Bộ TTM Nga đã quyết định "lột trần" Hạm đội Caspi một cách liều lĩnh và vội vàng điều các tàu tên lửa hạng nhẹ "Grad Svyazsk" và "Veliky Ustyuk" tham gia tác chiến ở Địa Trung Hải.
Cách điều quân kỳ lạ của Hải quân Nga
Theo thông báo của Phòng Thông tin Hạm đội Biển Đen (Nga), đến tối ngày 17/6/2018, các tàu hộ vệ tên lửa "Grad Svyazsk" và "Veliky Ustyuk" thuộc đề án 21631 (mã hiệu "Buyan-M") trang bị các tên lửa hành trình chính xác cao "Kalibr-NK" đã băng qua vịnh Bosporus và Dardanella và có mặt tại .
Ban đầu, tưởng như đây là thông báo về việc quay vòng lực lượng tác chiến thường xuyên theo kế hoạch của hạm đội Hải quân Nga trên lãnh hải Syria. Nhưng thực tế đó là tín hiệu về hiện trạng thê thảm, rệu rã của hạm đội hải quân Nga.
Những thông báo đầu tiên về chuyến hải trình trên xuất hiện trên mạng xã hội chỉ sau khi cả hai chiếc tàu hộ vệ tên lửa đã rời thành phố Astrakhan từ lâu và được nhìn thấy khi chúng đi dọc theo kênh Volga-Donsky.
Và ngay lập tức trên các mặt báo Nga và quốc tế xuất hiện các đề tài: "Putin tăng cường bảo vệ cầu Crimea bằng các tàu hộ vệ tên lửa!" và "Moscow chuẩn bị các tên lửa "Kalibr" để chiến đấu với Ukraine giành lấy biển Azov!".
Ngay từ đầu, những giả thiết nêu trên nghe không mấy thuyết phục. Nếu đúng là Nga định sử dụng các tên lửa "Kalibr" để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine thì có thể thực hiện ngay từ các căn cứ của hạm đội Caspi.
Nếu vào năm 2016, đội tàu chiến của hạm đội này với sự góp mặt của chính các tàu hộ vệ tên lửa "Grad Svyazsk" và "Veliky Ustyuk", đã bất ngờ tấn công các căn cứ của quân khủng bố tại Syria, thì việc tấn công những thành phố như Mariupol, Kiev hay Berdyansk bằng các tên lửa từ biển Caspi là điều quá dễ dàng.
Cần gì phải thực hiện một chuyến hải trình dọc kênh Volga-Don tốn kém?
2 tàu tên lửa "nhỏ mà có võ" lớp Buyan-M (Dự án 21631) của Nga tiến vào Địa Trung Hải với đầy ắp tên lửa Kalibr.
Căn cứ từ những phân tích này, ngày 13/6/2018, "Svepressa" trong bài viết "Bóng đen các tên lửa "Kalibr" của Hạm đội Caspi bao trùm lên Ukraine" dự đoán đầu tiên rằng, trên thực tế, chuyến hải trình của hai chiếc tàu hộ vệ tên lửa tới Biển Đen và Biển Azov chỉ là bước đệm cho một chuyến hải trình xa hơn thế.
Hoàn toàn có khả năng các tàu tên lửa này sẽ đi vòng quanh Châu Âu để tới Biển Baltic. Như hồi tháng 10/2016, hai chiếc tàu "Buyan-M" khác là "Serpukhov" và "Zeleny Dol" cũng rời Sevastopol theo hải trình tương tự.
Cũng vào năm 2016, Bộ Quốc phòng Nga phát đi thông báo rằng muốn thành lập tại Hạm đội Baltic một đội các tàu hộ vệ tên lửa với 8 quả tên lửa "Kalibr-NK" trên mỗi chiếc. Trong trường hợp này, dưới đầu ruồi của các tên lửa nói trên sẽ là cả Berlin, Brussels, Warsaw.
Sự cần thiết phải triển khai đội tàu hộ vệ tên lửa này là do NATO tăng cường sự hiện diện của mình ngay gần khu vực giáp với tỉnh Kaliningrad (Nga).
