Tin mới

Chặt hạ 6.700 cây xanh: TP Hà Nội có đang làm trái quy định?

Thứ năm, 19/03/2015, 13:41 (GMT+7)

Liên quan đến kế hoạch chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh trên nhiều tuyến phố Hà Nội, luật sư Đặng Văn Cường cho biết: “Việc đốn cây trên một số tuyến đường tại Hà Nội hiện nay mà không thuộc các trường hợp được phép chặt hạ hoặc đã có giấy phép thì đều bị coi là vi phạm quy định của pháp luật”.

 

Liên quan đến kế hoạch chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh trên nhiều tuyến phố Hà Nội, luật sư Đặng Văn Cường cho biết: “Việc đốn cây trên một số tuyến đường tại Hà Nội hiện nay mà không thuộc các trường hợp được phép chặt hạ hoặc đã có giấy phép thì đều bị coi là vi phạm quy định của pháp luật”.


 

Sở Xây dựng Hà Nội đang triển khai thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường phố đã được UBND thành phố thông qua. Cụ thể, sẽ có 6.700 cây xanh trên tổng số gần 30.000 cây xanh tại 10 quận nội thành của Hà Nội bị đốn hạ, thay thế từ tháng 3/2015.

Trong những ngày gần đây, việc triển khai chặt hạ nhiều cây xanh trên các tuyến phố đang tạo ra dư luận trái chiều trong nhân dân thủ đô.

Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết: Theo quy định thì điều kiện, trình tự, thủ tục tiến hành việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị được quy định tại Điều 14 Nghị định 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 về quản lý cây xanh đô thị.

Căn cứ vào quy định pháp luật thì việc chặt hạ, dịch chuyển chỉ được tiến hành đối với những cây đã chết, đã bị gãy đổ hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm, cây xanh bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn; cây xanh trong các khu vực thực hiện dự án và phải có giấy phép.

Tuy nhiên, theo phản ánh của báo chí, việc chặt hạ cây xanh tại một số tuyến phố tại Hà Nội không thuộc trường hợp nêu trên là để thay thế, trồng mới.

Hàng cây xà cừ tại đường Nguyễn Trãi bị đốn hạ khiến người dân tiếc nuối. 

“Như vậy, nếu việc chặt hạ cây xanh hiện nay tại một số tuyến phố tại Hà Nội được xác định là không thuộc các trường hợp được chặt hạ theo quy định pháp luật, không được cấp giấy phép thì cần phải xem xét đến trách nhiệm của những cơ quan, người có thẩm quyền trong sự việc nêu trên” – luật sư Đặng Văn Cường nói.

 

Cũng theo luật sư Cường, việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị chỉ được thực hiện trong trường hợp: Cây đã chết, đã bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gây nguy hiểm; cây xanh bị bệnh, hoặc đến tuổi già cỗi; cây xanh trong dự án đầu tư xây dựng công trình. Ngoài ra, việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị đều phải có giấy phép trong một số trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 14 Nghị định 64/2010.

 

“Việc đốn cây trên một số tuyến đường tại Hà Nội hiện nay mà không thuộc các trường hợp được phép chặt hạ hoặc đã có giấy phép thì đều bị coi là vi phạm quy định của pháp luật” – luật sư Cường cho biết.

Trước đó, thông tin báo chí về công tác trồng mới và thay thế cây xanh trên địa bàn Thành phố Hà Nội do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức, ông Hoàng Nam Sơn- Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết việc thay thế cây xanh không đúng chủng loại cây xanh đô thị, không đảm bảo mỹ quan đô thị, các cây xanh nghiêng, xấu theo phương thức xã hội hóa được thực hiện trên cơ sở Quy hoạch hệ thống cây xanh Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Sở Xây dựng đã trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt đề án Cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường Hà Nội giai đoạn 2014-2015 tại Quyết định số 6816/QĐ-UBND ngày 11/11/2013. Đề án thực hiện cải tạo cây xanh trên 190 tuyến phố của 10 quận nội thành có kinh phí thực hiện khoảng 73,38 tỷ đồng với mục tiêu cải tạo điều kiện khí hậu, môi trường, cảnh quan kiến trúc để xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành một đô thị hiện đại xanh, sạch, đẹp và văn minh. Các loại cây trồng lại được UBND thành phố phê duyệt có đường kính thân tại vị trí 1,3m tính từ mặt đất ≥15 cm với chiều cao và tán cây đảm bảo không ảnh hưởng đến tầm nhìn giao thông, chiều cao phát triển từ 6-8m, thân cây thẳng, phân cành cao, dáng cân đối, không sâu bệnh.

Thay thế cây xanh trên 17 tuyến phố thuộc 4 quận nội thành Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống, Hoàn Kiếm, tổng số cây chặt hạ là 787 cây, tổng số cây trồng thay thế, bổ sung vào vị trí trống là 842 cây. Trong đó tuyến phố cây chặt hạ nhiều là: Lý Thường Kiệt 170 cây, Phố Huế 117 cây, Nguyễn Chí Thanh 96 cây.

Trước nhiều ý kiến xung quanh kế hoạch chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh trên nhiều tuyến phố, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã yêu cầu rà soát việc cải tạo, thay thế cây xanh, đồng thời tiếp thu các ý kiến để tạo sự đồng thuận.

Chiều qua (18/3), ông Nguyễn Thịnh Thành, Chánh Văn phòng - người phát ngôn của UBND thành phố Hà Nội đã có thông báo liên quan kiến nghị và thư ngỏ của ông Trần Đăng Tuấn về việc chặt hạ 6.700 cây xanh trên các tuyến phố.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo rà soát việc cải tạo, thay thế một số cây xanh trên địa bàn thành phố, đảm bảo theo đúng quy hoạch và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị. Đồng thời, Sở Xây dựng có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các cơ quan báo chí, thông tin công khai, đầy đủ, tạo đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn.

Lãnh đạo thành phố cũng lý giải việc cải tạo, thay thế cây đô thị trên địa bàn.

Trước đó, trong thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Trần Đăng Tuấn (Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam) kiến nghị tạm dừng việc chặt hạ cây một thời gian để người dân tự kiểm tra có đúng 6.700 cây đó là thuộc diện cần loại, thay hay không?  Trong thư, ông Tuấn cho rằng, người dân không phản đối việc đốn hạ cây vì những lý do bất khả kháng như cây nguy hiểm, bị cong, hỏng, dễ đổ, dễ gây tai nạn; cây gây hại cho sức khỏe, cây không có tác dụng cho cuộc sống hay để đảm bảo giao thông...

“Chọn cây mới trên cơ sở gì, có thỏa đáng không và khía cạnh kinh phí thì như thế nào? Đã là hợp lý, tiết kiệm hay không trong thời điểm này? Bao nhiêu kinh phí từ ngân sách, bao nhiêu do các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ? Việc sử dụng ngân sách mua cây, trồng cây, thay cây... theo phương thức nào? Đó cũng là thể hiện trách nhiệm thông tin công khai, minh bạch...”, ông Tuấn viết trong thư ngỏ.

Thư ngỏ được ông Tuấn gửi bằng đường bưu điện tới vị lãnh đạo của Hà Nội, đồng thời đăng tải nội dung trên Facebook cá nhân. Bức thư nhận được hàng nghìn lượt thích (like) và nhiều chia sẻ đồng tình.

Tiểu Phương

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news