Kết quả cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý Brexit đã đẩy nước Anh vào một cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng.
Công đảng hỗn loạn
Cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý hôm 23/6 đã quyết định Anh rời khỏi Liên minh châu Âu EU. Ngay sau kết quả Brexit, tình hình chính trường nước Anh đang hỗn loạn hơn bao giờ hết. Đài BBC đưa tin Công đảng đối lập đang bị chia rẽ hậu Brexit. Hàng loạt quan chức trong đảng này đã tuyên bố từ chức do bất đồng chính kiến với ông Jereymy Corbyn, lãnh đạo đảng.
CNN đưa tin sau khi Thủ tướng David Cameron tuyên bố từ chức và thông báo việc đảng Bảo thủ sẽ chọn ra lãnh đạo mới, người có nhiệm vụ khởi động tiến trình đưa Anh ra khỏi EU thì cuộc nổi loạn chống lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn được đà bùng phát.
Lãnh đạo Công đảng Corbyn. Ảnh: AP |
Ông Corbyn bị nhiều thành viên trong đảng chỉ trích là không thể hiện tốt lập trường ủng hộ ở lại EU. Hiện đã có 11 nghị sĩ cấp cao của Công đảng đã từ chức hôm 26/6 sau khi ông Corbyn sa thải Ngoại trưởng Hilary Benn vì kế hoạch lật đổ ông. Một số quan chức tuyên bố từ chức gồm: Lucy Powell - quan chức phụ trách giáo dục; quan chức phụ trách môi trường Kerry McCarthy; quan chức phụ trách giao thông Lillian Greenwood...
Những người bất đồng trong Công đảng muốn gây sức ép để ông Corbyn phải từ chức trước khi cuộc tổng tuyển cử tiếp theo diễn ra. "Tôi không tin rằng ông ấy có năng lực định hình những câu trả lời mà đất nước chúng ta đang đòi hỏi. Tôi tin rằng nếu chúng ta thành lập chính phủ mới, thay đổi lãnh đạo là điều cần thiết", trích thư từ chức của Bộ trưởng Y tế nội các đối lập Heidi Alexander.
Tuy nhiên, một phát ngôn viên của ông Corbyn cho biết ông này sẽ không từ chức và khẳng định ông là “nhà lãnh đạo được bầu dân chủ của Công đảng”.
Các nghị sĩ Công đảng đã đề nghị một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với ông Corbyn và điều này sẽ được cân nhắc trong cuộc họp của đảng này hôm 27/6. Về phần mình, ông Corbyn nói: "Tôi lấy làm tiếc trước nhiều trường hợp từ chức khỏi nội các đối lập của tôi hôm nay. Nhưng tôi sẽ không phản bội niềm tin của những người đã bầu cho tôi, hay hàng triệu người ủng hộ trên khắp cả nước cần Công đảng đại diện cho tiếng nói của họ". Ông Corbyn cũng cam kết tái thiết lại nội các Công đảng trong thời gian ngắn nhất.
Nguy cơ Anh tan rã
Nhưng, nguy cơ khủng hoảng chính trị tại Anh không dừng lại ở đó. Vương quốc Anh còn đang phải đối mặt với nguy cơ chia tách lãnh thổ.
Ngày 26/6, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon cho biết bà sẽ cân nhắc việc đề nghị quốc hội Scotland sử dụng quyền lực của cơ quan này nhằm ngăn chặn Anh rời EU. Theo bà, các nghị sĩ Scotland có thể phá hỏng kế hoạch của phe ủng hộ rời đi bằng cách từ chối tán thành Brexit.
Trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6, 62% cử tri Scotland đã ủng hộ Anh ở lại nhưng chính phủ Anh nhiều khả năng sẽ có "một lập trường rất khác". Và theo một thỏa thuận có liên quan đến chia sẻ một số quyền hạn của Anh cho Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland, quyết định rời EU sẽ phải có sự đồng thuận của cả 3 cơ quan lập pháp của cả 3 vùng nói trên. Hiện bà Sturgeon đang nghiên cứu phương án để duy trì sự hiện diện của Scotland trong EU.
Giới chức EU thì tuyên bố khối sẵn sàng đón nhận Scotland độc lập tham gia liên minh. Có khả năng, Scotland sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý khác để tách khỏi Anh. Đây được xem như hệ quả của cuộc trưng cầu Brexit.
Một bộ phận khác của Vương quốc Anh là Bắc Ireland cũng tuyên bố sẽ ưu tiên thiết lập các "thỏa thuận đặc biệt" để Bắc Ireland duy trì các mối quan hệ với EU, Thứ trưởng Thứ nhất Bắc Ireland Martin McGuinness cho biết. Nhiều khả năng Bắc Ireland cũng sẽ sử dụng quyền lực của hội đồng lập pháp để ngăn Anh rời EU.
Phản ứng của Scotland và Bắc Ireland hậu Brexit cảnh báo nguy cơ Vương quốc Anh sẽ tan rã.
Bảo Linh (tổng hợp)