Tính đến hết giờ tập trong buổi sáng nay, 13/5, cả đội tuyển quốc gia và đội tuyển U23 Việt Nam đã có tổng cộng 11 cầu thủ gặp phải chấn thương, buộc phải tập riêng. Con số này vừa đúng bằng một đội hình thi đấu chính thức trên sân.
Câu hỏi đặt ra là tại sao mới chỉ tập luyện thôi mà đã có nhiều cầu thủ chấn thương đến thế? Nguyên nhân vì đâu?
Danh sách các cầu thủ chấn thương ngày một dài thêm. |
Thứ nhất, có một điểm khá đặc biệt trong lần tập trung này của các đội tuyển bóng đá quốc gia là tính thời điểm. Đội tuyển quốc gia tập trung chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á, trong khi đội tuyển U23 tập trung hướng tới SEA Games 28 – 2015 tổ chức tại Singapore. Hai đội tuyển này cùng dưới sự huấn luyện của HLV Miura, cùng tập trung vào một ngày. Do phải đảm đương công việc ở cả hai đội tuyển, dễ hiểu vì sao HLV người Nhật trở nên thật sự bận rộn.
Trong cái khó ló cái khôn, ông Miura nghĩ ra phương án đôn một số cầu thủ U23 Việt Nam lên để tập luyện cùng các đàn anh trên đội tuyển quốc gia, hôm nay một vài người, hôm sau lại thay bằng một vài người khác. Công Phượng về thì Tuấn Tài lên, Miura thực hiện tráo đổi một cách có chủ đích như vậy.
Tiếp đó, chẳng tội gì không tận dụng và linh động khi trong tay đang có những cầu thủ hiện là những người có phong độ nhất cả nền bóng đá, và thế là Miura lại nghĩ ra phương án cho hai đội tuyển đá giao hữu với nhau trong khoảng thời gian tập luyện. Thực ra đây cũng chẳng phải sáng kiến của Miura, đến người bình thường cũng có thể nghĩ ra việc “tiện tay dắt dê” như vậy. Thậm chí trong một lần tập trung cách đây không quá lâu, có huấn luyện viên còn cho các cầu thủ đội nam U23 đá giao hữu với tuyển bóng đá nữ. Bí dí tốt âu cũng là chuyện hằng ngày ở huyện.
Mà phải nói luôn và nhanh là không có chuyện “gà cùng một mẹ” ở đây đâu. Miura quán triệt cho các học trò, từ lớn đến nhỏ, từ người có thâm niên ăn cơm tuyển đến những người vừa chân ướt chân ráo đến sân tập của Liên đoàn bóng đá Việt Nam đều phải đá hết sức, tập hết mình, quyết không nương chân.
Ý thầy đã quyết, ai dám không theo? Cho nên tất thảy cứ nhìn nhau mà đá thẳng, đá sòng phẳng, tập rắn, tập chắc chắn, sai đâu… thầy chịu.
Dù chỉ là đá tập nhưng mức độ quyết liệt luôn có thừa. |
Đấy, một trong những nguyên nhân của vấn đề chính là ở chỗ đấy. Hàng loạt cầu thủ chấn thương từ nhẹ đến nặng. Thành Lương chia tay đội tuyển quốc gia, Hoàng Thịnh gãy xương trong trận giao hữu với U23 Hàn Quốc và phải nói lời chia tay với SEA Games 28, Tuấn Anh tái phát vết đau cũ khả năng đi tiếp cùng U23 Việt Nam sang Singapore bị bỏ ngỏ, mới nhất đến lượt Công Vinh cũng đã gia nhập đội hình chấn thương…
Nhưng, nói vậy không có nghĩa là đổ hết lỗi lầm hay trách nhiệm lên đầu Miura. Bởi ai cũng biết tập trung chuẩn bị cho những giải đấu quan trọng nhất trong năm thì không thể là chuyện đùa, càng không thể “cưỡi ngựa xem hoa” mà phải thực sự nghiêm túc, nghiêm túc, và nghiêm túc.
Có trách, thì trách... ông trời!
Các cầu thủ một mặt phải nỗ lực tập luyện, một mặt phải học cách tránh những chấn thương khôgn đáng có. |
Tại sao ư? Tại thời tiết mùa hè ở Hà Nội quá nắng nóng! Trong suốt thời gian qua khi hai đội tuyển bóng đá tập luyện, thi đấu giao hữu, nhiệt độ ngoài trời luôn ở mức rất cao. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng bất lợi như vậy, các cầu thủ lại phải tập luyện với mật độ dày, cường độ cao, tính đối kháng được quán triệt, không chấn thương… mới là chuyện lạ. Nhìn hình ảnh Chí Công người đầm đìa mồ hôi, quần áo ướt sũng sau một buổi tập có phóng viên còn nói vui: “Tập trung đội tuyển mà vất vả mệt nhọc thế này thà ngồi trong phòng lạnh, ăn… bát phở cho sướng cái thân”.
Nói thì nói cho vui thế thôi, nhiệm vụ quốc gia đâu phải chuyện ai muốn vất vả cũng được. Đành phải động viên các cầu thủ cùng cố gắng, tất cả vì màu cờ sắc áo.
Trung Du