Theo tin tức từ Vietnamnet và VTC, bác sĩ Trần Văn Phúc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, vi khuẩn Clostridium botulinum và độc tố của nó là Botulinum là chất độc khiến các bác sĩ, chuyên gia thực phẩm ‘sợ hãi’.
Botulinum là chất độc thần kinh cực mạnh, có thể xâm nhập vào các tế bào thần kinh, ngăn chặn sự giải phóng chất dẫn truyền acetylcholine từ các đầu dây thần kinh. Khi chất dẫn truyền thần kinh này bị chặn, xung thần kinh không thể truyền dẫn được nữa, giao tiếp các tế bào thần kinh không được thực hiện, làm cho các cơ bị tê liệt.
Vi khuẩn Clostridium botulinum gây độc tố Botulinum. Ảnh: Internet
Botulinum được xem là độc tố nguy hiểm nhất thế giới, chỉ cần 1kg là đủ giết chết cả tỷ người. Chất độc này mạnh gấp 10.000 lần chất cực độc Kali Xyanua, thậm chí nguy hiểm hơn cả nguyên tố phóng xạ “mạnh nhất hành tinh” Polonium.
Độc tố Botulinum có 7 loại, ký hiệu bằng các chữ cái theo thứ tự từ A đến G, riêng loại C gồm hai loại phụ, như vậy tổng cộng có 8 dạng chất độc. Nhiễm độc ở người loại A và B là phổ biến nhất, sau đó đến loại E và F, 4 loại còn lại ít gặp hơn.
Ảnh minh họa: Internet
Khi ăn phải thực phẩm chứa vi khuẩn Clostridium botulinum, điều kiện thông khí trong ruột của con người không tốt, độ axit tương đối nhỏ chính là cơ hội thuận lợi cho vi khuẩn tồn tại, sinh sôi và phát triển gây ngộ độc. Biểu hiện ngộ độc xuất hiện sau bữa ăn từ 12 tới 36 giờ, nhưng cũng có thể kéo dài tới vài ngày, thậm chí là 4 ngày. Thời gian ủ bệnh càng ngắn, độc tố càng nhiều, bệnh càng nặng và nguy cơ tử vong càng cao.
Các triệu chứng ban đầu khi khởi phát bệnh bao gồm mệt mỏi, chóng mặt, chán ăn, tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa và các triệu chứng viêm dạ dày, viêm ruột khác. Tuy nhiên, nếu lượng độc tố ít, triệu chứng sẽ biến mất trong vài giờ.
Ảnh minh họa: Internet
Nếu nặng hơn, bệnh nhân có các triệu chứng liên quan yếu và liệt các cơ từ thân trên xuống thân dưới. Đầu tiên, người bệnh không nhấc đầu lên được, sau đó không đứng hay ngồi dậy được. Bệnh tiếp tục tiến triển nặng có thể liệt toàn thân, trương lực cơ toàn thân giảm, tắc ruột cơ năng. Giai đoạn cuối, bệnh nhân thường khó thở, rối loạn nhịp thở, tỷ lệ tử vong 30-60% do suy hô hấp.
Để phòng tránh ngộ độc Botulinum, theo bác sĩ Phúc, biện pháp quan trọng nhất là kiểm soát chặt chẽ theo đúng khoa học từ lúc nuôi trồng, thu hoạch, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ, cho đến cuối cùng là sử dụng thức ăn.