ở các khu vực khác.
(Còn nữa)
Bảo Linh (National Interest)