Tập làm văn là yếu tố đánh giá khả năng học tập của học sinh tiểu học. Những thế hệ 8x, 9x có lẽ vẫn nhớ bài văn tả ông bà luôn gắn với “mái tóc bạc, miệng móm mém, đôi mắt hiền từ”. Thế nhưng ở thời đại hiện nay, nhiều hình tượng ông bà kiểu mới đã xuất hiện.
Ông bà ngày nay dường như đã chịu chơi và sành điệu hơn hẳn. Cộng đồng mạng đã lan truyền bài văn tả bà nội của học sinh tiểu học gây “choáng váng” khi miêu tả đủ thứ về bà không khác gì 1 nàng thiếu nữ.
Học sinh này viết: "Nhà em có nuôi một bà nội suốt ngày ngồi lướt Facebook. Ngày nào bà cũng điện thoại nói chuyện với cô tận 3 tiếng, có hôm mải buôn quá không tắt bếp nên cháy cả nồi. Da của bà nhăn nheo. Răng bà trắng, vàng hoặc đen. Bà cũng thỉnh thoảng dạy em học bài. Em rất yêu quý bà em".
Đây không phải lần đầu tiên bà nội xuất hiện “là lạ” như vậy. Trước đó, bài tập làm văn của bé Khánh Linh – học sinh lớp 2 cũng đã thu hút đông đảo sự chú ý. Cô bé viết rất nắn nót, chữ sạch đẹp, tuy nhiên nội dụng lại “dở khóc dở cười”.
Khánh Linh viết: "Trong gia đình em, người em yêu và kính trọng nhất là bà nội em. Bà em tên là Thu năm nay bà em 56 tuổi. Tuy bà em đã nhiều tuổi nhưng da bà vẫn trắng mịn. Mái tóc của bà vẫn đen và mượt bóng. Bà rất thích đi bộ và ăn cá kho... Mỗi tối đi học về, bà thường nấu những món ăn rất ngon, tắm rửa cho em đi chơi. Buổi tối, bà còn vỗ lưng cho em dễ ngủ. Để bà vui và hạnh phúc em thường bóp vai đấm lưng, học giỏi và vâng lời bà".
Lời văn của các em chính là những gì diễn ra xung quanh cuộc sống. Điều này chứng minh rằng xã hội thay đổi, các bé cũng được tự do viết về những gì mình nghĩ hơn là dùng “văn mẫu”, bắt chước bài văn của người khác. Mỗi học sinh đều được giáo viên cùng bậc cha mẹ tôn trọng sự sáng tạo, khả năng và cảm xúc của con nhiều hơn.
Ảnh: Tổng hợp