Bằng việc tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, thay vì đưa Trung Quốc phát triển theo con đường hòa thuận, Chính sách của Bắc Kinh chỉ đang hướng thế giới tới bờ vực cuộc chiến.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như có cùng quan điểm với các nhà chiến thuật Athen cách đây hơn 2000 năm, những người đã cảnh báo người dân Melos rằng kẻ mạnh làm những gì họ muốn và kẻ yếu làm những điều họ bị bắt buộc. Trung Quốc trắng trợn khẳng định rằng hầu như toàn bộ Biển Đông thuộc về Trung Quốc, ngay cả các đảo và rạn san hô gần Philippines và 5 quốc gia ven biển khác, dù các nước này cách Trung Quốc đại lục hàng trăm dặm. Thay vì đưa Trung Quốc phát triển theo con đường hòa thuận, chính sách của Bắc Kinh chỉ đang hướng thế giới tới bờ vực cuộc chiến. Bất chấp tất cả, Bắc Kinh bác bỏ thẩm quyền của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) cũng như phán quyết của tòa rằng Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử đối với vùng Biển Đông rộng lớn, ngăn chặn các tàu cá Philippines, phá hoại những rạn san hô dưới nước.
Những người hoài nghi về luật pháp quốc tế nói rằng, Trung Quốc cư xử không khác các cường quốc khác. Rất ít trường hợp nước lớn cúi đầu tuân thủ các phán quyết của tòa quốc tế. Khi Nicaragua đệ đơn kiện Mỹ vì khai thác vùng biển của họ, chính quyền tổng thống Reagan đã không chấp nhận thẩm quyền của tòa quốc tế và bác bỏ phán quyết chống lại Mỹ của tòa vào năm 1986.
The Diplomat cho rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như có cùng quan điểm với các nhà chiến thuật Athen. Ảnh: Reuters |
Trong một trường hợp khác, chính quyền George W. Bush đã không ký vào quy chế thiết lập Tòa Hình sự quốc tế và bài trừ cơ quan này. Tương tự, với việc không có sự bào chữa hợp pháp, chính quyền Nixon đã ký với Moscow hiệp ước hạn chế phòng thủ tên lửa đạn đạo.
Trong khi Hiến chương Liên Hợp Quốc cấm các hành vi gây hấn, việc Trung Quốc chiếm đóng, quân sự hóa các đảo và rạn san hô ở Biển Đông không trực tiếp vi phạm quy tắc này. Mặc dù vậy, các hành động của Trung Quốc đã vi phạm các nguyên tắc mà Ngoại trưởng Mỹ Henry Stimson đề ra vào năm 1932. Đối phó với cuộc xâm lược Mãn Châu của Nhật Bản, Stimson tuyên bố Mỹ sẽ không công nhận bất cứ sự thay đổi chính trị hay lãnh thổ nào bằng sử dụng vũ lực. Dù không phải là thành viên của Hội Quốc Liên, một đại diện của Mỹ đã tham gia cuộc điều tra nhà nước bù nhìn của Nhật Bản ở Mãn Châu (Manchukuo) do tổ chức này tiến hành. Tổ chức này nói rằng sẽ không công nhận nhà nước mới Manchukuo với lý do sự thành lập ra nó đã vi phạm toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc, và do đó, Hiệp ước 9 cường quốc đã được nhiều quốc gia thành viên hưởng ứng.
Một số nhà phân tích cảnh báo rằng, Mỹ và Trung Quốc đã chuẩn bị cho một cuộc đụng độ. Thật vậy, nhà phân tích Michael Pillsbury lập luận rằng, giới tinh hoa Trung Quốc đang tham gia vào một cuộc chạy đua trăm năm để thay thế vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông và những khu vực khác dường như để xác nhận sự kỳ vọng rằng những cường quốc đang lên sẽ thách thức trật tự và quyền lực thống trị hiện có của họ.
Tranh chấp Biển Đông đang tạo ra nguy cơ an ninh trong khu vực. Ảnh: Internet |
Dự báo "không thể tránh khỏi" này chính là sai lầm và nguy hiểm. Như những diễn biến lịch sử gần đây, những cuộc cạnh tranh kiểu này không nhất thiết phải dẫn đến chiến tranh. Cuối thế kỷ 19, Vương quốc Anh đã không chiến đấu chống lại Mỹ. Điện Kremlin thách thức phương Tây trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh nhưng kể cả khi Liên Xô tan rã cũng không có một tiếng súng nào. Có rất ít vấn đề trên thế giới mà không còn lựa chọn nào khác ngoài chiến tranh. Tuy nhiên, nỗ lực của Trung Quốc nhằm thôn tính Biển Đông chỉ có thể kích thích tham vọng của Bắc Kinh và khuyến khích những người Trung Quốc nghĩ rằng Mỹ đang trở thành một con hổ giấy.
Điều cần thiết là cần phải tái khẳng định rằng, Biển Đông là vùng biển trù phú, mang lại giá trị thương mại cao và cần được chia sẻ bởi tất cả các quốc gia ven biển. Việc phân chia, đàm phán này sẽ rất phức tạp, nhưng rõ ràng giải pháp này tốt hơn rất nhiều so với việc đụng độ vũ trang hoặc bất kỳ hình thức xung đột nào. Khẳng định tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế sẽ bảo vệ lợi ích thiết yếu của tất cả các bên.
Việc giải quyết các xung đột bằng giải pháp hòa bình sẽ càng thuận lợi hơn nữa nếu Thượng viện Mỹ cho phép Washington tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Trong khi đó, chính quyền Obama nên nói rõ với Bắc Kinh về vai trò của học thuyết Stimson và yêu cầu tất cả các thành viên của Liên Hợp Quốc xác nhận lập trường này.Yêu cầu Trung Quốc tháo dỡ các cơ sở quân sự ở Biển Đông, Mỹ cũng nên đưa ra các đề xuất để ngăn chặn việc thu thập thông tin tình báo trong vùng biển này.
Lê Huyền (The Diplomat)