Nếu từng xem qua những bộ phim cung đấu làm về triều đại nhà Thanh, bạn sẽ thấy các phi tần thời đó đeo những bộ hộ giáp dài, sắc bén và trang trí tinh xảo. Trên thực tế, để móng tay quá dài rất bất tiện, nhưng tại sao các phi tần vẫn thích để móng dài?
Ngay từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, con người đã bắt đầu để móng tay dài. Khi ấy, chỉ có đàn ông nuôi móng tay, nhưng đến thời nhà Thanh thì chỉ những người giàu có và nổi tiếng mới để móng dài. Móng tay dài là để thể hiện sự cao quý của họ. Thử tưởng tượng một người nông dân xuất thân nghèo nàn, suốt ngày bận rộn công việc đồng áng thì làm sao có thể nuôi móng tay.
Để móng tay dài nghĩa là bạn là một quý tộc cao cấp, không phải làm việc chân tay. Vì vậy, người có chức sắc thời đó tin rằng móng tay càng dài thì càng thể hiện được địa vị bản thân. Trên phố, một người để móng tay dài sẽ được tôn trọng bởi mọi người biết anh ta là người có tiền và địa vị.
Triều đại nhà Thanh đánh giá cao móng tay và theo thời gian nó trở thành một biểu tượng. Trên thực tế, tốc độ mọc của móng tay rất chậm, muốn giữ được móng tay dài hơn 1cm thì phải nuôi hơn nửa năm. Nếu không cẩn thận, họ có thể làm gãy móng bất cứ lúc nào, do đó bộ hộ giáp ra đời.
Những bộ hộ giáp trở thành công cụ để phi tần so kè với nhau nên nó được thiết kế tinh xảo, lộng lẫy. Dần dần, ngày càng có nhiều kiểu hộ giáp phong phú và sang trọng ra đời. Mặt sau của bộ hộ giáp khoét rỗng, đeo vào mùa hè cũng không ngột ngạt. Hơn nữa, nó còn tượng trưng cho sự ân sủng của hoàng đế. Đây mới là điều quan trọng nhất.
Trong cung, hoàng hậu thường sẽ có bộ hộ giáp dài nhất. Phi tần thường có hộ giáp bằng vàng, bạc, khảm vàng bạc, ngọc trai, mã não, kim cương... Người ta suy đoán một phi tần được sủng ái mỗi năm đều cần đến hàng chục hộ giáp vô cùng tốn kém.