Tin mới

Chú mèo "tai họa": Nhấn chìm 1 thiết giáp hạm, 3 khu trục hạm và 1 tàu sân bay

Chủ nhật, 17/09/2017, 08:24 (GMT+7)

Quả ngư lôi tạo một lỗ thủng lớn có kích thước 40m x 10m trên thân "Ark Royal". Mặc dù đã vô cùng cố gắng, nhưng cuối cùng chiếc tàu sân bay đã yên nghỉ dưới đáy biển.

Quả ngư lôi tạo một lỗ thủng lớn có kích thước 40m x 10m trên thân "Ark Royal". Mặc dù đã vô cùng cố gắng, nhưng cuối cùng chiếc tàu sân bay đã yên nghỉ dưới đáy biển.

Thiết giáp hạm "Bismark"

Chiến tranh Vệ quốc Nga vẫn chưa bắt đầu, nhưng Thế chiến thứ Hai đã diễn ra rộng khắp. Không sở hữu đủ các nguồn lực và cơ hội để tiêu diệt phe đồng minh trên bộ, Hitler quyết định chuyển thành các hành động quân sự trên biển để gây tổn hại tối đa cho hệ thống giao thông liên lạc.

Tất cả tiềm lực quân sự của Đức phát xít đã được tung vào đây: Các tàu ngầm, lực lượng không quân trên biển… Mệnh lệnh chỉ có một: Bắt gặp các tàu buôn của phe đồng minh trên biển thì tiêu diệt tại chỗ.

Để phòng vệ trước hạm đội Hải quân Hoàng gia Anh, một trong những lực lượng tốt nhất thời bấy giờ, giới quân sự Đức đã triển khai hai tàu chiến hiện đại nhất của mình là "Bismark" và "Tirpitz". Theo kế hoạch, các thiết giáp hạm này có thể hoành hành trên Đại Tây Dương mà không phải nể sợ ai.

Nếu chạm mặt với đối phương, thiết giáp hạm "Bismark" sở hữu 8 khẩu pháo 380mm SKC-34 được bố trí trên 4 tháp pháo, giúp nó có thể đối đấu với mọi tàu chiến của địch.

Nếu gặp đối phương khó nhằn, thì thiết giáp hạm của Đức có thể bứt tốc bỏ chạy rất nhanh: Thiết giáp hạm khủng với chiều dài hơn 240m có thể đạt được vận tốc tối đa 30 hải lý (khoảng 55km/h).

Và trên chiếc tàu chiến này người ta nuôi một chú mèo đen-trắng. Thông thường, các thủy thủ thích nuôi mèo trên tàu: Thứ nhất, đó là vật nuôi; thứ hai, khi tiếp nhận thực phẩm, mèo có thể giúp đuổi bắt chuột phá phách đồ ăn của thủy thủ đoàn.

Thủy thủ đoàn "Bismark" ước vào khoảng hơn 2200 thủy thủ và sĩ quan, và có lẽ, người ta nuôi tới hàng chục con mèo trên tàu.

Nhưng, câu chuyện ở đây chỉ đề cập tới chú mèo đen-trắng. Nó ngồi trên mặt tàu để đón những ánh nắng mặt trời tháng 5 và không hề biết rằng "cuộc chiến trên Đại Tây Dương" thay đổi đột ngột cuộc đời của mình như thế nào.

Thiết giáp hạm Bismark. Ảnh minh họa

Cuộc chiến kéo dài 9 ngày trên Đại Tây Dương

"Cuộc tập trận Rheinübung" đang tiến đến gần. Hai thiết giáp hạm "Bismark" và "Prince Oygen" phải tiếp cận các tàu buôn trên tuyến đường biển của Anh. Theo kế hoạch, "Bismark" sẽ phải thu hút về phía mình các tàu hộ tống để "Prince Oygen", như một con cáo, đột nhập vào chuồng gà đầy các tàu buôn không được bảo vệ.

Ngày 18/5, chúng rời cảng Gotenhafen (Gdynya, Ba Lan) với lời chúc "mã đáo thành công" của chính đô đốc hải quân Đức Erikh Roeder.

Ngày 24/5, các thiết giáp hạm của Đức giao tranh với những tàu chiến "Hood" và "Prince of Wales" của Anh. Ngay sau loạt đạn thứ 5, "Bismark" đã bắn trúng vào kho chứa đạn của "Hood" khiến chiếc tàu chiến của Anh chìm xuống đáy biển trong vòng vài phút đồng hồ cùng với 1.417 người.

Tuy nhiên, loạt đạn bắn trúng mục tiêu này của "Bismark" đã biến thành bản án tử hình cho chính nó - tiêu diệt kẻ đã hạ nhục hạm đội Hoàng gia Anh là vấn đề danh dự của người Anh.

Sau 3 ngày đêm săn đuổi với gần ¾ lực lượng chiến đấu hiện có của hải quân Anh, "Bismark" đã bị bám đuôi.

