(Tinmoi.vn) Từng giữ cương vị đứng đầu của ngành công an Trung Quốc, giờ đây, cựu Bộ trưởng Chu Vĩnh Khang lại trở thành một ông già buồn bã.
Trong vòng 10 tháng, số phận của Chu Vĩnh Khang vẫn tồn tại trong bầu không khí mờ ám. Truyền thông phương Tây đưa tin về ông - một quan chức về hưu, 71 tuổi, từng nắm giữ vị trí cao cấp trong nhà nước Trung Quốc từ năm 2007-2012 đang bị điều tra vì tội tham nhũng và bị quản thúc tại gia. Phương tiện truyền thông trong nước đã phơi bày hàng loạt hành vi được cho là mua chuộc, đút lót của con trai ông Chu Bân và rất nhiều cộng sự, người được ông bảo trợ. Nhưng những người này tuyệt nhiên không khai ra tên ông.
Đôi khi, họ gián tiếp gọi ông là “Con hổ” khi đề cập đến “câu thần chú” cửa miệng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chiến dịch chống tham nhũng của ông: “Đánh cả ruồi (quan chức cấp thấp) lẫn hổ (ông chủ). Đôi khi, họ gọi thẳng tên thật của ông là Zhou Yuangen hoặc là bố của Chu Bân. Và có lúc, họ nhắc đến ông bằng câu nói: “Bạn có hiểu không” – cụm từ được phát ngôn viên chính phủ sử dụng để giải thích cho việc tại sao ông không muốn nói nhiều về Chu Vĩnh Khang.
Đối với truyền thông Trung Quốc viết bằng tiếng phổ thông, việc in tên thật của Chu Vĩnh Khang rất nghiêm trọng và đáng sợ nếu chưa có xác nhận từ phía quan chức rằng ông đã bị kết tội.
Điều cấm kỵ này đã bị phá vỡ vào ngày 29/7 khi tờ Tân Hoa Xã – một tờ báo chính thống của nhà nước Trung Hoa đưa ra tuyên bố khẳng định Chu Vĩnh Khang đang bị điều tra vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” (ở Trung Quốc, việc tuyên bố quan chức đang bị điều tra tương đương với việc người ấy đã bị kết án). Ngay sau đó, hàng chục tờ báo Trung Quốc đã viết bài về Chu Vĩnh Khang. Và lần đây là lần đầu tiên báo chí bằng tiếng phổ thông gọi tên thật của ông.
Quyền uy đáng sợ của cựu Bộ trưởng Công an giờ đã chấm dứt. Chu Vĩnh Khang giờ đây có khả năng đang bị shuanggui (một thuật ngữ để nói đến phương pháp mà các nhà điều tra chống tham nhũng Trung Quốc áp dụng đặt câu hỏi cho các đảng viên và quan chức chính phủ bị nghi có việc làm sai trái). Quá trình này thường đi kèm với giam giữ, thẩm vấn với cường độ cao mà không cần bất kỳ thủ tục hoặc đại diện pháp lý nào.
Sự sụp đổ của Chu Vĩnh Khang là một sự kiện lớn. Từ năm 2007-2012, Chu Vĩnh Khang là ủy viên của Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị. Ông là chủ nhiệm ủy ban Chính trị - Pháp luật trung ương. Trên cương vị đó, Chu giám sát các lực lượng an ninh và các cơ quan thực thi pháp luật của Trung Quốc. Những người có địa vị cao hơn đã hất cẳng ông trước khi cuộc tranh giành chính trị diễn ra. Giống như Mao Trạch Đông thanh trừng Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ vào năm 1966, Đặng Tiểu Bình hạ bệ Vương Hồng Vân, người đứng thứ ba trong Ủy ban Thường vụ bộ chính trị nhứng năm 1970 và quản thúc Bí thư Triệu Tử Dương tại nhà vào năm 1989. Tuy nhiên, không hề có ví dụ nào về việc các thành viên của Ủy ban Thường vụ bị điều tra về tội tham nhũng theo cách người ta đang điều tra Chu Vĩnh Khang từ trước tới nay.
Nhưng vẫn còn khá nhiều tiền lệ để xử lý trường hợp của Chu Vĩnh Khang. Có 3 người đàn ông trong số 25 thành viên Bộ chính trị đã bị điều tra và truy tố vì tội tham nhũng trong vòng 2 thập kỷ qua. Với những gì họ đã trải qua thì có thể thấy việc gì cũng có thể xảy ra tiếp theo.
Trường hợp của Chu Vĩnh Khang có thể bị điều tra trong nội bộ đảng ít nhất 1 năm, sau đó là truy tố chính thức trong hệ thống tư pháp và phải mất vài tháng để nhận phán quyết. Trần Hy Đồng bị mất ghế vào tháng 9/1995 và bị kết tội vào tháng 2/1998. Tương tự, Bí thư thành ủy Thượng Hải, Trần Lương Vũ cũng bị mất chức vào tháng 9/2006 và bị kết án 18 năm tù vì tội nhận hối lộ và lạm dụng quyền lực vào 1 năm rưỡi sau đó, vào tháng 4/2008.
Trong thời đại truyền thông xã hội, thế hệ hiện tại của Trung Quốc có thể hy vọng một phiên xử công khai đối với Chu Vĩnh Khang, giống như phiên tòa xử Bí thử Trùng Khánh, Bạc Hy Lai hồi tháng 8/2013 được phát sóng trực tuyến qua Weibo (tương đương với Twitter của Trung Quốc). Tuy nhiên, vụ của Bạc Hy Lai có thể là ngoại lệ. Từng được mệnh danh là “chính trị gia nổi tiếng duy nhất” của Trung Quốc trước khi bị “ngã ngựa”, Bạc Hy Lai được biết đến như một “ông bầu” – người đã tìm ra “ánh đèn sân khấu” và có được lượng người ủng hộ từ phe cánh tả của Trung Quốc. Sau khi cuộc điều tra về ông được công bố vào tháng 4/2012, ngay lập tức các trang web tiếng Trung rộ lên tin đồn ông từ chối hợp tác với các nhà điều tra – trừ khi ông được xử công khai. Chu Vĩnh Khang thì khác, ông dường như không thích ống kính máy quay.
Chu Vĩnh Khang không còn là “con hổ”, “Bạn có hiểu không” hay là một thế lực chỉ có thể hiểu được thông qua các mối quan hệ của ông với những người khác. Giờ đây, ông ấy chỉ là một người đàn ông đã mất mọi thứ.
Bảo Linh (Theo tin tức foreignpolicy)