Mới đây, một học giả Trung Quốc đã đưa ra lời dự đoán về hai lựa chọn mà Tổng thống Mỹ Donald Trump dành cho Triều Tiên.
Hồi đầu tháng 5 vừa qua, Triều Tiên đã cử một phái đoàn đến tiếp xúc với các chuyên gia của Mỹ tại Na-uy. Đây là cuộc đối thoại nằm trong "Lộ trình 1.5", phản ánh sự tiếp xúc giữa các cựu quan chức Mỹ và những quan chức Triều Tiên đương nhiệm.
Nhân cuộc đối thoại khiến giới chuyên gia lo ngại, Viện phó Học viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học nhân dân Trung Quốc, giáo sư Kim Xán Vinh đã có buổi trò chuyện với tờ Đa chiều.
Khi được hỏi về việc liệu Triều Tiên sẽ sử dụng chiêu bài nào để đối phó với tình hình căng thẳng tại bán đảo, ông Kim khẳng định, Bình Nhưỡng luôn luôn hy vọng nối lại các cuộc tiếp xúc, thậm chí là đàm phán với Washington. Theo vị giáo sư này, chiêu bài sẽ được Triều Tiên sử dụng, đó chính là tăng cường sở hữu hạt nhân. "Khả năng lớn nhất thúc đẩy Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân chính là tạo quân bài lớn hơn để mặc cả với Mỹ", ông Kim Xán Vinh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, giá trị việc phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sẽ bị hạ thấp nếu đổi lại sự cấm vận và lệnh trừng phạt của cộng động quốc tế. Hơn nữa, có thể đã sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng Triều Tiên không được cả thế giới công nhận là quốc gia sở hữu hạt nhân vũ khí hạt nhân. Bình Nhưỡng cũng không thể giải quyết được vấn đề lớn nhất của mình, đó là cuộc sống khó khăn, đói kém của người dân nước này.
Ông Kim Xán Vinh nhận định, cuộc tiếp xúc giữa hai nước có thành công hay không đều phụ thuộc vào Mỹ. Trong quá khứ, ở thời Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush, Mỹ đã rất "nghiêm túc" tiến hành đàm phán với Triều Tiên. Tuy nhiên, sau mười năm đàm phán liên tục bị gián đoạn, Bình Nhưỡng vẫn quyết định quay về chiến lược sở hữu vũ khí hạt nhân khiến người Mỹ cho rằng họ đã bị lừa.
Theo học giả Trung Quốc, sau khi Trump đắc cử Tổng thống, truyền thông trong nước cũng như thế giới đã nhận ra được quyết tâm của tân Tổng thống Mỹ trong việc giải quyết dứt khoát vấn đề này. Vì theo ông chủ Nhà Trắng, chỉ trong 4 năm nữa, Bình Nhưỡng sẽ có khả năng phát triển được những tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Nếu Triều Tiên thành công, điều này đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng đang nắm giữ vũ khí có khả năng tấn công vào lãnh thổ Mỹ. Và đối với Mỹ, Triều Tiên hoàn toàn có thể trở thành mối đe dọa không khác gì cuộc khủng hoảng hạt nhân Cuba năm 1962.
Ông chủ Nhà Trắng hiện đang bước đầu thực hiện kế hoạch của mình. Ban đầu, Washington sẽ gia tăng căng thẳng, gây áp lực để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân của mình. Sau đó, Mỹ sẽ đánh giá hiệu quả rồi quyết định xem, Washington nên sử dụng biện pháp quân sự hay đàm phán ngoại giao.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm này có thể thấy, lựa chọn đầu tiên của Mỹ vẫn là sử dụng biện pháp hòa bình. Theo ông Kim, nếu Triều Tiên thực sự mong muốn giải trừ vũ khí hạt nhân, thì viễn cảnh Trump và người đồng cấp Triều Tiên cùng thương thức Hamburger sẽ không còn viển vông và Trump đương nhiên sẽ có được một thành tựu chính trị vĩ đại.
Tuy nhiên, theo vị học giả này, khả năng Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của mình là không lớn, chưa nói đến việc nước này hoàn toàn không đặt niềm tin vào liên minh Mỹ-Nhật-Hàn. Bình Nhưỡng cũng luôn có một mong muốn đó là khẳng định họ là một quốc gia độc lập.
Vì vậy, mặc dù Trump cố gắng nhưng đàm phán Mỹ-Triều Tiên rất khó đạt được thành công. Và việc liên tục phóng thử tên lửa trong 2 tuần sau đó là bằng chứng của giả thuyết này.
Theo Kim Xán Vinh, thế trận mà Mỹ cần chính là nếu như đàm phán không thành, Washington sẽ lựa chọn giải pháp chiến tranh.
Nghiêm Thu (Đa chiều)