Tin mới

36 tiếng sau phán quyết, Trung Quốc đã làm những gì?

Thứ năm, 14/07/2016, 14:59 (GMT+7)

36 tiếng sau khi Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết vụ kiện "đường lưỡi bò" của Philippines đối với Trung Quốc, tạp chí The Diplomat đã điểm lại những phản ứng của Bắc Kinh trước văn bản quốc tế khiến họ "mất mặt" này.

36 tiếng sau khi Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết vụ kiện "đường lưỡi bò" của Philippines đối với Trung Quốc, tạp chí The Diplomat đã điểm lại những phản ứng của Bắc Kinh trước văn bản quốc tế khiến họ "mất mặt" này.

Chiều 12/7, Tòa Trọng tài thường trực đã ra một phán quyết lịch sử đối với việc Philippines khởi kiện "đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc. Bắc Kinh từ lâu đã từ chối tham gia vụ kiện, cũng như phủ nhận tính pháp lý của PCA. Trước đó, giới chuyên gia cũng dự đoán phán quyết nhiều khả năng sẽ nghiêng về có lợi cho Manila (và thực tế thậm chí còn vượt quá những mong đợi của họ).

Theo The Diplomat, phản ứng đầu tiên của Bắc Kinh là tuyên bố phán quyết "vô hiệu", đồng thời lớn tiếng khẳng định phán quyết sẽ không ảnh hưởng đến yêu sách Biển Đông của nước này.

36 tiếng sau khi PCA ra phán quyết, Trung Quốc đã có nhiều phản ứng khác nhau. Ảnh: PCA

Bây giờ, hơn một ngày sau phán quyết, Trung Quốc đã có nhiều phản ứng khác nhau trước phán quyết lịch sử của PCA. Cũng theo The Diplomat, việc Bắc Kinh phản ứng như thế nào trong những ngày tiếp theo sẽ không chỉ thúc đẩy thêm các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông, mà còn trợ lực cho các cuộc đàm phán song phương tiềm năng giữa Trung Quốc với chính phủ Philippines sau khi tân Tổng thống Rodrigo Duterte thể hiện mong muốn đàm phán trực tiếp về những tranh chấp đang tồn tại giữa hai bên.

Hơn nữa, những gì Trung Quốc làm hay không làm sẽ ảnh hưởng đến quan hệ rộng lớn hơn với Washington. Phía Trung Quốc tồn tại quan điểm cho rằng, chính Mỹ đã khuyến khích Philippines đưa tranh chấp ra tòa quốc tế, khiến Bắc Kinh rơi vào tình thế "mất mặt" như hiện nay.

[mecloud]gt8FRTrNiy[/mecloud]

Vì vậy, ngoài việc ra tuyên bố đại diện cho chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ra tuyên bố, và hơn thế nữa, cả Ngoại trưởng và Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ cũng đều lên tiếng về phán quyết này.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gọi phán quyết của PCA là một "trò hề chính trị". Ảnh: Xinhua

Hôm 12/7, sau khi tòa ra phán quyết, một máy bay dân sự Cessna CE-680 đã hạ cánh phi pháp xuống đường băng trên đá Châu Viên và đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đây không phải hành động mới mẻ gì của Bắc Kinh ở quần đảo Trường Sa trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên Biển Đông. Một nguồn tin từ PCA cho biết, 5 tiếng sau khi đăng phán quyết, trang web của họ đã bị đánh sập.

Mặc dù PCA không công khai xác nhận điều này, song nhiều khả năng trang web của họ đã chịu một cuộc tấn công mạng mà nếu không phải từ nhà nước Trung Quốc thì là từ những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc không hài lòng với phán quyết của tòa. Năm ngoái, trang web của PCA cũng từng bị tấn công. Mặc dù vụ việc vẫn chưa được điều tra rõ ràng, song việc trang web của PCA bị đánh sập có thể được xem như là một trong nhiều phản ứng của Trung Quốc đối với phán quyết "đường lưỡi bò".

Cuối cùng, chưa đầy 48 giờ sau khi phán quyết được công bố, Bắc Kinh đã đe dọa sẽ lập Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Tuy nhiên, đến giờ, Bắc Kinh vẫn chưa có động thái nào cho thấy sẽ khai hoang bãi cạn Scarborough, trừng phạt Philippines hay tuyên bố ý định rút khỏi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLS).

Trước và sau phán quyết, các máy bay dân sự của Trung Quốc liên tiếp hạ cánh trái phép xuống đá Xu Bi và đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Xinhua

Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc rõ ràng đã kiểm soát những động thái kêu gọi chiến tranh của những thành phần dân tộc cực đoan. Điều này thể hiện Bắc Kinh rất quan tâm đến việc "chặn đứng" sự bùng phát chủ nghĩa dân tộc. Cuối cùng, không giống như những hậu quả của năm 1999, khi NATO đánh bom đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade hay năm 2012 khi Nhật Bản quốc hữu hóa quân đảo tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư, Trung Quốc đã không cho phép xảy ra các cuộc biểu tình công khai gần đại sứ quán Philippines hoặc Mỹ.

Theo tác giả của The Diplomat, có thể nói, Bắc Kinh đã kiểm soát khá tốt những phản ứng đáng chú ý sau phán quyết. Nên nhớ rằng, đối với Trung Quốc, chủ quyền trên Biển Đông có ý nghĩa tuyệt đối và phán quyết của PCA tại thời điểm này chẳng khác nào một sự "sỉ nhục quốc gia". Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại Trung Quốc, với vai trò là một cường quốc có sức ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, những hành động của Bắc Kinh đã bị tuyên bố là sai phạm theo luật pháp quốc tế. Điều này có thể đã tồi tệ hơn rất nhiều.

Chính quyền tân Tổng thống Duterte là yếu tố khiến Bắc Kinh kiềm chế. Ảnh: Philstar

Một trong những yếu tố có thể khiến Trung Quốc phản ứng một cách cẩn trọng và có kiểm soát đối với phán quyết của tòa là chính phủ mới ở Philippines. Tân Tổng thống Duterte có cách tiếp cận vấn đề tranh chấp khác xa với người tiền nhiệm của ông là cựu Tổng thống Benigno Aquino - người đã đưa tranh chấp ra tòa quốc tế Không rõ có bao nhiêu khoảng không tồn tại cho đàm phán, thương lượng giữa Trung Quốc và Philippines sau phán quyết này, nhưng phản ứng của Bắc Kinh cho thấy sự quan tâm của họ trong việc để ngỏ cánh cửa với Manila.

Lê Huyền (The Diplomat)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news