Vào thời điểm đó, con mãnh thủ của Đức đã bị các ngư lôi được phóng từ những máy bay triển khai trên "Ark Royal" của Anh gây hư hỏng khá nặng, bánh lái gần như không hoạt động, tổ máy chỉ có thể giúp nó đạt được vận tốc 7 hải lý/h.

Các tàu chiến của Anh sau một trận chiến ngắn ngủi đã nhanh chóng nhấn chìm "Bismark" với 2104 người trong số 2200 người trên boong.

Đô đốc Anh John Tovy đã viết trong cuốn hồi kỳ của mình: "Bismark" đã chiến đấu anh dũng trong những điều kiện vô cùng khó khăn, xứng danh Hạm đội đế quốc Đức, và đã giương cao lá cờ dù bị nhấn chìm". Những dòng tâm sự này đã bị Bộ Tư lệnh hải quân Hoàng gia Anh cấm không được công bố cho đến khi chiến tranh kết thúc.

Chiếc khu trục hạm "Cossack" (Anh) đã tham gia vào chiến dịch cứu hộ tại nơi "Bismark" bị đánh chìm. Họ đã không tìm thấy thủy thủ nào còn sống sót, tuy nhiên, trong đống mảnh vỡ còn sót lại, người ta đã phát hiện ra chú mèo đen-trắng bất hạnh.

Một mạng sống của chú mèo này được đổi bằng 9 mạng sống của các thủy thủ chết chìm theo "Bismark". Người ta không tìm thấy bất cứ giấy tờ tùy thân nào của nó, nên sau này người ta quyết định đặt tên cho nó là Oscar.

Khu trục hạm "Cossack"

Khu trục hạm Hoàng gia Anh mang tên "Cossack"

Không phải ngẫu nhiên mà người Anh đặt tên cho chú mèo là Oscar. Theo thông lệ tín hiệu cờ quốc tế, lá cờ hình vuông được chia thành hai sọc ngang màu đỏ-vàng Oscar có nghĩa là "có người bên mạn tàu".

"Oscar" tiếp tục sống trên chiếc tàu khu trục mới lớp "Trible". Thủy thủ đoàn trên chiếc tàu này ít hơn nhiều, chỉ khoảng 219 người, nhưng nó lênh đênh khắp nơi trên biển, lúc thì lên phía bắc về phía Na Uy, lúc thì xuống phía nam về phía Gibraltar.

Theo tiếng Anh, "Trible" là thổ dân thuộc một bộ tộc. Hải quân Hoàng gia Anh đã quyết định lấy nó làm tên gọi cho lớp 27 khu trục hạm được đóng từ trước khi chiến tranh nổ ra. Mỗi chiếc tàu được đặt theo tên của một bộ lạc nào đó, hoặc lãnh thổ từng là thuộc địa của Anh.

Không hiểu tại sao "Cossack" và "Tatarin" (tên của các dân tộc Nga) cũng thuộc lớp các tàu chiến này, cùng với "Maori", "Sickh", "Eskimos", "Beduin".

Những khu trục hạm này khá tốt trong số các tàu chiến thời điểm đó của Anh, nên Canada và thậm chí là Úc đã đặt mua một vài chiếc. Trên Thái Bình Dương vào thời điểm bấy giờ mọi thứ rất bất ổn, Nhật Bản bắt đầu tăng cường mở rộng lãnh hải của mình từ năm 1937.

"Cossack" có thể tự hào với 4 khẩu pháo 120mm, 3 tổ hợp phòng không và một máy phóng ngư lôi 4 ống. Khu trục hạm này thậm chí còn từng tham gia vào cuộc tấn công bằng ngư lôi nhằm vào "Bismark" trong chuyến đi săn thiết giáp hạm này.

Chú mèo Oscar đã ở trên tàu suốt mùa hè, du hành cùng đoàn hộ tống từ Gibraltar tới Đại Tây Dương.

Thiệt hại của các tàu buôn do tàu ngầm và không quân Đức gây ra là vô cùng lớn vào thời điểm đó, do vậy Bộ Tư lệnh hải quân Anh đề xuất tập hợp các tàu buôn thành nhóm lớn và bố trí 2 chiến hạm, 1 tàu sân bay và một vài khu trục hạm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ.

Một mặt, các tàu buôn tập hợp thành nhóm biến thành mục tiêu ngon ăn đối với các tàu ngầm Đức. Mặt khác, khi gặp sự phản kháng, rất ít tàu ngầm của Đức may mắn thoát chết. Tính đến khi chiến tranh kết thúc, trong số 863 tàu ngầm của Đức, có tới 753 chiếc bị tiêu diệt.

Vào tháng 10/1941, "Cossack" hộ tống đoàn tàu buôn HG-75 từ Gibraltar tới Anh. Ngay từ đầu chuyến hải trình, đoàn tàu chạm mặt ngay một chiếc tàu ngầm của Đức. Loạt ngư lôi được phóng ra từ chiếc tàu ngầm U-563 đã thổi bay mũi khu trục hạm này. 158 trong số 200 người của thủy thủ đoàn thiệt mạng, bao gồm cả thuyền trưởng.

