Thế giới này tồn tại những hòn đảo mang lời nguyền. Chúng có thể đã "hết hạn 7 kiếp" nên đang đón cư dân trở về, cũng có thể vẫn đang là vùng đất chưa một ai dám đụng tay kinh doanh gì hết.
1. Đảo Langkawi của Malaysia - lời nguyền tròn 7 đời mới chấm dứt
Trước chiến tranh 1766-1767, Langkawi cũng từng đông đúc. Nhờ có rừng mưa tươi tốt, khí hậu ôn hòa, thác nước cao và bãi cát trắng trải dài yên ả, nó là một nơi lý tưởng để mọi người ghé đến định cư.
Truyền thuyết kể lại rằng trên đảo có nàng Mahsuri xinh đẹp nức tiếng. Trước chiến tranh, nàng lên kiệu hoa với chàng chiến binh Wan Darus. Nhưng không may, Darus lại bị gọi ra chiến trường.
Trong thời gian Darus tòng quân, Mahsuri hết sức cô đơn, buồn rầu. Đúng lúc ấy, một anh lãng khách đẹp trai tên Deraman lại ghé tới. Thương thân nên xót cả phận người, Mahsuri cho phép Deraman tá túc ít bữa. Ai dè các nữ nhân vốn ghen tỵ với nhan sắc của Mahsuri nay lại càng đố kỵ hơn, vì nàng được sống cùng (dẫu trong sáng) với lãng khách trẻ đẹp. Đến một ngày cơn ghen tị lên đến đỉnh điểm, họ vùng lên đuổi đánh Mahsuri, đâm chết cô giữa đồng lúa vàng.
Oan ức và oán hận nên trước khi trút hơi thở cuối cùng, Mahsuri nguyền rủa Langkawi sẽ bị phá hủy và không bao giờ thịnh vượng nổi trong 7 đời.
Ban đầu chỉ là những "kẻ trong cuộc" vì cả sợ nên mới khăn gói rời khỏi Langkawi. Sau đó thì phần lớn cư dân lũ lượt rời đảo. Chỉ khi "7 đời" đã trôi qua, các thế hệ sau của họ mới rục rịch quay về. Và vì Langkawi vốn nên thơ, nó sớm trở thành tụ điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất.
2. Đảo Charles của Mỹ - kho báu bị nguyền của người Aztec
Người Aztec không sống ở Mỹ mà là tại Mexico. Nhưng truyền thuyết về lời nguyền đảo Charles (hòn đảo nằm ngoài khơi Connecticut) lại cho rằng nơi này có chôn một phần kho báu bí ẩn của người Aztec.
Thần thoại Mexico kể rằng vào thế kỷ 16 khi đế chế Aztec sụp đổ, đức vua của họ - Guatmozin - đã bị kẻ thù bắt trói và tra tấn dã man. Dẫu vậy, vị hoàng đế thất thế vẫn không hé môi tiết lộ nửa lời về vị trí chôn giấu kho báu của người Aztec, còn nguyền rủa kẻ nào dám động tay vào kho báu ấy sẽ phải trả bằng cả tính mạng.
Nào ngờ vào năm 1721, vài thủy thủ của Connecticut lại vớ bở khi vô tình bước vào một hang động ở Mexico. Hóa ra, kho báu mà vua Guatmozin đã phải đổi cả mạng sống để bảo vệ ấy lại nằm chình ình ngay trong đó.
Nhóm thủy thủ chia nhau, phần ai nấy khuân về nhà. Nhưng sau đó tất cả đều lần lượt qua đời một cách bí ẩn, và người dân kháo nhau là họ đã dính phải lời nguyền của vua Guatmozin. Một số người còn sống sót cuối cùng liền hấp tấp gom hết của nả được chia, đem chôn trên đảo Charles.
Không rõ vị trí kho báu ở đâu, hay chỉ là truyền thuyết
Trong khi chôn một phần kho báu của người Aztec ấy, anh ta cũng khẩn cầu Thượng Đế chôn luôn cả lời nguyền của vua Guatmozin. Thế nên, đảo Charles được xem là đã tiếp nhận lời nguyền của vua Guatmozin kể từ đó.
Và bạn biết không, hóa ra lời nguyền của Guatmozin không phải là cái duy nhất hòn đảo này phải gánh chịu. Charles cũng còn chứa thêm một truyền thuyết nữa về lời nguyền của thuyền trưởng Kidd - một tên cướp biển khét tiếng. Theo đồn đại, Kidd đã chôn vàng bạc của mình trên hòn đảo này, và (dĩ nhiên) kèm theo lời nguyền độc địa cho ai đụng vào.
Chỉ biết rằng hòn đảo này phải hứng ít nhất 3 lời nguyền rồi
Một lời nguyền khác thì đến từ tộc trưởng tộc Paugusset. Vốn dĩ, đảo Charles được tộc Paugusset xem như vùng đất linh thiêng. Nhưng trong cuộc tranh chấp với những người định cư mới, tộc Paugusset đã thua trắng. Bởi không cam tâm nên trước khi dẫn cả tộc rút lui, tộc trưởng của họ đã đặt xuống mảnh đất một lời nguyền.
3. Đảo Peche tại Canada - chưa ai dám quay lại
Đảo Peche của Canada nằm trong lòng sông Detroit. Và dù tọa lạc ngay cạnh một thành phố sầm uất, nó tuyệt không một bóng người sinh sống.
Lý do không ai dám làm ăn gì ở Peche bắt nguồn từ cuối thế kỷ 19. Theo hậu duệ của nhà Laforet (Pháp), tổ tiên của họ chính là những người đầu tiên đặt chân lên Peche, biến hoang đảo này thành đất sinh cơ lập nghiệp.
Song vào năm 1883, ông trùm ngành rượu của Detroit lúc bấy giờ là Hiram Walker lại dùng vũ lực ép gia tộc Laforet phải từ bỏ mảnh đất chỉ với $300 (tính cả lạm phát thì tương đương với hơn $7000 ở năm 2018), còn thuê "giang hồ" liên tục quấy phá. Không trụ lại nổi, chủ gia tộc Laforet thời đó là bà Rosalie đành nuốt nước mắt dắt díu con cháu đi.
Nhưng trước khi đi, bà không quên nguyền rủa: "Dù là ai cũng đừng hòng làm bất cứ điều gì trên mảnh đất này." Không rõ có phải vì lời nguyền đã ứng nghiệm hay không mà nhà Walker cứ mỗi lúc một lụn bại. Đầu tiên là con trai trưởng của ông ta chết khi mới chỉ 28 tuổi. Tiếp đến là chính Walker, sau đó là con trai thứ của ông.
Thế rồi lệnh cấm rượu ban hành. Nhà Walker chính thức sạt nghiệp. Năm 1929, tòa dinh thự 40 phòng nguy nga của họ trên đảo bốc cháy ngùn ngụt. Không ai rõ nguyên nhân gây cháy là gì nên lại càng bất an. Cũng bởi vì thế mà cho đến giờ vẫn chẳng người nào dám tính toán kinh doanh gì ở Peche hết.
Tham khảo: Atlas Obscura
Vũ Huế
Theo Helino/ Trí thức trẻ