Tổng thống Mỹ Barack Obama đang thực hiện chuyến công du lần thứ 10 tới châu Á trong tuần này. Điều này cho thấy ông đang chuyển trọng tâm ngoại giao của nước Mỹ từ các điểm nóng truyền thống ở Trung Đông, châu Âu hướng sang các quốc gia đông dân ở bên kia Thái Bình Dương.
Tích cực tìm kiếm xoay trục châu Á
Tuy nhiên, ngay cả khi tổng thống Mỹ có dừng chân tại Việt Nam và Nhật Bản trong vài ngày tới thì những mối đe dọa mới từ khủng bố vẫn tiếp tục làm hao mòn các nỗ lực trong Chính sách ngoại giao của Nhà Trắng.
Tổng thống Obama trên chuyên cơ Air Force One tại sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội, Việt Nam, ngày 22/5/2016. Ảnh: AP |
Vụ chuyến bay MS804 của hãng EgyptAir biến mất trên biển Địa Trung Hải ngày 19/5 mà quan chức Mỹ nghi là bị khủng bố bắn hạ đã đặt ra lời nhắc nhở về những phiền toái mà ông Obama phải đối mặt trong nỗ lực mới nhất xoay trục về phía châu Á của ông.
"Rõ ràng chúng tôi có những lợi ích an ninh và kinh tế rất lớn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như chúng tôi có một mối quan tâm sâu sắc và lâu dài trong việc ngăn chặn bất cứ hành động khủng bố nào. Tất nhiên, chúng tôi sẽ theo đuổi một chương trình nghị sự mà theo tôi nghĩ là sẽ rất quan trọng, mang lại những lợi ích lâu dài cho người dân Mỹ", Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia của ông Obama nói.
Ông Obama đang lên kế hoạch dừng chân tại Hà Nội và TP.HCM, Việt Nam trước khi tới Nhật Bản để gặp gỡ các lãnh đạo nhóm G7 - đại diện cho những nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các quan chức Nhà Trắng nói rằng chủ nghĩa khủng bố sẽ vẫn là một trọng tâm của G7 bởi điều này đã được đặt ra trong các cuộc họp thường niên trước đây của họ. Các nhà lãnh đạo, gồm Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Pháp Angela Merkel và Thủ tướng Anh David Cameron, tất cả sẽ được tham khảo ý kiến về phản ứng với vụ tai nạn máy bay Ai Cập.
Ông Obama sẽ khép lại chuyến công du châu Á kéo dài 1 tuần của mình bằng chuyến thăm Hiroshima, Nhật Bản. Đây được xem là hành trình lịch sử 70 năm sau khi Mỹ thả một quả bom nguyên tử xuống thành phố này cuối Thế chiến II. Ông Obama sẽ là tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm nơi này.
Các quan chức Nhà Trắng nói thông điệp của ông Obama tại Hiroshima sẽ không có lời xin lỗi. Thay vào đó, họ nói ông sẽ tập trung nhiều hơn về việc chiến tranh đã ảnh hưởng thế nào đến người dân vô tội trên khắp thế giới. Nhưng sự hiện diện của ông tại nơi này sẽ gửi một thông điệp hòa giải tới Nhật Bản. Quyết định thả quả bom của Mỹ vẫn còn để lại sự oán hận trong lòng người dân Nhật.
Ở Việt Nam, ông Obama hy vọng sẽ làm dịu đi những hoán hận xuất phát từ cuộc xâm lược của Mỹ từ năm 1955-1975. Tổng thống Bill Clinton đã nối lại quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1995 và vào năm 2000, ông trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên tới Việt Nam kể từ khi binh lính Mỹ rút khỏi Việt Nam cách đó 25 năm.
Chuyến đi này có ý nghĩa mở rộng quan hệ với một cựu thù. Khoảnh khắc ấn tượng trong chuyến thăm này là ông Clinton đã mạo hiểm tới vùng nông thôn của Việt Nam để tìm kiếm hài cốt của một phi công Mỹ.
Kể từ đó, quan hệ Việt - Mỹ đã có những cải thiện đáng kể. Ngay cả Thượng nghị sĩ John McCain - một cựu chiến binh từng là tù nhân chiến tranh 5 năm rưỡi ở Việt Nam - giờ đây cũng ủng hộ Mỹ chấm dứt hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.
