Cầu Hồng Công - Châu Hải - Macau sẽ mở cửa cho phương tiện qua lại vào 9h sáng thứ Tư này theo giờ địa phương.
Cây cầu này được xây dựng từ năm 2009, bắc qua vùng biển dài 55km nối liền Hồng Công với Trung Quốc Đại lục.
Các công nhân đã sử dụng 420.000 tấn thép, tương đương 60 toà tháp Eiffel để xây dựng cầu. Các quan chức địa phương kỳ vọng cây cầu sẽ có thời gian sử dụng đến 120 năm và giảm thời gian di chuyển giữa hai khu vực đến 60%.
Được biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự buổi lễ khánh thành cầu. Hồng Công - Châu Hải - Macau gồm một đoạn đường ngoằn ngoèo như rắn và một đường hầm dưới mặt nước, nối liền đảo Lantau của Hồng Công với phía Nam của Trung Quốc, tức thành phố Châu Hải, và thủ phủ bài bạc Macau, băng qua vùng cửa sông Châu Giang.
Với chiều dài 55km, cầu vượt biển của Trung Quốc dài hơn 22km so với bề ngang của đường hầm Anh từ Dover của Vương Quốc Anh đến Calais của Pháp.
Cây cầu nhìn từ trên cao
Khung cảnh bên trong của nhà chờ hành khách tại cảng Hồng Công nơi cây cầu đi qua
Đây là vé xe bus tại nhà chờ
Công trình kiến trúc này là cây cầu vượt biển dài nhất thế giới, và là cây cầu dài thứ 6 trên Trái Đất. Các quan chức kỳ vọng nó sẽ giúp đẩy mạnh giao thương thông qua việc cắt giảm thời gian di chuyển đến 60%.
Quan trọng hơn, đây là thành phần quan trọng trong kế hoạch kiến tạo Khu vực Vịnh Lớn bao phủ 56.500km2 xuyên suốt 11 thành phố ở phía Nam Trung Quốc.
Cây cầu vượt biển này bao gồm một đoạn dài 22.9km nổi trên mặt trước, và một đường hầm dài 6.7km nằm dưới mặt nước, nối liền với nhau bởi hai hòn đảo nhân tạo.
Bộ trưởng bộ Giao thông và Nhà ở Hồng Công, Frank Chan, cho biết thời gian di chuyển giữa Châu Hải và Sân bay quốc tế Hồng Công sẽ được rút ngắn chỉ còn khoảng 45 phút, so với trước đây là 4 tiếng.
"Nó sẽ giúp đẩy mạnh hợp tác giao thương, kho vận, và du lịch giữa Quảng Đông, Hồng Công, và Macau" - ông nói.
Tuy nhiên, dự án khổng lồ này cũng gặp phải không ít tranh cãi bởi nhiều lần trì hoãn, vượt quá kinh phí dự toán, cáo buộc tham nhũng và gây ra cái chết của nhiều công nhân.
Khung cảnh Đảo Nhân tạo phía Đông của cầu Hồng Công - Châu Hải - Macau
Hệ thống cửa xoay nhập cảnh tại sảnh đi của cầu
Toàn bộ chi phí cho dự án, bao gồm cả các đảo nhân tạo, các đường liên kết và các công trình xuyên biên giới khác không được nêu rõ, nhưng người ta ước tính con số này rơi vào khoảng hơn 18 tỷ USD, khiến nó bị đánh giá là quá tốn kém trong khi lợi ích thì chưa rõ ràng.
Trong quá trình xây dựng, 7 công nhân đã thiệt mạng và 129 người bị thương. Hầu hết họ bị trượt hoặc ngã từ các vị trí trên cao xuống.
Những người ủng hộ cây cầu ca tụng nó là một kỳ quan kiến trúc, trong khi số khác lại nhìn nhận nó chẳng khác gì một dự án chính trị tốn kém, được thiết kế để kéo Hồng Công về gần hơn với Trung Hoa Đại Lục trong bối cảnh Bắc Kinh đang thắt chặt quản lý các thành phố bán tự trị của mình.