Mặc dù bị đả kích ở nước ngoài song tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin vẫn nhận được sự tín nhiệm cao trong nước. Tại sao vậy?
Người dân Nga luôn bày tỏ sự tin tưởng, ngưỡng mộ đối với ông Putin
Cuộc chiến tranh “trừng phạt” đang khiến nước Nga lao đao. Tham nhũng kéo dài. Khủng hoảng tiền tệ và một nền kinh tế tăng trưởng bất thường. Như người bị bỏ rơi tại các hội nghị thượng đỉnh toàn cầu.
Chắc chắn những điều trên đủ để làm giảm đi yêu mến của công chúng đối với bất kỳ tổng thống nào. Nhưng Vladimir Putin thì không. Kế quả thăm dò mới được công bố ngày 26/11 cho thấy tỉ lệ ủng hộ nhà lãnh đạo Nga là 85%, chỉ giảm xuống một chút so với 88% của tháng trước (tương đương với mức cao kỷ lục năm 2008).
Vậy thì tại sao ông Putin lại được người dân trong nước đánh giá cao như vậy trong 14 năm sau khi ông nắm quyền kiểm soát điện Kremlin? Dưới đây là 4 lý do được phóng viên Tom Parfitt của tờ Telegraph đưa ra:
Chiến tranh mang lại sự tin tưởng của người dân
Những quyết định và hành động của ông Putin trong các cuộc chiến là lý do đầu tiên khiến ông được yêu thích
Kết quả khảo sát do Trung tâm Levada công bố cho thấy sự nổi tiếng của ông Putin phụ thuộc vào những thời điểm ông đưa ra các quyết định và các hành động đầy sức thuyết phục.
Trước tháng 10, tỷ lệ người ủng hộ ông đã chạm mốc 88%, bằng tỷ lệ cao nhất tháng 9/2008, ngay sau khi Nga giành được thắng lợi trong cuộc chiến kéo dài 5 ngày với Georgia. Ông Putin sau đó không làm tổng thống mà là ông Dmitry Medvedev. Nhưng ông đã được người dân Nga nhìn nhận như là “sức mạnh đằng sau ngai vàng”.
Ảnh
Sự ủng hộ ông Putin cũng từng lên cao vào tháng 1/2000, tháng đầu tiên ông lên nắm quyền tổng thống. 84% người dân ủng hộ nhà lãnh đạo khi ông gửi quân trở lại Chechnya.
Cho đến cuối năm ngoái, tỷ lệ ủng hộ ông giảm liên tục vì cuộc chiến Georgia, thấp nhất là 61%. Nhưng con số này đã bắt đầu tăng kể từ Thế vận hội Sochi vào tháng 2 năm nay. Tỷ lệ ủng hộ ông đã chạm mốc 80% vào mùa xuân năm nay khi Nga sáp nhập Crimea và còn tiếp tục tăng khi ông Putin ủng hộ lực lượng dân quân ở Donetsk và Luhansk, miền đông Ukraine trong mùa hè và mùa thu.
“Crimea là của chúng ta”
Quyết định sáp nhập Crimea vào Nga đã nhận được sự ủng hộ của đại đa số người dân
Crimea đáng chú ý một cách đặc biệt. Trong trí tưởng tượng của người dân Nga, đây là nơi của lòng tự hào và vinh quanh dân tộc. Quân đội Sa hoàng đã chiến đấu với quân Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ tại đây vào thế kỷ 19. Những người lính Xô Viết cũng đã cầm chân người Đức 250 ngày trong cuộc bao vây Sevastopol vào năm 1941 và 1942.
Nikita Khrushchev, Tổng thư ký của Liên Xô đã tách Crimea khỏi Nga và Ukraine đã sáp nhập vùng đất này vào năm 1954.
Chủ nghĩa dân tộc Nga luôn khao khát sự trở lại của Crimea từ hồi ấy. Khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, ông Putin đã gửi quân đến bán đảo sau khi những người biểu tình lật đổ Tổng thống Ukraine, Viktor Yanukovych. Ngay sau đó, một cuộc trưng cầu dân ý đã quyết định tách Crimea khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga. Ông Putin đã chấp thuận điều này, bất chấp sự phản đối của phương Tây.
Tại Nga, quyết định này cực kỳ được ngưỡng mộ. Cuộc thăm dò do Levada tiến hành tháng trước cho thấy 86% người dân ủng hộ việc tiếp quản Crimea.
Pháo đài Putin
Với người dân Nga, không ai có thể thay thế ông Putin
Điện Kremlin miêu tả nước Nga như một pháo đài bị nước ngoài ác độc bao vây từ lâu đã là điều hiển nhiên. Các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga sau cuộc khủng hoảng Ukraine càng minh chứng cho luận điểm này.
Tài năng thiên phú của ông Putin là ngày càng khẳng định nhà nước gắn với bản thân. Tháng trước, Phó chánh văn phòng của ông đã nói với môt nhóm nhà phân tích rằng: “Không có nước Nga ngày nay nếu không có Putin” và “bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Putin cũng là nhằm vào nước Nga”.
Ban đầu, Tổng thống Nga còn e dè về ý tưởng trên, nhưng đầu tuần này, ông nói trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi đã nói tôi cảm thấy mình là một phần của nước Nga. Không chỉ là yêu mà tôi còn cảm thấy mình là của đất nước. Bất cứ ai cũng có thể nói anh ta yêu đất mẹ. Tất cả chúng ta đều yêu đất nước nhưng tôi thực sự cảm thấy mình là một phần của nhân dân và tôi không thể tưởng tượng được cuộc sống dù chỉ 1 giây mà không có nước Nga”.
Không ai có thể thay thế
Khi được hỏi tại sao lại ủng hộ ông Putin, nhiều người Nga đã trả lời: “Còn ai khác nữa?”
Kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2000, các cộng sự của ông Putin đã làm việc một cách chăm chỉ để loại bỏ, truy tố, làm mất uy tín hoặc trung hòa những đối thủ chính trị.
Bảo Linh (tin tức Telegraph)