Các trợ lý của ông Obama nói trước chuyến thăm của ông tới Hà Nội, không có quyết định chấm dứt cấm vận nào được đưa ra, mà động thái này chỉ được xem xét.
Trung Quốc là một lý do
Động lực để xích lại gần châu Á gần đây là Trung Quốc - cường quốc ngày càng quyết đoán tại châu Á. Việc Bắc Kinh theo đuổi chủ quyền đối với các quần đảo ở Biển Đông - hầu hết trong số này đều là của các nước khác - đã đẩy các nước láng giềng của Trung Quốc vào vòng tay Mỹ.
"Bất cứ lúc nào Trung Quốc cũng cố chỉ tay vào các nước láng giềng, khiến họ nhiệt tình xích lại gần chúng ta", Derek Chollet, một cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nói.
Chỉ cách bờ biển Việt Nam vài trăm dặm, các đội xây dựng của Trung Quốc đã nạo vét biển, sử dụng những kỹ thuật bồi đắp để tăng cường bồi đắp đảo, sau đó xây dựng các căn cứ quân sự.
Những hòn đảo mới không được dùng nhiều trong một cuộc xung đột quân sự với Mỹ. Nhưng những căn cứ này có thể giúp Bắc Kinh đe dọa các nước láng giềng yếu hơn như Việt Nam và Philippines.
Cuối cùng, các đảo này có thể cho phép Trung Quốc khẳng định quyền với tài sản kinh tế ước tính lên đến 11 triệu thùng dầu dưới đáy biển. Ngay cả các quyền đánh bắt cá cũng bị đe dọa. Ngành công nghiệp đánh bắt của Trung Quốc - lớn nhất thế giới - có số lượng nhân công lên đến hơn 14 triệu người.
Trong chuyến thăm Washington hồi năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa sẽ không "quân sự hóa" các đảo, nhưng ông không bao giờ định nghĩa thuật ngữ này nghĩa là gì. Một số quan chức Trung Quốc sau đó nói rằng chính sách của ông Tập chỉ cấm "những vũ khí tấn công chính". Điều này khiến Lầu Năm Góc phải gióng lên hồi chuông cảnh báo và nhắc nhở chính quyền Obama lên án kịch liệt các kế hoạch xây dựng của Trung Quốc.
Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc họp tại Bắc Kinh năm 2014. Ảnh: AP |
Đây là một cuộc đấu tranh không cân xứng. Mỹ không thể thực hiện nhiều bước đi thực tế để ngăn Trung Quốc nạo vét. Lầu Năm Góc đã đưa tàu tới gần các đảo để khẳng định tự do hàng hải nhưng điều này không làm chậm lại quá trình xây dựng của Trung Quốc.
Mỹ lại có một lợi thế riêng: có thể lôi kéo các nước láng giềng đang bị Trung Quốc bắt nạt, để tạo thành một liên minh mạnh hơn.
Tuy nhiên, chiến lược này chỉ có tác dụng khi Mỹ sẵn sàng đầu tư cho các mối quan hệ này, không chỉ thông qua sự hiện diện quân sự mà còn thông qua các hiệp định thương mại được mở rộng.
Và đó là những thách thức mà ông Obama phải đối mặt. Tất cả các nước đều tìm kiếm sự đảm bảo từ Mỹ, muốn Mỹ làm nhiều hơn nhưng Mỹ không thể làm được tất cả.
Tất cả các ứng viên tổng thống Mỹ đều chỉ trích TPP. Đặc biệt là ông Donald Trump, người đã hứa sẽ loại bỏ TPP nếu đắc cử.
Điều này sẽ đặc biệt nghiêm trọng đối với Việt Nam, một quốc gia có thu nhập thấp, người hưởng lợi chính từ thỏa thuận này. Các quan chức chính quyền Obama cảnh báo rằng nếu Quốc hội Mỹ không thông qua TPP, Việt Nam và các nước đang phát triển khác sẽ có ít lựa chọn, buộc phải gắn quan hệ kinh tế chặt hơn với Trung Quốc.
Nói cách khác, nếu ông Trump lên làm tổng thống, người hưởng lợi nhiều nhất tại khu vực Đông Nam Á có thể là Trung Quốc.
Bảo Linh (CNN/LATimes)