Tin mới

Bánh mì cay Hải Phòng - đặc sắc ẩm thực phố Cảng

Thứ sáu, 04/11/2016, 11:38 (GMT+7)

Dù ra Bắc hay vào Nam, những người thích ăn uống chỉ cần dành thời gian thả bộ qua những ngõ phố là đã có thể thưởng thức các món ăn đặc sản. Nói về Hải Phòng hắc chắn phải kể đến Bánh mì cay

Có người từng nói "Tinh túy ẩm thực của Việt Nam bắt đầu từ ẩm thực hè đường".

Thật vậy, dù ra Bắc hay vào Nam, những người thích ăn uống chỉ cần dành thời gian thả bộ qua những ngõ phố nhiều hàng rong là đã có thể thưởng thức và nắm được những món ăn đặc sản của nơi mình vừa đặt chân đến. Sài Gòn có hủ tiếu gõ, bánh tráng trộn, bánh xèo; Huế thì nổi tiếng với bún bò, cơm hến, chè hẻm; nói đến Đà Nẵng là nói đến mỳ Quảng, mít trộn... Vậy còn Hải Phòng? Chắc chắn phải chín trên mười người sẽ nói với bạn đó là Bánh mỳ cay và Bánh đa cua.

Bánh mì cay Hải Phòng có hình dáng nhỏ rất vừa miệng

Những chiếc bánh mỳ cay đầu tiên tương truyền rằng được ra đời vào gần cuối những năm bao cấp, tại ngõ Khánh Lạp, phường Hàng Kênh. Lúc đó do tình trạng khan hiếm nguyên liệu, cộng với mong muốn tạo ra một món ăn ngon, giàu dinh dưỡng một người thợ vô danh đã tạo ra những chiếc bánh chỉ nhỏ bằng hai ngón tay với nhân duy nhất là một lát pate lẫn mỡ. Loại bánh này nhanh chóng được đón nhận trong tầng lớp những người lao động chân tay vì hương vị ngon, dễ ăn, phục vụ được nhu cầu ăn nhanh và đặc biệt là rất rẻ.

Bánh được bán đầy rẫy các khu chợ và trên các con đường Hải Phòng

Cách đây khoảng mười lăm năm, một chiếc bánh mỳ cay có giá là 500 đồng, hiện tại, giá cũng chỉ dao động từ một ngàn rưỡi đến hai ngàn đồng. Trải qua thời gian, kỹ thuật nướng bánh và trộn pate vẫn không hề thay đổi. Vỏ bánh được nướng rất giòn và khô, hầu như không có ruột. Lớp patê bên trong thì ngược lại, phải thật mềm, thật mỡ màng. Và một chi tiết nhỏ nhưng không thể thiếu là một chút tương ớt đặc chế gọi là chí chương rưới lên trên. Cắn miếng bánh đầu tiên, cảm giác thứ nhất là độ giòn và khô cùng tiếng lạo xạo khi vỏ bánh vỡ ra. Liền sau đó là hương patê thơm phức tan ngay đầu lưỡi và cuối cùng là vị cay nồng của chí chương làm người ta phải xuýt xoa. Cách ăn bánh đúng điệu nhất là rưới chí chương vào giữa hai lớp bánh, cắn miếng thật to sao cho một chiếc bánh chỉ ăn trong hai, ba miếng. Ăn hết một chiếc là ngay lập tức thấy muốn ăn chiếc nữa đến tận khi no căng bụng.

Do đặc trưng vỏ bánh rất khô và patê rất ngậy nên khi ăn bánh mỳ cay luôn phải đi kèm với món uống. Và chè Thái hay còn đựoc gọi là chè giun vì những sợi thạch rau câu dài màu xanh được thêm vào đã hoàn thành xuất sắc một vai trong cặp đôi hoàn hảo này.

 

Thưởng thức "combo" bánh mì cay và chè Thái để cảm nhận đủ vị

Đôi lúc, khi rời khỏi đất Hải Phòng, bánh mỳ cay được biến tấu bằng cách cho thêm rau mùi, hành tây, ruốc vào nhân bánh và tăng giá lên thành ba, bốn nghìn đồng một chiếc. Những biến tấu này đa phần đều thất bại, đều bị đánh giá là "vẽ rắn thêm chân", không vượt qua được bản gốc. Đến nỗi mà sau một thời gian, các chủ hiệu bán bánh này phải đổi tên món ăn của mình thành "bánh mỳ que" tất thảy.

Vào những ngày mưa gió hay những ngày mùa đông se se lạnh, không gì thú vị bằng vào một quán bánh ven đường, ngồi bên cạnh lò nướng ấm áp, nhấm nháp chiếc bánh mì cay cùng cốc "chè giun" lành lạnh. Nếu có dịp ghé qua Hải Phòng, bạn hãy thử mà xem.

Ngọc Tuấn

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news