Tin mới

Cá hồi Na Uy bị cảnh báo chứa nhiều chất gây ung thư

Chủ nhật, 28/09/2014, 10:01 (GMT+7)

Một báo cáo tại Pháp gần đây chỉ ra rằng, cá hồi được nuôi\ntại Na Uy chứa nhiều hóa chất gây ung thư. Báo cáo này đang khiến thương hiệu cá hồi Na Uy gặp phải những mối đe dọa nghiêm trọng.

Một báo cáo tại Pháp gần đây chỉ ra rằng, cá hồi được nuôi tại Na Uy chứa nhiều hóa chất gây ung thư. Báo cáo này đang khiến thương hiệu cá hồi Na Uy gặp phải những mối đe dọa nghiêm trọng.

 

VTV đưa tin, Marine Harvest là công ty sản xuất cá hồi lớn nhất Na Uy với 114 trại nuôi cá. Việc nuôi nhiều cá trong một diện tích hẹp khiến dịch bệnh và ký sinh trùng có thể dễ dàng lây lan. Do đó, công ty phải sử dụng hóa chất để phòng ngừa và điều trị.

Bà Catarina Martins, Giám đốc môi trường và phát triển bền vững, công ty Marine Harvest cho biết: “Chúng tôi đang rất nỗ lực tìm ra giải pháp kỹ thuật cũng như giảm thiểu việc sử dụng các biện pháp điều trị bằng hóa chất”. Loại thức ăn viên dành cho cá hồi được cho là bị nhiễm hóa chất công nghiệp như PCB và chất bảo quản ethoxyquin.

Cá hồi Nauy liên tục nhận được cảnh báo chứa nhiều chất gây ung thư. Ảnh minh họa

Bà Patricia Chairopoulos, Tạp chí 60 triệu người tiêu dùng nói: "Điều khiến chúng ta nghi ngại là ethoxyquin đã bị liệt vào danh sách nguy hiểm cho người với một liều lượng nhất định, bởi loại hóa chất này từng được dùng làm thuốc trừ sâu. Chúng tôi phát hiện hóa chất này trong thịt cá hồi nuôi nhưng vẫn chưa biết nó gây nguy hiểm đến mức nào cho con người".

Trong hai thập kỷ qua, sản lượng cá hồi nuôi hàng năm đã liên tục tăng do nhu cầu của thị trường ngày càng lớn.

Tại Na Uy, sản lượng cá hồi trong năm 2011-2012 lên tới xấp xỉ 172 ngàn tấn, bỏ xa Anh Quốc, đứng hàng thứ hai, với sản lượng chỉ là 23 ngàn tấn rưỡi. Báo Le Monde (Pháp)  cho biết, đối với Na Uy, nuôi trồng và đánh bắt hải sản là nguồn thu nhập đứng hàng thứ hai, 6,6 tỷ euro trong năm 2012, chỉ sau dầu lửa, trong số này, riêng xuất khẩu cá hồi là 3,8 tỷ euro. Chỉ trong vòng 3 thập niên, Na Uy đã thúc đẩy sự bùng nổ của thị trường rất có lãi này.  Theo một số liệu thống kê năm 2013, sản lượng cá hồi nuôi trong các trang trại trên thế giới đã vượt qua ngưỡng 2 triệu tấn, trong số này, 60% là của Na Uy.

Song song cùngv ới sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp này, thương hiệu cá hồi Na Uy thường xuyên nhận được báo cáo từ các tổ chức bảo vệ môi trường, cảnh báo tình trạng sử dụng các hóa chất gây ung thử.

Đơn cử như tổ chức Green Warrior, đã đứng lên tố cáo tình trạng nuôi cá hồi tại Na Uy từ nhiều năm nay. Green Warrior, trong một báo cáo, cho hay, mật độ cá trong mỗi lồng nuôi quá cao, hàng trăm ngàn thậm chí lên tới triệu con. Chúng thải ra một khối lượng lớn azote và phosphore. Mật độ nuôi dày đặc làm cho cá dễ bị nhiễm các loại bệnh, đặc biệt các loại ký sinh trùng.

Để tẩy khử, người ta phải dùng đến chất diflubenzuron, một loại hóa chất làm tổn hại đến hệ động vật biển. Giới nuôi cá hồi khẳng định là liều lượng sử dụng hóa chất độc hại này vẫn nằm trong giới hạn cho phép của cơ quan y tế và an toàn thực phẩm Na Uy, nhưng điều này không làm cho người tiêu dùng trên thế giới yên tâm.

Ông Jérôme Ruzzin, chuyên gia về chất độc hại đối với môi trường, thuộc đại học Bergen, Na Uy cho biết : “Trong cá hồi nuôi, mức độ tập trung một số hóa chất độc hại, cao hơn từ 7 đến 10 lần so với các loại thức ăn khác. Vậy tại sao Châu Âu lại chấp nhận cho tiêu thụ loại cá độc hại này ? Vẫn theo chuyên gia Ruzzin, bởi vì đối với các loại cá, Châu Âu không quy định mức độc hại tối đa cao như trong các sản phẩm khác, ví dụ sữa, trái cây…”

Cá hồi Nauy được ra bán khá rẻ trên mạng

Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam, cá hồi Na Uy hiện đang được chào bán tại nhiều nơi. Các sản phẩm cá hồi Nauy, theo một lời rao bán trên mạng, thì cá nhân này có hàng trực tiếp từ một tổng kho với số lượng hàng trăm tấn chứa trong các cồng và được cung cấp cho các siêu thị, các mối ở thị trường Hà Nội. Theo đó, người này bán cá hồi Nauy với mức giá khá rẻ, chỉ khoảng 280.000/kg.

Nam Nam/Người đưa tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news