"Trung Quốc muốn thiết lập sự thống trị ở châu Á và đã chọn thời điểm Ấn Độ suy yếu nhất dưới thời [Thủ tướng Narendra] Modi", Hindustan Times nhận định.
Cuộc đối đầu căng thẳng Trung - Ấn hiện nay đã bước sang tháng thứ hai, tuy chưa nhượng bộ nào được đưa ra nhưng biểu hiện của hai nước hoàn toàn đã có những khác biệt.
Mới đây hôm 20/7, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj kiến nghị cả hai phía nên rút quân và chuyển sang đối thoại nhằm để khôi phục nguyên trạng khu vực cao nguyên Doklam ( gọi là Donglang).
Nhưng người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định, Bắc Kinh không đàm phán cho tới khi Ấn Độ rút quân.
Nhận định về thái độ cứng rắn của Trung Quốc, tờ Hindustan Times (Ấn Độ) ngày 21/7 cho rằng, thái độ của nước láng giềng xuất phát từ việc New Delhi đang ở trong tình trạng tồi tệ nhất những năm gần đây. Ấn Độ đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng việc làm, giáo dục... trong đời sống xã hội.
"Trung Quốc muốn thiết lập sự thống trị ở châu Á và đã chọn thời điểm Ấn Độ suy yếu nhất dưới thời [Thủ tướng Narendra] Modi", Hindustan Times cho rằng, hiện nay, quân đội Ấn Độ không có đủ sức mạnh trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Xuất hiện trong buổi trả lời phỏng vấn truyền hình ngày 21/7, Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc Hồ Tích Tiến cũng tiết lộ, phía quân đội Ấn Độ đang gặp trở ngại khi sức khỏe các binh lính ngày càng suy yếu vì cứ "mỗi ngày lại có thêm 10 người đổ bệnh".
Tuy nhiên, trái với nhận định của truyền thông, bà Ngoại trưởng Swaraj hôm 20/7 tuyên bố rằng, New Delhi "được trang bị đầy đủ để tự vệ và không cảm thấy bị đe dọa một chút nào". Bà này cũng cho biết, "tất cả các nước đều ủng hộ Ấn Độ".
Trước đó, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop trong chuyến viếng thăm New Delhi tuần vừa qua đã kêu gọi Trung-Ấn cần giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình.
"Chúng tôi không muốn nhìn thấy bất cứ sự leo thang căng thẳng nào có thể dẫn đến sai lầm", ông Bishop nói.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng "tin tưởng hai bên có thể hợp tác đề xuất ra phương án giải quyết hòa bình tốt hơn".