"Bi kịch đèo Dyatlov" cách đây gần 6 thập kỷ được nhận định là một trong những bí ẩn lớn nhất thế kỷ 20.
59 năm trước trên dãy núi Ural hùng vĩ, một nhóm nhà khoa học 10 người thực hiện chuyến thám hiểm lên ngọn núi Kholat Syakhl cao 1.895m, được mệnh danh là "Núi Tử thi", nhằm đo tác động của độ cao và thời tiết giá lạnh lên cơ thể người.
Chỉ một người trở về và sống sót!
Thành viên thứ 10 (tên Yuri Yudin) may mắn thoát chết vì bị ốm đột ngột, không thể đi theo đoàn.
Tên và tuổi của đoàn thám hiểm 10 người. Trong đó, Igor Dyatlov là trưởng đoàn. Yuri Yudin vì gặp vấn đề sức khỏe nên không tham gia chuyến thám hiểm núi Kholat Syakhl. Nguồn: Internet |
Nhóm 9 nhà khoa học do kỹ sư Igor Dyatlov thuộc Viện Bách khoa Ural (nay là Đại học Kỹ thuật Quốc gia Ural, Nga) dẫn đầu mất tích khó hiểu khi cả đoàn leo lên sườn phía Tây Núi Tử thi đầy gió tuyết, phía bắc của dãy núi Ural.
Sau gần 1 tháng tìm kiếm, cảnh tượng 9 thi thể tại hiện trường gây sốc cho toàn bộ đội điều tra và giới khoa học Liên Xô bấy giờ: 9 thi thể được phát hiện ở 9 địa điểm khác nhau và vào những thời điểm khác nhau; Nguyên nhân cái chết của 9 người cũng khác nhau.
Người ta tìm thấy thi thể có dấu hiệu tổn thương nội quan nghiêm trọng, có người thì bị mất lưỡi (Lyudmila Dubinina), người bị nát đầu. Có thi thể trần truồng giữa tuyết lạnh. Có thi thể nằm úp, mặt vùi sâu trong tuyết.
Một thi thể nhà thám hiểm nằm co quắp trên tuyết lạnh. Gương mặt còn hằn in nỗi sợ hãi, ngạc nhiên. Nguồn: Internet. |
Những chiếc lều dựng tạm để trú chân của đoàn khoa học cũng rơi vào tình trạng bị phá nát một cách khó hiểu.
Dù đã mở cuộc điều tra quy mô lớn, triển khai cả việc khám nghiệm tử thi và khám nghiệm hiện trường nhưng giới điều tra Liên Xô thời đó chốt lại: Không hiểu chuyện thực sự gì đã diễn ra với đoàn thám hiểm.
Để tưởng nhớ cái chết của đoàn thám hiểm khoa học do kỹ sư Igor Dyatlov dẫn đầu, người ta đặt tên cho sườn đèo núi Kholat Syakhl - nơi phát hiện 9 thi thể - là Đèo Dyatlov. Khi không thể lý giải được chuyện thực sự gì đã diễn ra vào ngày mùa đông năm 1959 khi đó, người ta cũng gọi vụ việc này là "", hay "Sự cố đèo tử thần Dyatlov".
Gần 6 thập kỷ qua đi. Những thứ gợi nhớ về bi kịch khiến 9 nhà thám hiểm chết bí ẩn trên đèo Dyatlov là những thước phim kinh dị của Hollywood hay trong những cuốn sách của tác giả người Nga về sau. Bi kịch khó hiểu tưởng từng mãi mãi bị vùi chôn trong tuyết lạnh giờ được khơi lại.
Cụ thể, RBTH (Nga) đăng tải câu chuyện của Valentin Degterev - một blogger người Nga, chủ quản một tạp chí chuyên viết về những hiện tượng khó hiểu và dị thường trên thế giới.
Viết trên tạp chí của mình, Valentin Degterev cho rằng, cái chết của nhóm Dyatlov là do một tên lửa cỡ nhỏ tác động. Bằng chứng là trên sườn núi cách địa điểm dựng lều của nhóm Dyatlov 3km xuất hiện một hố khoét rộng 30m.
"Tôi nghĩ, nhiệt độ vào thời điểm đó tác động lên sườn đá là rất cao mới có thể khiến loại đá hoa cương của núi Kholat Syakhl như bị nung thành màu đỏ. Điều này có thể thấy dễ dàng trên hình ảnh vệ tinh.", Valentin Degterev cho biết.
Rất có thể, thời điểm cả đoàn gặp nạn là ban đêm. Họ bị đánh thức bởi sóng xung kích phát ra từ tên lửa. Hơn thế, họ còn có khả năng bị mất thị lực tạm thời do ánh sáng chói của tên lửa. Điều giải thích cho hiện trường hoảng loạn của cả đội, khi họ cố gắng thoát khỏi lều và cứ thế chạy xuống khu rừng.
