Người phụ nữ trong tâm bão bê bối Hàn Quốc ngày hôm nay, 31/10 đã để các công tố viên kiểm tra xem liệu bà này có lợi dụng mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Park Geun-hye để giật dây chính phủ từ trong bóng tối và tích lũy tài sản bất hợp pháp hay không.
Hãng Yonhap dẫn lời bà Choi Soon-sil khi phát biểu trong tòa nhà công tố: "Xin hãy tha lỗi cho tôi. Tôi xin lỗi". Bà Choi là con gái một lãnh đạo tôn giáo, có quan hệ kéo dài hàng thập kỷ với bà Park, đã khóc nói rằng: "Tôi đã phạm phải một tội lỗi đáng phải chết".
Bà Choi, đội mũ bucket, quàng khăn, tay che miệng và nhiều lần suýt ngã khuỵu khi bước qua đám đông các phương tiện truyền thông, người biểu tình và lực lượng an ninh vây quanh lối vào tòa nhà. Đài YTN TV đưa tin bà Choi đã bị mất cả giày khi bị đám đông xô vào.
Những người biểu tình hét lên: "Bắt giữ Choi Soon-sil", "Park Geun-hye nên từ chức đi".
Bà Choi Soon-sil (trái) cùng tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hey đang là tâm điểm trong vụ bê bối. Ảnh: Straitstimes |
Bê bối bùng nổ hồi tuần trước sau nhiều tuần nghi ngờ dấy lên. Bà Park đã thừa nhận rằng một số bài phát biểu của mình đã bị bà Choi sửa chữa, bà này cũng đã giúp đỡ những người thân quen một cách công khai. Truyền thông đưa tin bà Choi, vốn không có quan hệ chính thức với chính quyền, có thể đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề của chính phủ.
Các nhà điều tra đang cố gắng xác định phạm vi tiếp cận mà bà Choi có được và có hay không việc bà ta có được các tài liệu nhạy cảm của tổng thống. Họ đã lục soát nhà của một số uan chức trong khu Nhà Xanh (phủ tổng thống Hàn Quốc) khi điều tra.
Bà Park đã sa thải một số phụ tá hàng đầu nhằm cố thu hẹp hậu quả khi hàng ngàn người xuống đường biểu tình và một số nhà lập pháp cũng như công chúng kêu gọi bà từ chức hoặc buộc tội bà.
Không rõ bà Choi này đã có sức ảnh hưởng như thế nào nhưng nhiều người Hàn Quốc tin rằng nhiều hơn so với những gì bà Park đã thừa nhận. Sự điên cuồng quanh vụ bê bối lần này đe dọa đến ghế tổng thống của bà.
Người biểu tình xuống đường đòi bắt giữ bà Choi Soon-sil và yêu cầu Tổng thống Park Geun-hye từ chức. Ảnh: Nytimes |
Bà Choi Soon-sil, 60 tuổi, đã trở về quê sau một thời gian sống ẩn dật tại Đức. Không rõ liệu có chi tiết nào trong cuộc gặp giữa bà và các công tố viên sẽ được tiết lộ hay không.
Trước đó, bà Choi nói rằng mình có giúp tổng thống Park nhưng không biết là bà này có nhìn thấy các thông tin mật hay không. Luật sư của bà này, ông Lee Kyun-jae, nói với các phóng viên rằng bà Choi "chân thành xin lỗi vì đã khiến cho người dân thấy bị xỉ nhục và thất vọng".
Bà Choi chơi thân với bà Park kể từ khi cha của bà này, lãnh đạo một tôn giáo, gắn bó với nữ tổng thống Hàn Quốc. Ông ta cố thuyết phục bà Park rằng mình có thể giao tiếp với người mẹ đã bị ám sát của bà. Người đàn ông này sau đó đã giết chết cha bà Park, cố tổng thống Park Chung-hee. Ông ta nói rằng mình buộc phải tấn công ông Park bởi vì Park Chung-hee ngăn không cho ông ta làm thân với bà Park Geun-hye.
Truyền thông đưa tin bà Choi Soon-sil đã lợi dụng quan hệ với bà Park để gây áp lực cho các doanh nghiệp, ép họ đưa tiền cho 2 tổ chức phi lợi nhuận mà bà ta đứng đầu - quỹ Mir và K-Sports. Sau đó, bà ta bị cáo buocj sử dụng quỹ chính thức của những tổ chức này vì mục đích cá nhân. Truyền thông Hàn Quốc cho rằng 2 tổ chức này đã thu được khoảng 80 tỷ won (70 triệu USD) tiền quyên góp từ các tập đoàn doanh nghiệp lớn nhát Hàn Quốc chỉ trong vài tháng.
Chủ tịch ĐH Ewha Womans cũng đã từ chức trong bối cảnh các cuộc biểu tình cáo buộc bà Choi lợi dụng quan hệ với bà Park để con gái được vào học tại ngôi trường danh giá này sau đó đảm bảo cho cô bé được đối xử đặc biệt trong quá trình học.
Vấn đề tham nhũng trong thương mại và chính trị vẫn còn phổ biến tại Hàn Quốc. Nhưng vụ bê bối lần này đã gây rúng động theo cách mà những vụ trước đó không có được.
Một phần vì nó gắn liền với những gì bà Park Geun-hye đã làm hiện nay và trước đây, được gắn chặt với lịch sử đầy biến động gần đây của Hàn Quốc. Di sản mà cha bà Park để lại vẫn gây chia rẽ. Những người ủng hộ xem ông ấy như nhân vật đã cứu Hàn Quốc khỏi đói nghèo và những điều không thích hợp bằng cách xây dựng nền kinh tế từ đống đổ nát sau Chiến tranh Triều Tiên. Những người phản đối thì nói rằng sự phát triển kinh tế bắt nguồn từ việc lạm dụng nhân quyền, trong đó có việc tra tấn và sát hại những người bất đồng chính kiến.
Được bầu lên vào năm 2012, bà Park Geun-hye đã bị những người chỉ trích chính phủ cáo buộc chỉ dựa vào một số người bạn tâm giao và hạn chế tương tác với báo chí, công chúng, thậm chí là một số bộ phận của chính phủ.
Mặc dù vậy, những người bạn tâm giao thân thiết nhất của bà Park hầu hết lại không phải người Hàn Quốc trong chính phủ. Có thể những quyết định mà bà ấy đưa ra đã được giật dây bởi một vài người bên ngoài chính phủ, một vài người kết nối với những thế lực ghê gớm, tối tăm và điều này khiến công chúng nổi giận. Gần 10.000 người đã xuống đường biểu tình trong cuối tuần vừa qua.
Để cố kiềm chế cơn giận của công chúng, bà Park đã cải tổ lại đội ngũ trợ lý của mình, chỉ định một thư ký cấp cao mới phụ trách các vấn đề dân sự và một tổng thư ký mới phụ trách các vấn đề công cộng. Bà cũng chấp nhận đơn từ chức của một số quan chức trong nhóm khống chế của mình. Một trong số họ là vị trợ lý đã làm việc cho bà Park gần 2 thập kỷ, người được cho là có liên quan tới bê bối lần này.
Bảo Linh (New York Times)