Theo nhà phân tích Gary Wetzel, Tomahawk không phải là vũ khí lý tưởng để gây thiệt hại lâu dài cho đường băng sân bay.
Hải quân Mỹ đã bắn 59 tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk vào một sân bay quân sự của Syria tối thứ Năm vừa qua (theo giờ Mỹ), để trả đũa vụ tấn công hóa học của quân chính phủ Syria vào dân thường nước này hôm 4/4.
Trong bài viết trên trang mạng Foxtrot Alpha, nhà phân tích Gary Wetzel cho rằng, đây rõ ràng là một động thái chính trị, chứ không phải một động thái quân sự cứng rắn.
Tomahawk không phải là vũ khí lý tưởng để gây thiệt hại lâu dài cho đường băng sân bay nói chung, hay đường băng mà các máy bay Syria đã cất cánh từ đó để tiến hành vụ tấn công hóa học nói riêng.
Vào khoảng 20h40’ tối 6/4 theo giờ Mỹ (tức 4h40’ sáng 7/4 theo giờ địa phương), các tên lửa phóng từ 2 tàu khu trục USS Porter (DDG-78) và USS Ross (DDG-71) của Hải quân Mỹ bắt đầu tấn công căn cứ Al-Shayrat ở miền trung Syria.
Đó là căn cứ không quân đã triển khai các máy bay tiến hành vụ tấn công hóa học (được cho là khí độc thần kinh Sarin), khiến hơn 100 người thiệt mạng tại thị trấn Khan Sheikhun, tỉnh Idlib, Syria.
Lầu Năm Góc cho biết, quân đội Mỹ đã báo trước cho Nga qua đường dây nóng giữa 2 phía trước khi tiến hành cuộc tấn công tên lửa.
Cuộc tấn công này được lên kế hoạch để giảm thiểu thương vong về người cho lực lượng Nga và Syria tại sân bay. Ngoài ra, Mỹ cũng tránh những khu vực có khả năng chứa chất độc Sarin để giảm thiểu hơn nữa tổn thất có thể xảy ra cho lực lượng Nga.
Các mục tiêu được nhắm tới tại căn cứ không quân Al-Shayrat (một trong những căn cứ lớn nhất và hoạt động tích cực nhất của Không quân Syria) bao gồm máy bay, các nhà chứa máy bay được gia cố, kho dự trữ nhiên liệu, radar, kho dự trữ đạn dược và các hệ thống phòng không.
Tuy nhiên, các mục tiêu được đề cập đến lại không có đường băng, trong khi chúng nên bị phá hủy để ngăn cản hoạt động của Không quân Syria, dù chỉ là tạm thời.
Vì sao lại như vậy? Lý do chủ yếu là vì Tomahawk không phải là công cụ thích hợp cho việc này.
Đây là vũ khí có thể thực hiện nhiều, nhưng không phải mọi nhiệm vụ. Và đặc biệt, nó không phải là công cụ có thể khiến sân bay của đối phương tê liệt trong một thời gian dài bằng cách phá hủy đường băng.
Tomhawk, được đưa vào biên chế quân đội Mỹ trong những năm 1980, là tên lửa hành trình tầm xa, có thể phóng từ trên bộ/không/biển ở khoảng cách lên tới hơn 1.600km.
Với đầu đạn nổ nặng 450kg, nó là vũ khí hiệu quả để "thổi bay" các tòa nhà từ khoảng cách xa (hay tiêu diệt cùng lúc nhiều mục tiêu như xe quân sự, kho chứa, máy bay của đối phương với biến thể mang đầu đạn chùm), mà không gây nguy hiểm cho kíp chiến đấu.
Song, đường băng – với kích cỡ lớn và các khối bê-tông phẳng – lại là mục tiêu khá khó để làm cho tê liệt trong một thời gian dài.
Ngay cả nếu Tomahawk trực tiếp đánh trúng đường băng thì nó cũng chỉ tạo ra một hố lớn trên mặt đường. Và hố này rất dễ khắc phục, chỉ cần vài công nhân với một chiếc máy ủi.
Thứ vũ khí lý tưởng để làm tê liệt sân bay trong một khoảng thời gian đáng kể phải là các loại bom xuyên phá như BLU-107 do Pháp sản xuất, hay còn được gọi là Matra Durandal.
Theo trang mạng GlobalSecurity.org, bom Durandal rất hiệu quả trong việc phá hủy đường băng. Nó có thể xuyên phá tới 40cm bê-tông và tạo ra một hố lớn, sâu 2m và có đường kính xấp xỉ 5m, khiến công tác sữa chữa gặp khó khăn hơn so với hố tạo ra do các loại bom thông thường.
Không những vậy, nó còn xới tung những tấm bê-tông xung quanh miệng hố, khiến bên bị thiệt hại mất nhiều công sức khắc phục hơn.
