Tin mới

Chân dung kẻ trực tiếp chỉ đạo vụ giết nhà báo Khashoggi

Thứ năm, 25/10/2018, 16:18 (GMT+7)

Nhiều nguồn tin khẳng định  chính Saud al-Qahtani - cựu trợ lý cấp cao của Thái tử Ảrập Xêút Mohammed bin Salman, là người trực tiếp chỉ đạo từ xa vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán của nước này ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhiều nguồn tin khẳng định  chính Saud al-Qahtani - cựu trợ lý cấp cao của Thái tử Ảrập Xêút Mohammed bin Salman, là người trực tiếp chỉ đạo từ xa vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán của nước này ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Hãng thông tấn Reuters dẫn lời các nguồn tin tình báo cho hay tính đến thời điểm hiện tại, các nhà điều tra tin chắc họ đã nắm được hầu hết diễn biến của vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại. 

Theo đó, ông Khashoggi - một cây bút bình luận của tờ Washington Post nổi tiếng vì các bài viết chỉ trích giới lãnh đạo Ảrập Xêút và đang phải sống lưu vong ở Mỹ, đã vào lãnh sự quán Ảrập Xêút ở Istanbul lúc khoảng 13h chiều ngày 2/10 để lấy các giấy tờ cần thiết cho phép ông kết hôn với một phụ nữ Thổ Nhì Kỳ.

Qahtani, cựu trợ lý cấp cao của Thái tử Ảrập Xêút Mohammed bin Salman, được cho là người trực tiếp chỉ đạo từ xa vụ sát hại Khashoggi. Ảnh: Al Jazeera

Nguồn tin an ninh Thổ Nhỹ Kỳ tiết lộ, ông Khashoggi đã bị một nhóm gồm 15 đặc vụ Ảrập Xêút bắt giữ ngay sau khi đi vào bên trong tòa lãnh sự quán. Các đặc vụ này đã đi hai máy bay khác nhau đến Istanbul chỉ vài giờ trước khi gây án.

Theo một quan chức cấp cao Ảrập được quyền tiếp cận các thông tin tình báo và quen thân nhiều thành viên thuộc Hoàng gia Ảrập Xêút, Qahtani không có mặt tại lãnh sự quán ở Istanbul nhưng trực tiếp chỉ đạo nhóm sát thủ qua ứng dụng gọi điện thấy hình Skype.

Lúc đầu, ông ta buông lời mạt sát và sỉ nhục nhà báo Khashoggi. Song, ông Khashoggi cũng không chịu lép vế và đã lớn tiếng phản bác, theo các nguồn thạo tin Ảrập và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, nhà báo Khashoggi đã không chống lại được đám đông đặc vụ được cử đến ám hại mình. Ông rốt cuộc bị bọn họ tra tấn, giết hại dã mạn, rồi chặt xác phi tang.

Hiện không rõ Qahtani có theo dõi toàn bộ diễn biến được truyền trực tiếp qua Skype hay không. Song, các nguồn tin nói, ông ta đã chỉ đạo cho các thuộc cấp phân xác Khashoggi.

Theo các nguồn tin, đoạn ghi âm cuộc gọi Skype của Qahtani hiện đang nằm trong tay Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Dẫu vậy, ông Erdogan hiện vẫn từ chối cung cấp nó cho người Mỹ trong lúc cả Thổ Nhĩ Kỳ và Ảrập Xêút đều đang tiếp tục điều tra vụ án.

Trợ lý quyền lực?

Câu hỏi đặt ra lúc này là, Qahtani là ai mà có thể trực tiếp chỉ đạo các đặc vụ Ảrập Xêút giết người bên trong lãnh sự quán nước này ở Thổ Nhĩ Kỳ? Kết quả tìm hiểu cho thấy, hóa ra đây là một nhân vật khá tiếng tăm và quyền lực ở Ảrập Xêút.

Qahtani, 40 tuổi, lâu nay được biết đến như một trợ lý cấp cao, rất thân cận và đang được giao quản lý các trang mạng xã hội cho Thái tử Bin Salman.

