Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đến TP.HCM hôm thứ Ba (16/10) và bắt đầu chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai, trong bối cảnh hai nước thắt chặt mối quan hệ trước những căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông, theo Nikkei.
Đây là chuyến thăm thứ hai của ông Mattis tới Việt Nam trong năm nay, một điều được coi “bất thường”, theo tờ Military Times, một trang tin quân sự có trụ sở tại Mỹ, vì TP.HCM hiếm khi được lựa chọn vào hành trình của các quan chức quốc phòng Mỹ. Theo Nikkei, chuyến thăm này tượng trưng cho mối quan hệ gần gũi hơn giữa hai nước trong bối cảnh sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng gia tăng.
Nikkei đăng bài báo về sự kiện này hôm 16/10 với lời bình luận trên Twitter: “Chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được nhìn nhận là sự ủng hộ dành cho Hà Nội về Biển Đông”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis xuống sân bay tại TP.HCM, bắt đầu chuyến thăm hai ngày tại Việt Nam từ 16-17/10/2018 (Ảnh: Twitter) |
Tờ báo của Nhật Bản nhận định một số chủ đề quan trọng khả năng sẽ được thảo luận trong chuyến thăm của ông Mattis, bao gồm việc khắc phục môi trường chịu ảnh hưởng của chất độc hóa học, hỗ trợ cho những người gìn giữ hòa bình của Việt Nam ở Nam Sudan và việc Hà Nội mua vũ khí của Nga.
Hồi tháng Giêng, Bộ trưởng Mattis đã đến thăm Việt Nam và có cuộc hội đàm với người đồng cấp Ngô Xuân Lịch tại Hà Nội. Hai tháng sau, tàu sân bay USS Carl Vinson của Hoa Kỳ đã cập cảng tại Đà Nẵng vào tháng 3, ghi dấu một chuyến thăm đầu tiên của tàu hải quân Mỹ kể từ sau chiến tranh. Điều này được cho là một thông điệp tới Bắc Kinh rằng Hoa Kỳ đang chủ động tăng cường quan hệ đối tác trong khu vực như một đối trọng chống lại Trung Quốc, theo Nikkei.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở TP.HCM ngày 16/10/2018 (Ảnh: Twitter) |
Theo lịch trình ban đầu, Bộ trưởng Mattis sẽ đến thăm Trung Quốc trong chuyến đi châu Á lần này, nhưng kế hoạch đó đã bị hủy bỏ và thay thế bằng Việt Nam, sau khi Washington và Bắc Kinh gia tăng căng thẳng về tranh chấp thương mại và quốc phòng. Gần đây, Bắc Kinh đã bác bỏ lời đề nghị ghé thăm cảng Hồng Kông của một tàu chiến Mỹ. Trước đó, chính quyền Trump đã hủy bỏ lời mời Trung Quốc tham gia một cuộc tập trận hàng hải ở Thái Bình Dương, thay vào đó Việt Nam lần đầu tiên được mời tham dự vào hoạt động quy mô lớn này. Vào tháng 9, Bắc Kinh đã rút tổng tư lệnh hải quân ra khỏi một chuyến thăm Lầu Năm Góc và yêu cầu Washington hủy bỏ việc bán vũ khí cho Đài Loan.
Hoa Kỳ và Việt Nam gần đây đã xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn khi cả hai có chung mối quan ngại về hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, theo Nikkei. Chiến lược An ninh Quốc gia Hoa Kỳ và Chiến lược Quốc phòng Hoa Kỳ cho thấy rõ ràng Washington coi Việt Nam là một đối tác chiến lược quan trọng, theo Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales và một chuyên gia về Đông Nam Á.
Theo Nikkei, ông Thayer nói thêm tầm quan trọng của Việt Nam sẽ gia tăng lên khi trở thành Chủ tịch ASEAN vào năm 2020 và khi được bầu là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trang Vũ (tổng hợp)