Tiêu thụ nội địa có giá ổn định hơn, nên từ đầu vụ năm nay nhiều thương lái đã chuyển hướng, giảm lượng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Thương lái thu mua vải tại Thanh Hà (Hải Dương) để chuyển vào tiêu thụ trong Nam.
Theo các thương nhân tại Thanh Hà (Hải Dương), vải thiều đầu mùa năm nay được tập trung đưa vào miền Nam tiêu thụ, thay vì tập trung xuất sang Trung Quốc như mọi năm.
Còn khoảng 3-5 ngày nữa sẽ vào chính vụ thu hoạch, nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển vải thiều, tránh tình trạng ùn tắc giao thông như mọi năm, UBND huyện Thanh Hà đã đầu tư quy hoạch riêng một bến đỗ có thể đáp ứng thường xuyên 20-30 xe tải, xe container của các tỉnh về thu mua. Năm nay, các xe tập trung về đây năm nay đa số đến từ các địa phương phía Nam như TP HCM, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai...
Tất cả vải thiều sau khi thu mua sẽ được phân loại, đóng vào các thùng xốp cỡ 25-27 kg, giữa thùng có các thỏi đá lạnh lớn được bọc trong túi nilon, sau đó dán kín miệng thùng để giữ nhiệt. Cách này giúp vải tươi nguyên được từ 7-10 ngày, nên thương lái hoàn toàn yên tâm khi vận chuyển vào tiêu thụ sâu tại các tỉnh phía Nam.
Theo đánh giá của các nhà vườn, nhìn chung vải năm nay mẫu mã đẹp, đều. Đối với trà vải chín sớm (cơ bản đã thu hoạch xong) do sản lượng có hạn nên thường được giá, năm nay thương lái thu mua với giá từ 15.000 đến 25.000 đồng một kg. Còn trà chính vụ thì giá biến động từng ngày. Tính đến 12/6, các chủ vựa vẫn thu mua với giá 8.000-10.000 đồng một kg, không thấp hơn so với mặt bằng giá thu mua chung của năm 2013.
Khác với vùng Lục Ngạn (Bắc Giang) có lượng vải thiều rất lớn được xuất khẩu sang Trung Quốc, vải thiều Thanh Hà chủ yếu tiêu thụ nội địa.
Theo tin tức từ Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương, năm 2013 chỉ có khoảng 20% lượng hàng chính vụ được đưa sang Trung Quốc. Đây cũng là năm đầu tiên vựa vải Thanh Hà có sự xuất hiện của thương nhân Trung Quốc trực tiếp về thu mua đóng gói với số lượng hạn chế. Còn lại, đa số lượng vải xuất đều do thương nhân tại địa phương chở lên biên giới.
Anh Vũ Văn Tùng, một chủ vựa thu mua vải thiều rất lớn gần Chợ Lại (xã Thanh Thủy) cho biết, thời điểm này các năm trước, anh chủ yếu đánh hàng sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), mỗi ngày từ 8 đến 10 tấn. Nhưng nay không chỉ anh mà nhiều thương lái khác tại địa phương chỉ nhúc nhắc đưa đi 3-4 tấn một ngày, còn lại đa số chuyển hướng đưa hàng vào miền Nam tiêu thụ, mỗi chủ hàng 8-10 tấn mỗi ngày.
Theo anh Tùng, vải sang Trung Quốc phải lựa chọn các lô quả thật đỏ vì họ rất thích màu đỏ. Vì vậy tuyển hàng mất công hơn, mà rất thất thường, có khi ngày hôm nay mua vải ở vườn giá 10.000 đồng, qua bên kia bán gấp đôi họ còn tranh nhau mua. "Nhưng chỉ ngày hôm sau mình đưa lên, họ cứ ỳ ra, chỉ còn trả giá một nửa so với ngày hôm trước, lỗ lớn", anh chia sẻ.
"Từ đầu vụ đến giờ tôi mới đưa lên có 4 chuyến, lần nào cũng 'chết'. Vải đầu mùa còn khan hàng lắm, thế nhưng chuyển lên bãi tập kết bên kia cửa khẩu Tân Thanh từ sáng sớm, cánh lái buôn Trung Quốc chẳng chịu tới mua ngay mà cứ lân la trà cháo chán chê, mãi trưa mới ghé tới hỏi, rồi ỉ ôi chê vải héo, bực hết chỗ nói", anh Tùng giãi bày.
Anh Nguyễn Nam, chủ xe container lạnh từ TP HCM đang tập kết hàng tại xã Thanh Thủy cho hay mấy năm trước, vải thiều vẫn rất lạ lẫm với người dân TP HCM, lúc đó mỗi kg chở từ Hải Dương vào có lúc bán tới 60.000-70.000 đồng. Tuy nhiên lúc đó do chưa có kinh nghiệm bảo quản nên tỷ lệ hư hỏng rất nhiều. Bây giờ khắc phục được vấn đề bảo quản, giá bán không còn cao như trước nhưng thị trường tiêu thụ tại các tỉnh phía Nam vẫn rất lớn.
"Vải chở từ đây vào TP HCM chỗ nào có mối hàng thì rải đều dọc đường, có khi đưa lên cả Gia Lai, Đăk Lăk... Mỗi container lạnh 40 feet, chất đầy cũng được cỡ 560 thùng vải, mỗi thùng tổng cân nặng nặng cỡ 30-35kg, vị chi tất cả khoảng 19-20 tấn nên không lo chuyện xe quá tải trọng. Vì vậy vụ này chắc chắn sẽ có rất nhiều vải được chuyển vào Nam", anh Nam nhận định.