Có vẻ như chuyến hải trình lần này của "Grad Svyazsk" và "Veliky Ustyuk" đến Địa Trung Hải khẳng định nhận định đúng đắn của "Svepressa". Ít ra, không ai có ý định đưa các tàu chiến này vào trong thành phần Hạm đội Hắc Hải.
Và vấn đề an ninh của cầu Crimea, cũng như hoạt động tự do đi lại của các tàu thuyền Nga trên biển Azov sẽ do ai đó khác đảm nhiệm. Nếu không "Grad Svyazsk" và "Veliky Ustyuk" đã phải ở lại rất lâu tại Sevastopol.
Để kiểm tra hiện trạng từng chiếc tàu hộ vệ tên lửa và nghiên cứu trình độ chiến đấu của các thuỷ thủ đoàn phải mất không chỉ một tháng. Cũng không thể dùng tàu hoả vận chuyển các tàu hộ vệ tới căn cứ đóng quân mới của mình.
Vậy vội vàng ghé cảng tiếp nhiên liệu và thực phẩm để thẳng tiến tới Địa Trung Hải để nhằm mục đích gì? Để trả lời câu hỏi này, cần phải hướng mắt sang phía Syria và phía đông Địa Trung Hải nói chung. Ở đó đang diễn ra những gì?
Tàu hộ vệ tên lửa lớp Buyan-M của Hải quân Nga Grad Sviyazhsk số hiệu 652 đi qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Hồi chuông báo động về tình trạng thê thảm của Hải quân Nga
Chắc các bạn còn nhớ, Nhóm tác chiến tấn công tàu sân bay Mỹ dẫn đầu bởi hàng không mẫu hạm "Harry Truman" tiến tới lãnh hải của đất nước này như thế nào vào tháng 4 vừa qua và cả thế giới đều đoán già đoán non xem nó sẽ "hạ thủ" chế độ Assad bằng cách nào?
Mọi thứ đã kết thúc ra sao? Vài ngày trước sự xuất hiện của chiếc tàu sân bay này, vào rạng sáng ngày 14/4, các tàu chiến và không quân của Mỹ, Pháp và Anh đã triển khai cuộc tấn công bằng tên lửa ồ ạt nhằm vào Damacus và tỉnh Hama (Syria). Theo thông tin của Bộ Quốc phòng Nga, trong số 103 quả tên lửa được phóng lên, 66 quả bị bắn rơi.
Nhưng đó chỉ là những tình tiết. Điều khác còn quan trọng hơn nhiều. Phần lớn những tên lửa được phóng lên vào rạng sáng ngày hôm đó là các tên lửa hành trình "Tomahawk" của Mỹ - 60 trong số 103. Tàu khu trục "Langedok" của Hải quân Pháp phóng 3 tên lửa hành trình tối tấn MdCN).
Số còn lại là từ hai máy bay ném bom B-1B của Không quân Mỹ, từ 5 máy bay tiêm kích "Rafale" của Không quân Pháp (tổng cộng 9 quả tên lửa SCALP/"Storm Shadow"), từ 4 tiêm kích ném bom "Tornado" của Không quân Hoàng gia Anh (thêm 8 quả SCALP/"Storm Shadow").
Nhưng các tàu chiến của Mỹ phóng những tên lửa "Tomahawk" từ đâu? 30 quả tên lửa huỷ diệt nhằm thẳng vào Syria nối đuôi nhau xuất phát từ các bệ phóng của chiếc tàu tên lửa "Monterey" thuộc lớp "Ticonderoga" ở Biển Đỏ.
Cũng từ nơi này, 8 quả tên lửa "Tomahawk" được bắn lên từ chiếc tàu khu trục "Labun" mang tên lửa. Còn chiếc khu trục hạm mang tên lửa "Higgins" thuộc lớp "Arleigh Burke" phóng 23 quả từ vịnh Persi, khu vực tác chiến của Hạm đội 5 Mỹ.
Và chỉ có chiếc tàu ngầm nguyên tử "John Worner" thuộc lớp "Virginia" liều lĩnh tham gia vào cuộc tấn công từ phía đông Địa Trung Hải.
