Cựu phó trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, ông Steven Ganyard mới đây đã lên tiếng về một biện pháp có khả năng vô hiệu hóa tên lửa của Triều Tiên mà thế giới vẫn an bình.
Theo ông Ganyard, chỉ trong vòng 2 tháng qua, cách giải quyết mối đe dọa từ Triều Tiên đã thay đổi.
Chỉ trong vòng 2 tháng qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tiến hành phóng thử một quả tên lửa có khả năng chạm đến hầu hết các vùng lãnh thổ của Mỹ, đã thử nghiệm một bom nhiệt hạch có sức mạnh gấp ít nhất 20 lần so với quả bom được thả xuống thành phố Hiroshima, đã chứng minh được cho thế giới rằng, Bình Nhưỡng có khả năng thu nhỏ vũ khí hạt nhân lắp vừa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Đến thời điểm này, Bình Nhưỡng đã có thể được coi là mối nguy hiểm đối với Washington cũng như đồng minh. Nguy cơ này ngày càng hiện hữu khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un liên tục có những lời đe dọa với đối phương.
Trong tình hình căng thẳng không ngừng leo thang như hiện nay, ông Ganyard cho rằng, ông chủ Nhà Trắng chỉ có thể lựa chọn sử dụng những biện pháp ngoài giao nhiều hơn, trừng phạt kinh tế mạnh mẽ hơn, tấn công quân sự phòng ngừa các cơ sở tên lửa và hạt nhân Triều Tiên.
Hàng chục năm qua, nhiều thế hệ Tổng thống luôn duy trì biện pháp ngoại giao với Bình Nhưỡng, với hy vọng khiến Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân. Tuy nhiên, thực tế chứng minh, biện pháp ngoại giao đã hoàn toàn thất bại. Với tốc độ phát triển vũ khí hạt nhân như hiện tại, Triều Tiên không có động cơ để đàm phán. Bình Nhưỡng trước đó cũng đã tuyên bố sẽ không đàm phán về phi hạt nhân hóa. Mỹ cũng "không có gì mới" để đem ra trao đổi với Triều Tiên.
Nếu bàn về về biện pháp kinh tế, sẽ chẳng thể có hiệu quả nếu Trung Quốc không hợp tác. Thế nhưng, nếu phân tích, việc Trung Quốc "toàn tâm toàn ý" hợp tác với Mỹ để dồn ép Trung Quốc khó có thể xảy ra khi chính Bắc Kinh có lợi ích quốc gia khi chính quyền Bình Nhưỡng ổn định.
Các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc cũng bị Bắc Kinh hạn chế đến mức ông Trump cho rằng, các biện pháp này "không phải điều gì to tát". Trước đó, Tổng thống Putin cũng khẳng định, người Triều Tiên sẽ “ăn cỏ” nếu phải ăn để truy trì chương trình hạt nhân, tên lửa.
Thông thường, khi những biện pháp khác thất bại, biện pháp quân sự sẽ được lựa chọn. Thế nhưng, có quá ít thông tin tình báo, nên việc Mỹ tấn công phòng ngừa nhằm vào các cơ sở hạt nhân Triều Tiên dễ xảy ra sai sót. Điều đáng lo ngại hơn là một cuộc tấn công sẽ kích hoạt một cuộc chiến hủy diệt trên bán đảo Triều Tiên, trong đó vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng. Thậm chí, Triều Tiên có thể nã một loạt vũ khí hạt nhân vào lục địa Mỹ.
Vậy Mỹ và đồng minh cần làm gì khi không thể sử dụng những biện pháp này.
Chính vì điều này, ông Ganyard cho rằng, Mỹ có thể sử dụng chiến lược "kiềm chế chủ động", xây dựng một vành đai phòng thủ tên lửa trong vùng biển quốc tế quanh Triều Tiên. Vành đai phòng thủ này sẽ hạ gục mọi tên lửa từ khi nó được Triều Tiên phóng.
Đây là biện pháp tiếp cận nhanh chóng để giải quyết một cách hiệu quả. Theo ông Ganyard, ý tưởng này là khả thi. Hiện hải quân Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản hiện đang sở hữu hệ thống Aegis hiện đại. Các quốc gia này cũng có khả năng mua tên lửa SM-3. SM-3 là loại tên lửa có khả năng đánh chặn phân lớn tên lửa Triều Tiên trên đường bay.
Điều quan trọng nhất là phiên bản Block IIA mới nhất của SM-3 cũng có thể hạ gục loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) cho dù tên lửa này vừa bay lên hay đang bay ở giai đoạn cuối. Quá trình đánh chặn có thể được tính toán sao cho nó xảy ra bên ngoài không phận Triều Tiên và sao cho các mảnh vỡ rơi xuống đại dương một cách vô hại.
Với các điểm mạnh nói trên, ông Ganyard cho rằng kiềm chế chủ động sẽ giải quyết không chỉ mối đe dọa hiện tại từ Triều Tiên mà còn cả mối đe dọa trong tương lai.
Nghiêm Thu (tổng hợp)