"Giới chuyên gia ước tính, một tên lửa đánh chặn bất kỳ của Mỹ chỉ có chưa đầy 25% cơ hội tác động lên đầu đạn hạt nhân của Nga" - ông Blair nói.
Theo trang mạng Business Insider, Mỹ đã đầu tư 40 tỷ USD vào hệ thống phòng thủ đạn đạo giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD).
Tới cuối năm 2017, Mỹ muốn có 44 tên lửa đánh chặn bố trí tại Alaska và California để đẩy lùi cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân có thể xảy ra.
Mặc dù GMD đã đạt được một vài thành công nhất định trong thử nghiệm nhưng các điều kiện tác chiến thực tế có thể dễ dàng khiến hệ thống này không còn đủ sức bảo vệ Mỹ trước các cuộc tấn công hạt nhân. Trong khi đó, Nga đã bố trí xung quanh Moscow 68 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân để đánh chặn các mục tiêu đạn đạo.
Một điều đáng chú ý nữa là, các tên lửa đánh chặn của Mỹ không sử dụng đầu đạn nổ, mà dùng dùng động năng do va chạm trực tiếp để tiêu diệt mục tiêu.
"Giới chuyên gia ước tính, một tên lửa đánh chặn bất kỳ của Mỹ chỉ có chưa đầy 25% cơ hội tác động lên đầu đạn hạt nhân của Nga. Vì thế, Mỹ phải bắn ra ít nhất 4 tên lửa đánh chặn để đối phó với mỗi tên lửa của đối phương" - ông Bruce Blair, chuyên gia về an ninh hạt nhân, nói với Business Insider.
Như vậy, tính trung bình, với 44 tên lửa đánh chặn, Mỹ chỉ có thể phá hủy 11 đầu đạn.
"Trong khi đó, Nga có thể bắn tới 1.000 tên lửa về phía chúng ta" - ông Blair nói.
Trái ngược với Mỹ, hệ thống phòng thủ của Nga được cho là hoạt động hiệu quả hơn nhiều.
Theo ông Blair, để ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân từ Nga, Mỹ phải có ít nhất 100 tên lửa hạt nhân chĩa vào Moscow. Trong trường hợp bị tấn công, Mỹ sẽ bắn liên tiếp các tên lửa nhằm vào Moscow trong lúc nước này triển khai tên lửa hạt nhân để ngăn chặn. Sau một thời gian, tên lửa đánh chặn sẽ cạn kiệt, nói cách khác, có khả năng một bên sẽ thất bại.
Vị chuyên gia thừa nhận tên lửa đánh chặn có đầu đạn hạt nhân sẽ mang lại hiệu quả nhất định, nhưng điều đó không có nghĩa chúng là một phương thức lý tưởng. Vụ nổ hạt nhân trên mặt đất có thể gây ra xung điện từ hoặc kéo theo một vụ nổ phá hủy các hệ thống vệ tinh, hệ thống điện và thậm chí khiến dân thường thiệt mạng.
Ngoài ra, tên lửa đánh chặn này có thể phát nổ ngoài ý muốn nên theo ông Blair, tốt nhất là không trang bị cho chúng đầu đạn hạt nhân.
(Theo Thời đại)