Tin mới

Nhìn lại cuộc di cư lớn nhất lịch sử đương đại

Thứ năm, 31/12/2015, 11:00 (GMT+7)

Châu Âu đã trải qua một năm 2015 đầy sóng gió và thử thách, trong đó có cuộc khủng hoảng người nhập cư khi hàng trăm nghìn người từ Trung Đông hoặc các quốc gia nghèo đói nườm nượp đổ về châu lục này với hy vọng tìm kiếm "miền đất hứa".

Châu Âu đã trải qua một năm 2015 đầy sóng gió và thử thách, trong đó có cuộc khủng hoảng người nhập cư khi hàng trăm ngìn người từ Trung Đông hoặc các quốc gia nghèo đói nườm nượp đổ về châu lục này với hy vọng tìm kiếm "miền đất hứa".

Chiến tranh, xung đột, khủng bố, nghèo đói... đã khiến hàng trăm nghìn người dân từ Syria, Afghanistan, Libya... phải rời bỏ quê hương, chấp nhận mạo hiểm tính mạng để vượt biển Địa Trung Hải trên những con thuyền cũ kĩ, tồi tàn để tìm tới miền đất mơ ước.

Hàng dài người di cư đang đi qua cánh đồng từ làng Rigonce tới trại tị nạn Brezice ngày 23/10/2015 tại Rigonce, Slovenia. Ảnh: Getty Images

Châu Âu ‘quá tải’ vì cuộc di cư lớn nhất lịch sử nhân loại

Theo số liệu mà Đài BBC đưa ra, so với năm ngoái, số người di cư vào châu Âu trong năm nay đã tăng gấp 4 lần. Phần lớn số người di cư này vào châu Âu bằng đường biển, với hơn 800.000 người đi từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp. Chỉ có 3,5% số người di cư vào châu Âu năm nay di chuyển bằng đường bộ, tới Hy Lạp hoặc Bulgaria qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Tính đến ngày 22/12/2015, tổng số người di cư vào châu Âu bằng cả đường bộ và đường biển đã đạt tới con số 1.005.504 người. Trong đó, Syria là 455.000 người, Afghanistan có 186.000 người.

Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) nói rằng, trong năm nay, khoảng 3.695 người đã chết đuối hoặc mất tích trên đường tới châu Âu. Trong số đó, có 2.889 người chết trên tuyến đường biển giữa Bắc Phi và Italy, hơn 700 người khác bỏ mạng trên biển Aegean khi đi từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp.

Một người phụ nữ cõng trên lưng con sau hành trình vượt biển từ Thổ Nhĩ Kỳ tới bờ biển của đảo Lesbos (Hy Lạp). Ảnh: Reuters

Theo đánh giá, đây là cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất mà châu Âu phải đối mặt kể từ sau Thế chiến II và cũng lớn nhất trong lịch sử nhân loại, đồng thời gây chia rẽ chính trị sâu sắc trong nội bộ Liên minh châu Âu.

EU lục đục chia rẽ vì vấn đề người di cư

Eu đã tiến hành nhiều cuộc họp khẩn cấp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư. Tuy nhiên, cho đến nay, lãnh đạo các quốc gia thành viên EU vẫn chưa đạt được đồng thuận để đưa ra một chiến lược chung. Một số quốc gia như Italy, Hy Lạp chưa bao giờ lại "ngập lụt" bởi dòng người tị nạn như hiện nay.

Ở Đức, mặc dù vấp phải nhiều sự chỉ trích từ chính đảng của mình, song Thủ tướng Angala Merkel vẫn cứng rắn đưa ra quyết định đầy tính nhân đạo là mở cửa biên giới cho dòng người di cư đang khao khát một tương lai tươi sáng hơn.

Trong khi đó, quốc gia thành viên EU khác là EU đã không ngần ngại xây dựng bức tường chặn dòng người tị nạn đang kéo tới. Slovakia hay Ba Lan cũng chậm chạp trong việc triển khai một số biện pháp như xây dựng trung tâm "đầu nguồn" để thuận lợi cho việc tiếp đón, đăng ký và phân chia người nhập cư.

Các sĩ quan cảnh sát Hungary tìm cách thuyết phục một gia đình người di cư khi họ ôm nhau nằm cố thủ trên đường tàu để không bị đưa tới trại tị nạn. Ảnh: Reuters

Thụy Điển, quốc gia vốn nổi tiếng với mô hình xã hội công bằng, bác ái thì nay cũng ban hành nhiều biện pháp thắt chặt kiểm soát biên giới. Chính phủ Đan Mạch còn có dự án tịch thu trang sức và các đồ có giá trị khác của người nhập cư, với lý do bù lại phần nào chi phí đón tiếp họ.

Kể từ sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris hôm 13/11, các nhà lãnh đạo châu Âu càng tỏ ra lạnh nhạt hơn với vấn đề người nhập cư do những kẻ khủng bố đã trà trộn trong dòng người tị nạn để có thể dễ dàng lọt vào châu Âu.

Một rào cản khác đối với việc giải quyết khủng hoảng di cư của EU chính là Thổ Nhĩ Kỳ. Là quốc gia trung chuyển và tiếp nhận 3 triệu người tị nạn Syria, Thổ Nhĩ Kỳ là giải pháp không thể thiếu để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư của châu Âu.

Hàng ngàn chiếc áo phao được người di cư và tị nạn bỏ lại tại đảo Lesbos của Hy Lạp. Ảnh: Reuters

Thế nhưng, Ankara đã lợi dụng vai trò của mình để đòi hỏi EU mở lại vòng đàm phán về việc họ xin gia nhập liên minh cùng với gói hỗ trợ trị giá 3 tỷ euro để đổi lại hợp tác giải quyết vấn đề người nhập cư. Yêu cầu đầy tính cơ hội và vụ lợi này khiến EU không khỏi hoài nghi.

Châu Âu vẫn sẽ "đau đầu" trong năm 2016

Cho đến nay, EU vẫn chưa tìm được biện pháp hữu hiệu để thích ứng và giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng này. Mặc dù có nhiều giải pháp được đưa ra, song theo các chuyên gia, cho dù có thực hiện được thì đó cũng mới chỉ là giải quyết hiện tượng, chưa xử lý được tận gốc vấn đề.

Bức ảnh thi thểcủa cậu bé Aylan Kurdi (3 tuổi) nằm úp mặt trên một bãi biển của Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy sự tàn khốc của cuộc khủng hoảng di cư đang đè nặng lên "lục địa già". Cũng chính bức ảnh thương tâm này đã làm dấy lên làn sóng kêu gọi châu Âu mở cửa cho người di cư. Ảnh: AP

Sự quá tải người nhập cư cũng khiến xuất hiện tư tưởng bài ngoại tại một số nơi ở châu Âu. Đó là việc lập rào chắn ngăn người nhập cư, thái độ phân biệt, kì thị, thậm chí là hành hung của người bản địa... khiến nhiều tổ chức quốc tế phải lên tiếng chỉ trích, phê phán.

Về căn bản, các biện pháp của châu Âu dù được thực hiện tốt cũng chỉ có thể giảm được phần nào làn sóng nhập cư. Như vậy xem ra trong năm 2016, vấn đề di dân vẫn là một trong những "hồ sơ gai góc" tiếp tục khiến châu Âu kéo dài cơn đau đầu!?

Lê Huyền (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news