Những thủy thủ may mắn sống sót được đưa lên chiếc tàu khu trục "Legion", còn các nỗ lực nhằm đưa "Cossack" bị hư hỏng nặng về Gilbraltar đã thất bại do điều kiện thời tiết xấu.

Chú mèo Oscar được đưa về cảng Gibraltar, nơi các sĩ quan khi biết được số phận bất hạnh của nó, đã quyết định đổi tên nó thành "Unsinkable Sam" (Sam không thể nhấn chìm).

Tàu sân bay "Ark Royal"

Tàu sân bay Hải quân Hoàng gia Anh "Ark Royal"

"Sam không thể nhấn chìm" lại được đưa lên chiếc tàu sân bay hạng nặng "Ark Royal". Chiếc tàu này đã tham gia vào nhiều chiến dịch quân sự và xứng đáng với danh hiệu "kẻ may mắn".

Chính "Ark Royal" đã phóng ngư lôi làm "Bismark" hư hỏng nặng và biến một trong những thiết giáp hạm nhanh nhất trở thành miếng mồi ngon cho các tàu chiến của Anh.

"Ark Royal" được đóng vào năm 1937 và nó có kích thước khổng lồ nhờ Hiệp ước Washington. Đây là bản thỏa thuận được ký kết giữa Mỹ, Anh, Pháp, Ý và Nhật Bản vào năm 1922 để hạn chế cuộc chạy đua vũ trang sau Thế chiến thứ 1.

Mỗi một quốc gia chỉ được phép đóng các tàu chiến với định mức trọng tải tối đa, và đến năm 1935 Anh, khi đó đã sở hữu các tàu sân bay với tổng tải trọng lên tới 115 nghìn tấn trong tổng số 135 nghìn tấn được phép, phải quyết định đóng hai tàu sân bay nhỏ hoặc một tàu sân bay lớn.

Bộ Tư lệnh Hải quân Anh đã quyết định đóng chiếc tàu sân bay tấn công lớn và hạng nặng "Ark Royal".

Chiếc tàu sân bay tấn công đồ sộ này thậm chí còn dài hơn "Bismark" vài mét. Và với 48 chiếc máy bay trên boong có thể khiến cho bất cứ kẻ nào phải nhụt chí nếu muốn tấn công "Ark Royal".

"Sam không thể nhấn chìm" cũng ở trên chiếc tàu sân bay này không lâu. Hoặc là do chú gây ảnh hưởng xấu tới vận may của các tàu chiến, hoặc nó quá may mắn. Ngày 13/11/1941, "Ark Royal" bị ngư lôi của chiếc tàu ngầm Đức U-81 bắn trúng khi hộ tống đoàn thuyền buôn đi từ Malta tới Gibraltar.

Quả ngư lôi tạo một lỗ thủng lớn có kích thước 40m x 10m trên thân "Ark Royal". Mặc dù đã vô cùng cố gắng, nhưng chiếc tàu sân bay đã yên nghỉ dưới đáy biển. Toàn bộ thủy đoàn gồm 1700 người đã được các tàu chiến đồng minh cứu sống.

Lần này "Sam" được các thủy thủ của một chiếc tàu kéo cứu sống khi đang bám vào một miếng ván. Những thủy thủ cứu sống chú mèo đã mô tả nó ở trong trạng thái "vô cùng giận dữ, nhưng hoàn toàn khỏe mạnh". Chú mèo giận dữ là có lý: Ngôi nhà thứ ba của nó bị nhấn chìm vào thời khắc không thích hợp nhất.

Một phần của thủy thủ đoàn "Ark Royal" được cứu sống cùng với "Sam" đã được đưa lên khu trục hạm "Lightning", sau đó là khu trục hạm "Legion" và cập cảng Gibraltar.

Sự thiếu may mắn của "Sam không thể nhấn chìm" cũng ám ảnh cả hai khu trục hạm nói trên. Năm tháng sau đó, vào tháng 3/1942, khu trục hạm "Legion" bị đánh chìm trong một cuộc không kích. Một năm sau, vào tháng 3/1943, chiếc tàu mang ngư lôi của Đức đã tiêu diệt khu trục hạm "Lightning".

Trên bờ

Và sứ mệnh một chú mèo trên tàu của "Sam" đã chấm dứt ở đây. Nó được thị trưởng Gibraltar mang về nuôi để bắt chuột. Sau đó, các thủy thủ đi ngang qua đã quyết định đưa Sam từ Anh tới Belfast, và lần này chuyến đi hoàn toàn may mắn. Chú mèo đen trắng được nuôi tại Nhà Thủy thủ ở Belfast cho tới năm 1955.

"Sam không thể nhấn chìm" đã trở thành huyền thoại tại nơi đây. Hiện nay, không còn bức ảnh chụp nào còn được lưu giữ ngoài bức vẽ chân dung của nó do nữ họa sĩ Georgina Show-Baker thực hiện.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news