Căng thẳng Biển Đông sẽ phủ bóng hội nghị thượng đỉnh an ninh lớn nhất của châu Á, diễn ra tại Singapore vào ngày mai, 3/6 và phơi bày sự cạnh tranh quyết liệt giữa Mỹ - Trung trước khi tòa trọng tài The Hague đưa ra phán quyết mang tính bước ngoặt.
Đối thoại Shangri-La (SLD) là cơ hội cuối cùng cho 2 cường quốc kêu gọi ủng hộ trước khi Tòa trọng tài Thường trực đưa ra phán quyết cho vụ kiện của Philippines.
Manila đang chống lại tuyên bố về "đường lưỡi bò" mà Bắc Kinh vạch ra tại Biển Đông, bao trùm hàng trăm hòn đảo và các rạn san hô tranh chấp.
Các chuyên gia an ninh hy vọng Mỹ sẽ cố gắng thuyết phục các nước Đông Nam Á cũng như các cường quốc khác như Ấn Độ, Nhật Bản, hỗ trợ công khai cho bất cứ quyết định nào có lợi cho Philippines. Manila đã yêu cầu tòa công nhận quyền khai thác tại Biển Đông của nước này.
Một đặc nhiệm Singapore tuần tra bên ngoài tòa nhà diễn ra thượng đỉnh Shangri-La năm 2015. Ảnh: Reuters |
Trung Quốc - nước bác bỏ thẩm quyền của tòa án - sẽ cố gắng gây ảnh hưởng tới cách nước để họ tránh đưa ra quan điểm và điều này sẽ khiến Bắc Kinh dễ dàng ngăn chặn những lời chỉ trích từ phương Tây hơn.
"Cái giá của vụ kiện này là thiệt hại về danh dự và áp lực về lâu về dài lên Trung Quốc. Điều này chỉ có hiệu lực khi bạn có một liên minh lớn để đưa vụ việc ra trước công chúng", Greg Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược của Washington nói.
"Nhưng nếu Trung Quốc được nhiều nước ủng hộ, họ sẽ tránh được rất nhiều sự chỉ trích đó".
Trong số hơn 20 đoàn đại biểu, nhiều sự chú ý sẽ dành cho các nước Đông Nam Á. Các nước trong khu vực luôn không đồng ý với cách giải quyết yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông, luôn đấu tranh để cân bằng giữa các lợi ích an ninh và những mối quan hệ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Cũng như Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei đều có tuyên bố chủ quyền với Biển Đông. Mỹ cũng đã tăng cường tuần tra, tập trận, nhấn mạnh sự cần thiết của việc giữ cho các tuyến đường biển quốc tế mở.
Ông Tim Huxley, một chuyên gia an ninh đến từ viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại London nói: "Các nước trong khu vực muốn có mối quan hệ tích cực với Trung Quốc nhưng đồng thời... về mặt chiến lược, họ cũng muốn phù hợp với phương Tây và họ có lý do để thận trọng về những hành vi của Trung Quốc trong khu vực này".
Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày là cơ hội hiếm có cho các quan chức tình báo và quân sự cùng với các nhà lãnh đạo dân sự tại khu vực công khai tranh luận về căng thẳng và các xu hướng phòng thủ tại đây.
Hội nghị diễ ra giữa những thay đổi chiến lược quan trọng tại khu vực, đặc biệt là cuộc bầu cử gần đây tại Philippines, chọn ra vị tổng thống mạnh miệng là ông Rodrigo Duterte và việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam.
Chương trình nghị sự lần này còn có căng thẳng gia tăng quanh Triều Tiên sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 4 hồi tháng 1 và vụ phóng vệ tinh, bắn các loại tên lửa khiến họ lãnh thêm các lệnh trừng phạt mới.
Ngoài ra còn có các chủ đề khác như mối đe dọa của các chiến binh cực đoan tại Đông Nam Á, vấn đề an ninh mạng.
Bảo Linh (Reuters)