Theo Lao Động và Thanh Niên, liên quan đến sự việc các hũ tro cốt tại chùa Kỳ Quang 2 bị bỏ xó khiến người dân bức xúc, Thượng tọa Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang 2 đã nhận trách nhiệm và lên tiếng xin lỗi.
>>> Xem thêm: Gần 900 hũ tro cốt được gửi tại chùa Kỳ Quang 2, có người tiết lộ mất hơn 6 cây vàng để gửi lên chùa
Biên bản làm việc về việc đếm các hũ tro cốt tại chùa Kỳ Quang 2 trong chiều 3/9. Ảnh: PLO
Theo trụ trì, hồi tháng 3/2020, do vị trí đặt hài cốt quá lâu bị xuống cấp nên chùa quyết định sửa chữa lại. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, các hũ tro cốt bị rơi rớt bảng tên và di ảnh. Nhiều người dân tới cúng vào Rằm tháng 7 âm lịch vừa qua nhìn thấy các hũ tro cốt không còn di ảnh nên bức xúc.
Với vai trò là thầy trụ trì, Thượng tọa xin chịu trách nhiệm về điều này. Trụ trì của chùa Kỳ Quang 2 lên tiếng xin lỗi và sẽ khắc phục mọi điều, để thuận lợi nhất cho việc thờ cúng trang nghiêm.
Thượng tọa Thích Thiện Chiếu nhận trách nhiệm và sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để xét nghiệm ADN cho các hũ tro cốt. Ảnh: Internet
Nhằm xác định chính xác hài cốt của các thân nhân, chùa sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để xét nghiệm ADN. Mọi chi phí xét nghiệm ADN chùa sẽ chịu.
>>> Xem thêm: Hàng trăm hũ tro cốt người quá cố vứt lăn lóc trong xó ở chùa Kỳ Quang 2: Đại diện Giáo hội Phật Giáo lên tiếng
Có thể chịu trách nhiệm hình sự
Nêu ý kiến với VTC News về vụ việc, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng hành vi chất tro cốt một xó, để di ảnh bung khỏi hũ tro cốt rơi vương vãi dưới nền nhà của chùa Kỳ Quang 2 đã vi phạm Điều 319 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.
Các hũ tro cốt bị vứt xó, lẫn lộn vào nhau khiến người dân vô cùng bức xúc. Ảnh: Internet
"Vụ việc này hoàn toàn có thể khởi tố vụ án để điều tra", luật sư Diệp Năng Bình nói.
Vì theo luật sư Bình, cho dù bình đựng hài cốt của cá nhân không thuộc nội hàm của khái niệm mồ mả nhưng hỏa táng và đựng tro hài cốt của người thân trong bình, cũng giống như mai táng, là một cách thức thể hiện niềm tin nội tâm của những người còn sống đối với người đã khuất.
Hàng trăm người dân tụ tập trước chùa Kỳ Quang 2 ngay từ sáng ngày 3/9 để yêu cầu phía nhà chùa làm rõ vụ việc. Ảnh: Internet
Dù là xâm phạm mồ mả theo đúng nghĩa của nó, hay chỉ là một chiếc bình đựng tro hài cốt đều đã xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm, quyền nhân thân vĩnh viễn gắn liền với nơi an nghỉ cuối cùng của người chết cũng như quyền nhân thân của gia đình, dòng tộc của họ.
Hành vi xâm phạm mồ mả được hiểu là hành vi xâm phạm đến vị trí mai táng xác, hài cốt, tro hài cốt của người chết theo phong tục, nghi lễ, tôn giáo của cộng đồng dân cư. Hành vi xâm phạm mồ mả là hành vi xâm phạm đến nơi an nghỉ cuối cùng của cá nhân người chết.
Do đó, theo luật sư Bình, dù với bất kì mục đích gì mà xâm phạm trực tiếp đến xác, hài cốt, tro hài cốt của người chết, xâm phạm đến sự nguyên dạng của xác, hài cốt, tro hài cốt hoặc làm hao hụt hài cốt, tro hài cốt đã mai táng thì đó là hành vi xâm phạm mồ mả.
Theo luật sư, vụ việc hoàn toàn có thể khởi tố hình sự với tội danh xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Ảnh: Internet
>>> Xem thêm: Đau lòng cảnh ông cụ 81 tuổi, chống gậy mò mẫm tìm tro cốt của mẹ bị vứt xó ở chùa Kỳ Quang 2
"Những người có hành vi di chuyển vị trí chôn cất xác, hài cốt, tro hài cốt của cá nhân trái với ý chí của những người thân thích của những người chết (trừ trường hợp phải di rời mồ mả theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền); Người có hành vi thay đổi tấm bia ghi tên người chết có xác, hài cốt, tro hài cốt dưới mộ gây ra sự nhầm lẫn với người thân thích của người chết đó cũng được xác định là hành vi xâm phạm mồ mả, quy định tại Điều 319 Bộ luật Hình sự 2015", luật sư Bình nói.