Khu trục hạm DDG 75 "Donald Cook" và 4 chiếc tàu hộ vệ của Hải quân Pháp có mặt ở khu vực này không tham gia vào cuộc tấn công.
Nhưng do điều kiện vị trí địa lý, nên các tên lửa có thời gian bay tới Syria nhanh nhất là từ Địa Trung Hải. Có nghĩa trước tiên phải là yếu tố bất ngờ.
Tại sao giới quân sự Mỹ lại đột ngột tự tước đi của mình một ưu thế tác chiến quan trọng đến vậy? Còn nhóm tác chiến tấn công tàu sân bay với lá cờ đầu "Harry Truman" chỉ "giương nanh múa vuốt" chứ thậm chí không "rút súng" khỏi vỏ?
Sự giải thích hợp lý duy nhất đó là để tránh xung đột vũ trang với các tàu chiến của Nga cũng hiện diện vào thời điểm đó ở khu vực phía đông của Địa Trung Hải.
Khi đó, ở đây có biên đội tàu tấn công của Hạm đội Đen (Nga) gồm các tàu hộ vệ "Đô đốc Grigorovich" và "Đô đốc Essen" trang bị các tổ hợp tên lửa "Kalibr-NK" và hai chiếc tàu ngầm điện-diesel "Kolpino" và "Veliky Novgorod" mang theo 8 tổ hợp tên lửa "Kalibr-PL".
Không quá nhiều, nhưng đủ để khiến cho những người Mỹ phải lưu ý cẩn trọng. Đặc biệt với sự hiện diện của lực lượng không quân Nga đang có mặt tại căn cứ Khmeimim.
Như vậy, có thể đánh giá rằng lực lượng quân sự tác chiến thường xuyên của Nga ở Địa Trung Hải đã hoàn thành nhiệm vụ chính của mình vào ngày hôm đó – không tham chiến mà vẫn khiến cho Hạm đội 6 của Mỹ phải để tâm và thực hiện những thay đổi quan trọng trong các kế hoạch tác chiến của họ.
Tuy nhiên từ ngày 14/4, nhiều thứ thay đã đổi xung quanh Syria. Ngày 1/6, "Đô đốc Grigorovich" trở về Sevastopol sau đúng tròn nửa năm tuần tra chiến đấu trên Địa Trung Hải. "Đô đốc Essen" cũng đã rời khỏi đó (nó lên đường tuần tra chiến đấu từ ngày 13/3/2018), con tàu này đã qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ về Nga hôm 29/06.
Tàu chiến Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr tấn công khủng bố ở Syria
Có những lời bàn tán về các tàu ngầm điện-diesel "Kolpino" và "Veliky Novgorod". Cả hai chiếc liên tục không ngừng nghỉ xuất hiện gần Syria từ 28/8 năm ngoái. Và nhiều khả năng, chúng sẽ còn ở đó một thời gian dài nữa.
Mùa xuân vừa qua người ta đã tiến hành thay thế thuỷ thủ đoàn, còn các tàu ngầm thì không. Chưa có kế hoạch.
Công ước Montreux về chế độ của các eo biển Thổ Nhĩ Kỳ ký năm 1936 cho phép các tàu chiến của Hạm đội Hắc Hải được đi qua eo biển Bosporus để tới Novorossisk hoặc Sevastopol. Còn ngược lại thì… không. Chỉ để sửa chữa hoặc điều chuyển sang hạm đội khác.
Thật ra, công ước này vào thời kỳ Liên Xô đã hạn chế rất nhiều quy mô các cuộc tuần tra chiến đấu của lực lượng tàu ngầm Hạm đội Hắc Hải ở Địa Trung Hải. Đây là trích dẫn từ cuốn sách của Chuẩn đô đốc đã về hưu Yury Nichik và thượng tá hải quân dự bị Valery Zakhar "Những lực lượng tàu ngầm của Hạm đội Hắc Hải":
"Căn cứ vào Công ước (Montreux), các tàu ngầm của chúng ta phải kết hợp tuần tra chiến đấu trên Địa Trung Hải với hoạt động sửa chữa ở Liepai trên Biển Baltic và trở về các nơi đóng quân trên Biển Đen cũng bằng phương pháp này".
