(Tinmoi.vn) Hãng Yonhap của Hàn Quốc đưa tin Triều Tiên có thể tăng dự trữ hạt nhân nếu lò phản ứng nước nhẹ đang được xây của nước này đi vào hoạt động.
Kho dự trữ hạt nhân của Triều Tiên có thể tăng lên đáng kể nếu lò phản ứng nước nhẹ đang được xây dựng tại khu tổ hợp hạt nhân Yongbyon đi vào hoạt động, một nhà khoa học hạt nhân Mỹ cảnh báo và kêu gọi Washington nối lại đàm phán với Bình Nhưỡng.
Tháp làm lạnh tại cơ sở hạt nhân Yongbyon trước khi nó bị phá hủy vào ngày 27.6.2008
Cho đến nay, Triều Tiên đã sử dụng một lò phản ứng 5 megawatt tại Yongbyon để tạo ra plutonium cho vũ khí hạt nhân, tương đương với tốc độ của 1 quả bom plutonium trong 1 năm. Nhưng kể từ vài năm trước, Triều Tiên đã cho xây dựng lò phản ứng nước nhẹ với quy mô lớn hơn mà theo các chuyên gia, nó có thể cung cấp cho Bình Nhưỡng đủ plutonium để sản xuất 5-6 vũ khí trong một năm.
“Từ lò phản ứng nước nhẹ lớn hơn mà họ đang làm, những gì tôi đang muốn chứng tỏ là về nguyên tắc, nếu nó hoạt động hiệu quả đạt công suất cao hơn mỗi năm thì họ có thể tạo ra 30-40 kg (plutonium) từ lò đó”, Charles Ferguson, Chủ tịch Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ nói trong một cuộc trả phỏng vấn hãng Yonhap.
Theo các chuyên gia thì chỉ cần 6-7 kg plutonium là có thể tạo ra một quả bom hạt nhân.
Ông Ferguson cho biết Triều tiên có thể sử dụng các cơ sở làm giàu uranium của mình để sản xuất uranium đã làm giàu ở cấp độ thấp để làm nhiên liệu cho lò phản ứng nước nhẹ hơn là tiếp tục sản xuất uranium đã làm giàu ở cấp độ vũ khí bởi nó sẽ làm hao tổn plutonium.
“Điều này phụ thuộc vào việc họ nạp nhiên liệu cho lò phản ứng thường xuyên như thế nào. Nhiên liệu có thể bị hao tổn và bức xạ khỏi lò phản ứng nhanh chóng chỉ trong vài tháng, sau đó, plutonium sẽ được dùng để sản xuất vũ khí hạng nặng. Đó là một lựa chọn cho họ. Họ có thể sử dụng loại lò phản ứng nước nhẹ nhỏ hơn”, ông nói.
Triều Tiên có thể tăng gấp đôi dự trữ plutonium chỉ trong vòng 1 năm vận hành lò phản ứng này. “Chỉ trong vài năm, họ có thể có được và bắt đầu đạt đến trình độ ngang với Pakistan hay Ấn Độ trong lĩnh vực sản xuất plutonium. Đó là lý do tại sao chúng ta không được thờ ơ với Triều Tiên mà phải khởi động lại các vấn đề chính trị và các cuộc gặp nếu chúng ta muốn ngăn họ tiếp tục sản xuất nhiều plutonium hơn nữa”.
Cuộc đàm phán 6 quốc gia để chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã bị hủy kể từ vòng thương lượng cuối cùng năm 2008. Kể từ đó, Triều Tiên tiếp tục tiến hành hơn 2 vụ thử hạt nhân, một vụ năm 2009 và một vụ khác năm 2013 và khởi động lại lò phản ứng 5 megawatt vốn đã bị ngưng hoạt động từ năm 2007.
Các quan chức Hàn Quốc đã cảnh báo Triều Tiên có thể thực hiện vụ thử hạt nhân thứ 4 vào bất cứ lúc nào. Triều Tiên được kêu gọi nối lại đàm phán hạt nhân vô điều kiện. Nhưng Hàn Quốc và Mỹ đã yêu cầu phía Triều Tiên trước hết phải chứng minh bằng hành động: thông qua cam kết từ bỏ các chương trình hạt nhân trước khi bất kỳ một cuộc đàm phán nào được mở trở lại.
Tại các cuộc đàm phán hợp tác năng lượng hạt nhân dân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc, ông Ferguson nói rằng có vài lựa chọn cho chính phủ Mỹ: đanh giá yêu cầu sử dụng cái gọi là công nghệ “pyroprocessing” (chế tạo lửa) của Seoul- một công nghệ tái xử lý tạo ra ít rủi ro hơn bởi nó tách riêng plutonium ra khỏi các nguyên tố khác.
Bảo Linh