“Lương mỗi tháng của bọn em được 1,5 triệu. Đủ tiền điện thoại, xăng xe, tiền đi xe về nhà, lâu lâu kiếm được cốc chè. Vậy mà, họ lại không chịu trả trong 6 tháng qua. Nói ra thấy tủi khi phải xin tiền nhà, vay mượn để trang trải. Đội 1 SLNA, hào nhoáng và hoáng tráng vậy, chứ những người trẻ như bọn em lại khác. Ai cũng muốn lên đội 1 để thoát khỏi cái cảnh này. Nhưng không phải ai cũng được may mắn lên đó hoặc được cho các đội bóng khác mượn. Cứ sống thế này, chắc phải bỏ bóng đá về tìm việc khác”, một cầu thủ SLNA chua chát nói với Cauthu.com.vn.
Cũng theo cầu thủ này, cả tuyến trẻ của SLNA bị nợ tiền phụ cấp chứ không phải một vài cá nhân. Các HLV cơ sở, tức những tuyển trạch viên của SLNA tuyến huyện, xã cũng xác nhận, chuyện họ bị nợ lương gần cả năm nay. Sau khi đăng bài trên Facebook, lãnh đạo đã xin gỡ bài và hứa từ đây đến cuối tháng sẽ giải quyết chuyện tiền bạc.
Được biết, khi SLNA chuyển giao cho Tân Long, doanh nghiệp này chỉ cam kết đầu tư cho đội 1 SLNA và hỗ trợ cơ sở vật chất cho các tuyến trẻ. Những vấn đề liên quan, trong đó có phụ cấp cho các HLV cơ sở, HLV đạo tạo của SLNA và các cầu thủ trẻ lại không nằm trong cơ chế của Tân Long.
Trong năm 2022, các đội trẻ của SLNA đã chơi cực kỳ thăng hoa khi giành tới 4 chức vô địch về cho đội bóng xứ Nghệ gồm: U9, U11, U13, U15. Đáng tiếc sau ánh hào quang, những người mang về thành tích cho SLNA lại không được nhìn nhận đúng công sức.
Có lẽ những người làm bóng đá trẻ SLNA, những ban ngành có liên quan các đội trẻ xứ Nghệ cũng hẳn cũng hiểu, rồi đây chẳng có phụ huynh nào dám đưa con cháu mình vào “lò” khi chứng kiến cảnh đòi nợ có “1-0-2” của các HLV và các cầu thủ trẻ SLNA.