Nhưng đó là vào thời điểm khi tại Hạm đội Hắc Hải có hẳn trung đoàn tàu ngầm số 14 và một vài tiểu đoàn riêng lẻ. Còn hiện giờ trong thành phần Hạm đội Hắc Hải chỉ còn 6 chiếc đang hoạt động - 2 chiếc ở Tartus và 4 chiếc ở Novorossiysk.
Và các tàu ngầm này chưa một lần gặp nhau, dù về hình thức chúng cùng thuộc một đơn vị - Tiểu đoàn số 4 đóng tại Novorossiysk. Chỉ cần cho một chiếc vào xưởng sửa chữa ở Biển Baltic - ngay lập tức sẽ xuất hiện một sự thiếu hụt lớn trong đội ngũ kéo dài nhiều năm.
Vì thế, "Kolpino" và "Veliky Novgorod" sẽ chỉ thay đổi thuỷ thủ đoàn và còn quanh quẩn ở Syria dài dài. Nhưng nếu muốn sữa chữa nhẹ thì làm thế nào? Neo đậu ở đâu?
Thời hạn bảo dưỡng cả hai chiến tàu ngầm này cũng sắp đến. Ở Tartus không đủ điều kiện. Như một số thông tin cho biết rằng phương án lai dắt một ụ nổi từ Sevastopol tới Syria đang được tính đến. Hoặc thoả thuận về việc neo đậu để sửa chữa với quốc gia hữu hảo Ai Cập.
Nói cách khác, có nhiều phương án, nhưng chưa có sự rõ ràng. Nhưng diễn biến tình hình này sẽ dẫn tới một điều – càng thêm nghi ngờ vào khả năng sẵn sàng chiến đấu cao của "Kolpino" và "Veliky Novgorod".
Còn khi tàu hộ vệ "Đô đốc Essen" cũng phải rời cảng Syria, thì Nga sẽ không còn các tàu chiến khác tuần tra những vùng biển bất ổn.
Chính trong bối cảnh thê thảm này, đương nhiên, Bộ Tổng tham mưu đã quyết định "lột trần" Hạm đội Caspi một cách liều lĩnh và vội vàng điều các tàu tên lửa hạng nhẹ "Grad Svyazsk" và "Veliky Ustyuk" tham gia lực lượng tác chiến thường xuyên của Nga trên Địa Trung Hải.
Chưa bao giờ trong lịch sử hạm đội hải quân Nga các tàu chiến của hạm đội Caspi lại tham gia vào tuần tra chiến đấu ở Địa Trung Hải. Thêm nữa - các tàu chiến lớp "sông-biển" với những tính năng hoạt động trên biển rất hạn chế, không thể sử dụng tên lửa trong điều kiện bão cấp 5.
Các tàu chiến với hệ thống phòng không gần như bằng 0, bởi vì chúng chuyên thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu gần căn cứ của mình, dưới sự yểm trợ của các tổ hợp tên lửa phòng không bờ biển.
Nhưng đúng thế, tất cả những rủi ro nêu trên đang hiện hữu. Nhưng biết làm thế nào. Mới đây có thông tin cho biết, "Harry Truman" tạm thời vắng mặt ở vịnh Persi, lại vừa đi qua kênh đào Suez và tiến gần tới Syria.
Cần phải chuẩn bị "đón tiếp" chứ. Có vẻ "Grad Svyazsk" và "Veliky Ustyuk" được trao vai diễn quan trọng này.
Và chỉ sau vài tháng nữa chúng mới tiếp tục lên đường tới biển Baltic, nơi hai chiếc tàu chiến lớp «Buyan-M" khác là "Serpukhov" và "Zeleny Dol" đang chờ đợi hội ngộ.
Thực ra, chuyến hải trình tới căn cứ mới của hai chiếc tàu chiến này hồi tháng 10/2016 cũng diễn ra đúng như vậy. Ban đầu, cả hai chiếc tham gia vào lực lượng tác chiến thường xuyên ở Địa Trung Hải. Và chỉ sau đó mới cập cảng thành phố Baltiysk.