Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 16 giờ ngày 24/9, vị trí tâm bão Noru ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 126,6 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippin) khoảng 500km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/giờ), giật cấp 14.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 16 giờ ngày 25/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 121,1 độ Kinh Đông trên khu vực đảo Lu-Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/giờ), giật cấp 14.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20km và đi vào Biển Đông. Đến 16 giờ ngày 26/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 116,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 510km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133km/giờ), giật cấp 15.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 30km, có xu hướng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông, cách Thừa Thiên Huế-Quảng Ngãi khoảng 190km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/giờ), giật cấp 16.
Trong 72 đến 120 giờ, bão tiếp tục di chuyển nhanh chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 20-25km/h, cường độ suy yếu dần và ảnh hưởng đến khu vực Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của bão, từ khoảng chiều 25/9, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và Giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 4,0-6,0m; biển động rất mạnh.
Trước diễn biến của bão Noru, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương từ Quảng Ninh đến Bình Thuận sẵn sàng ứng phó. Theo đó, các địa phương cần quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn, kịp thời xử lý khi phát sinh tình huống xấu.
Đối với đất liền từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, cần khẩn trương tổ chức cắt tỉa cây; chằng chống và gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng... đảm bảo an toàn các tuyến đê biển và cửa sông. Người dân chủ động thu hoạch hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản, tất cả theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng". Đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; sẵn sàng bố trí lực lượng, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt để đảm bảo giao thông suốt trên các trục giao thông chính; đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa, thủy điện, thủy lợi.