Hình ảnh vệ tinh Valentin Degterev cung cấp, thể hiện khu vực đèo Dyatlov và địa điểm tìm thấy hố rộng 30m. Ảnh: Valentin Degterev |
Valentin Degterev không rõ nguồn gốc quả tên lửa, cũng như nó được bắn đi có mục đích hay không, nhưng bằng một cách nào đó nó đã thay đổi hướng, rồi đâm thẳng vào sườn núi trong đêm tối.
Do không tìm thấy dấu vết phóng xạ trên quần áo của các nạn nhân, nên với bằng chứng của một hố rộng 30m khoét vào sườn núi, Valentin Degterev nghĩ đến giả thuyết thứ hai là họ bị thiên thạch tấn công.
“Tôi nghĩ rằng, nơi này phải được điều tra kỹ lại một lần nữa khi tiết trời ấm hơn. Nếu bức xạ thực sự được tìm thấy, và nếu có một miệng hố rộng 30m ở đó, thì bí ẩn gần 6 thập kỷ của đèo Dyatlov có thể sáng tỏ.", Valentin Degterev tin tưởng.
Tuy nhiên, giả thuyết của Valentin Degterev có giải thích được hết những gì đã xảy ra vào ngày 15/2 (ngày họ bặt vô âm tín) cách đây 59 năm không?
Hàng tháng trời sau "Bi kịch đèo Dyatlov", các nhà điều tra Liên Xô không thể hiểu nổi chuyện gì xảy đến với 9 nhà khoa học trẻ. Báo cáo điều tra cuối cùng kết luận: Nhóm thám hiểm bị giết "bởi một thế lực bí ẩn".
Mãi đến đầu những năm 1990, khi Liên Xô tan rã, công chúng ở Nga mới biết rõ hơn về bi kịch này. Khi bí ẩn không được giải quyết, nhiều thuyết âm mưu liên quan đến các vụ thử nghiệm hạt nhân của chính phủ đến sự hiện diện của người ngoài hành tinh và các sinh vật huyền bí vùng núi tuyết được đưa ra nhằm cố giải thích cho những gì đã xảy ra với số phận nghiệt ngã của đoàn thám hiểm. Giả thuyết của Valentin Degterev nêu trên nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Năm 1990, nhà báo Anatoly Guschin xuất bản cuốn sách tựa đề "Giá của bí mật quốc gia là 9 mạng người", đặt ra giả thuyết rằng cái chết kỳ dị của đoàn thám hiểm có liên quan đến vụ thử vũ khí bí mật của Liên Xô. Cuốn sách là kết quả của những nghiên cứu mà Anatoly Guschin dày công thực hiện.
Tuy nhiên, sau khi được xuất bản, một số nhà nghiên cứu lên tiếng chỉ trích Anatoly Guschin do ông quá tập trung vào việc "đổ lỗi" cho chính phủ và dự án vũ khí bí mật đó. Tuy nhiên, do ẩn chứa nhiều điều bí ẩn nên cuốn sách vẫn được công chúng đón nhận.
Bi kịch đèo Dyatlov trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất của thế kỷ 20. Nguồn: Internet
Một trong những giả thuyết được truyền miệng nhiều nhất liên quan đến bộ tộc Mansi bản địa. Theo đó, có thể nhóm thám hiểm đã xâm phạm vào chiếc hang thiêng của người Mansi. Sợ bị quấy nhiễu, người Mansi đã truy sát cả đoàn trong đêm. Cho đến nay, giả thuyết này chỉ được bàn tán qua nhiều người.
Lại có một giả thuyết khác cho rằng, cả đoàn đã uống phải một thứ nước lạ gây ảo giác. Điều này giải thích cho hành vi kỳ lạ của cả đoàn khi thi thể họ được tìm thấy ở nhiều vị trí khác nhau với những thương tích hoàn toàn khác nhau.
Việc các chiếc lều bị rách từ bên trong, cũng như không tìm thấy bất kỳ dấu chân nào của 9 người bên ngoài lều khiến nhiều người tin rằng họ bị tấn công từ bên trong bằng một lực cực lớn khiến cả 9 người bị bắn ra khỏi lều ở khoảng cách xa.
Xét cho cùng, rất nhiều giả thuyết đã đưa ra nhằm cố gắng lý giải cho bi kịch đau thương xảy ra trên sườn núi lạnh giá năm 1959, tuy nhiên, giống như tên theo nghĩa của người Mansi, "Núi tử thi" vẫn ở đó, và câu chuyện cách đây gần 6 thập kỷ vẫn phải khép lại để trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất của thế kỷ 20.
Bài viết sử dụng nguồn: RBTH (Nga)
Trang Ly
Theo Helino/ Trí thức trẻ