Qahtani được đánh giá là một kẻ ưa bạo lực, theo đường lối chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Trên các blog và mạng xã hội, một số phóng viên và các nhà hoạt động xã hội ở Ảrập Xêút công khai gọi Qahtani là kẻ đàn áp báo chí và "chiến lược gia sau hậu trường" của thái tử.

Thông tin tự khai trên tài khoản Twitter, Qahtani đã học luật và từng giữ chức Đại úy trong Không quân Ảrập Xêút. Sau khi cho ra mắt trang blog cá nhân, ông ta đã "lọt vào mắt xanh" của Khaled al-Tuwaijri, cựu lãnh đạo tòa án hoàng gia. Ông Tuwaijri đã thuê Qahtani về làm việc từ đầu năm 2000, với nhiệm vụ quản lý một đội quân truyền thông điện tử, chuyên bảo vệ hình ảnh của Ảrập Xêút.

Thanh thế của Qahtani bắt đầu gia tăng sau khi ông ta trở thành tay chân thân tín của Thái tử Bin Salman. Qahtani đã dùng Twitter để tấn công những chỉ trích đối với đất nước của mình nói chung và cá nhân thái tử nói riêng. Ông ta cũng dùng ứng dụng tán gẫu nhóm WhatsApp để truyền đạt các mệnh lệnh và quan điểm của Hoàng gia tới một nhóm các biên tập viên và nhà báo nổi tiếng trong nước.

Qahtani cũng được tin có dính líu đến vụ bắt bớ 200 người, bao gồm các hoàng tử, bộ trưởng và nhà tài phiệt của Ảrập Xêút, trong một chiến dịch chống tham nhũng ở Ritz Carlton. Ông ta cũng được giao chủ trì một vài vụ thẩm vấn trong số này.

Mặc dù vậy, phạm vi ảnh hưởng của Qahtani  có lẽ thể hiện rõ nhất qua vụ bắt cóc Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri hồi cuối năm ngoái.

Theo các nguồn thạo tin, Ảrập Xêút đã ủy thác cho ông Hariri chuyển một thông điệp tới cố vấn cấp cao của Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, yêu cầu chấm dứt can thiệp vào Lebanon và Yemen. Dù Thủ tướng Lebanon tuyên bố đã thực hiện nhiệm vụ ủy thác này, nhưng một gián điệp của Qahtani khẳng định ông nói dối, khiến Riyadh vô cùng tức giận.

Các quan chức Lebanon nói, Ảrập Xêút sau đó đã mời Thủ tướng Hariri công du không chính thức Riyadh, rồi giao cho Qahtani bắt cóc và ép ông phải ra tuyên bố từ chức phát trên một kênh truyền hình Ảrập. Song, ông Hariri rốt cuộc đã được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron can thiệp, giải cứu. Vụ việc cũng được các bên liên quan giấu kín và cho "chìm xuồng" sau đó.

Sau khi thông tin về vụ giết nhà báo Khashoggi lan truyền rộng rãi, truyền thông nhà nước Ảrập Xêút đưa tin, Hoàng gia đã sa thải Qahtani và 4 quan chức khác tình nghi dính líu đến sự cố.

Trong dư luận từng có đồn đoán cho rằng, Qahtani đã bị nhà chức trách địa phương bắt giữ hồi tuần trước. Song, thông tin này có vẻ không chính xác, khi trang Twitter cá nhân của ông ta tiếp tục đăng tải các thông điệp sau thời điểm đó.

Đáng chú ý, trong vài ngày trở lại đây, Qahtani đã thay đổi lý lịch trên Twitter từ "cố vấn hoàng gia" thành "Chủ tịch Hiệp hội an ninh mạng, các nhà lập trình và máy bay không người lái Ảrập Xêút", một vai trò ông ta từng nắm giữ trước đây.

Trước đó Thái tử Bin Salman đã công khai lên án vụ sát hại nhà báo Khashoggi và "thề" sẽ trừng trị thẳng tay các thủ phạm. Song, tuyên bố đó chưa đủ để dập tắt những nghi ngờ ông có thể liên quan đến đến vụ việc.

Bản thân Qahtani cũng từng khẳng định, ông ta "sẽ không làm bất kỳ điều gì nếu không được chủ (Nhà vua và thái tử) chấp thuận".

Minh Di (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news