Hay bom JP233 của Anh, với khả năng phân tán nhiều bom nhỏ mà nó mang theo xung quanh đường băng bị phá hủy, có thể khiến đội ngũ sửa chữa của đối phương gặp nguy hiểm khi tiếp cận khu vực này.
Thế nhưng, những loại vũ khí ấy lại không thể được phóng từ tàu chiến ở khoảng cách trên 1.600km. Chúng cần được thả từ một chiếc máy bay tiếp cận gần mục tiêu.
Vấn đề đó đã khiến Mỹ không còn lựa chọn nào tối ưu nào khác, ngoài việc phóng tên lửa Tomahawk, để tránh nguy cơ đối đầu trực diện với các đơn vị quân sự của Nga tại Syria.
Bom thông minh JDAM được trang bị trên máy bay ném bom tàng hình B-2. Song, với số lượng có hạn (20 chiếc) và khả năng tàng hình không chắc còn hiệu quả, B-2 sẽ là sự lựa chọn đắt đỏ và liều lĩnh của Mỹ nếu đối đầu với các hệ thống phòng không mới nhất và tiên tiến nhất của Nga.
Ý nghĩa thực sự của 59 tên lửa Tomahawk
Hiệu quả của cuộc tấn công này sẽ còn gây tranh cãi trong một thời gian nữa. Cuộc tấn công nhằm vào một sân bay quân sự của Syria sẽ không dẫn đến nhiều thay đổi.
Ngay cả khi một số máy bay Syria bị phá hủy đáng kể thì những tác động đối với cuộc xung đột này cũng sẽ rất nhỏ.
Tại thời điểm này của cuộc xung đột, vụ tấn công bằng 59 tên lửa Tomahawk không gì hơn là một tuyên bố chính trị, thay vì một động thái quân sự cứng rắn.
Tất nhiên, truyền thông Nga đã kể một câu chuyện khác, như họ vẫn thường làm. Hãng tin Sputnikmô tả thiệt hại tại căn cứ Al-Shayrat nhỏ hơn nhiều so với Mỹ tuyên bố. Hãng tin RT thậm chí tuyên bố chưa đầy một nửa số tên lửa Tomahawk của Mỹ đánh trúng mục tiêu.
Ý nghĩa thực sự của cuộc tấn công tên lửa này là nó đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi cuộc nội chiến Syria bùng nổ, quân đội Mỹ đối đầu trực tiếp với quân đội và chính phủ Syria. Giờ đây, cùng với IS và Al-Quaeda, quân đội Syria trở thành kẻ địch thứ 3 của Mỹ tại đất nước này.
3 năm trước, hậu quả từ cuộc tấn công bằng tên lửa Tomahawk dội xuống lực lượng Syria có lẽ sẽ đáng kể hơn nhiều.
Đúng vậy, tên lửa Tomahawk, với đầu đạn nặng 450kg, có lẽ sẽ gây thiệt hại lớn cho sân bay Syria. Nhưng liệu nó có thực sự tác động tới hành động tàn nhẫn của chính phủ Syria đối với người dân của họ? Nhiều khả năng sẽ là "Không".
Hơn 2.000 tên lửa Tomahawk đã được triển khai chiến đấu kể từ năm 1991.
Đợt triển khai gần đây nhất là vào tháng 10 năm ngoái, khi Mỹ bắn 5 tên lửa Tomahawk phá hủy các trạm radar ven biển tại Yemen vì cho rằng chúng đã cung cấp thông tin để quân nổi dậy Houthi tấn công các tàu chiến Mỹ đang hoạt động trong khu vực này.
Tomahawk, trong phần lớn kịch bản chiến tranh, sẽ là thứ vũ khí hiệu quả để thực hiện một số nhiệm vụ nhất định. Tuy nhiên, khi được dùng để truyền tải một thông điệp hay làm đối phương xao nhãng, thì Tomahawk dường như sẽ mất đi hiệu quả của nó, nhất là khi đối phương lại được báo trước về vụ tấn công như vừa qua.
Trong quá khứ, dù là phá hủy nhà máy dược phẩm ở Khartoum, Sudan (nơi Mỹ cho là có liên quan tới sản xuất vũ khí hóa học) hay tấn công trả đũa hành vi xâm phạm vùng cấm bay tại Iraq thì tên lửa hành trình Tomahawk luôn là thứ vũ khí trừng phạt lý tưởng.
Nó có thể được phóng từ khoảng cách an toàn, không gây nguy hiểm cho lính Mỹ và biểu trưng cho sự hiện diện của một lực lượng đang thực thi sứ mệnh quan trọng.
Có thể nói, khi bạn không muốn làm điều gì đó, nhưng lại muốn tỏ ra là mình đang làm điều ấy, thì hãy cứ triển khai tên lửa Tomahawk – có thể chọn con số 59.
Theo thông tin mới nhất, sân bay tại căn cứ Al-Shayrat đã hoạt động trở lại sau vụ tấn công của Mỹ.
Theo Trí thức trẻ