Tin mới

Chuyên gia vạch trần “đòn gió” của cả Mỹ lẫn Triều Tiên

Thứ năm, 10/08/2017, 09:19 (GMT+7)

Bất chấp những lời lẽ hiếu chiến từ phía Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, giới phân tích cho rằng vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ đang lên kế hoạch tấn công Triều Tiên trước, hay là ông Kim sẽ thực hiện lời đe dọa tấn công vào lãnh thổ Guam của Mỹ.

Bất chấp những lời lẽ hiếu chiến từ phía Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, giới phân tích cho rằng vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ đang lên kế hoạch tấn công Triều Tiên trước, hay là ông Kim sẽ thực hiện lời đe dọa tấn công vào lãnh thổ Guam của Mỹ.

Quân đội Mỹ hiện không ở trong tư thế chiến đấu để tấn công Triều Tiên với bất cứ chiến dịch nào cần thiết để mang lại chiến thắng. Và, sẽ cần tới nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng để sắp xếp hậu cần, các nhà phân tích nói.

Ông Mark Hertling, một tướng Lục quân Mỹ đã nghỉ hưu và là một nhà phân tích của CNN, nói rằng có đến hàng chục nghìn thường dân Mỹ, nhiều người trong số họ là những người sống phụ thuộc vào quân nhân, sẽ là những người đầu tiên cần được sơ tán khỏi Hàn Quốc.

"Làm thế nào để đưa được các gia đình rời khỏi bán đảo? Bạn phải làm điều đó trước tiên", ông nói.

Các căn cứ quân sự của Mỹ tại khu vực Bắc Á.

Mỹ cũng cần bổ sung lực lượng vào khu vực "tăng viện các tay súng" - theo cách gọi của ông Hertling. Những lực lượng này bao gồm tàu Hải quân, tàu ngầm của Hải quân Mỹ được trang bị tên lửa hành trình, cùng với các máy bay ném bom của Không lực. Và tất cả có thể hoạt động bên ngoài các căn cứ tại Nhật Bản hoặc Guam, ông nói.

"Một số nằm trong khu vực này, nhưng không đủ để tiêu diệt Triều Tiên chỉ bằng pháo binh", ông Hertling cho biết.

Triều Tiên hiện có hàng nghìn đơn vị pháo binh thông thường có tầm ngắm nhắm tới thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Các nghiên cứu ước tính Hàn Quốc sẽ thương vong hàng chục nghìn người vì pháo binh chỉ trong ngày đầu xung đột.

Ông Hertling nói rằng 2 tuần không kích là cần thiết để tiêu diệt chỗ pháo binh đó. Và, Mỹ cần máy bay, máy bay ném bom, nhiên liệu, nhân viên hỗ trợ tại chỗ để thực hiện chiến dịch đó, so với chiến dịch Bão Sa mạc (Desert Storm) chống lại Saddam Hussein của Iraq năm 1991.

Trong Bão Sa mạc, liên quân do Mỹ cầm đầu bắt đầu chiến dịch ném bom chống lại Iraq trong hơn 5 tháng sau các cuộc xung đột, bắt đầu bằng cuộc xâm lăng Kuwait của Iraq.

Cũng như Bão Sa mạc, phải mất vài tuần thì xe tăng và bộ binh của Lục quân Mỹ từ các căn cứ ở Mỹ mới tới các cản phía nam Hàn Quốc, và thậm chí còn lâu hơn để đội quân này tới phía bắc chiến đấu với Triều Tiên, ông Hertling nói.

 

Ông Hertling, người từng tham gia vào các cuộc chiến mô phỏng trên bán đảo Triều Tiên, cũng nói rằng cần ít nhất 2 nhóm tàu sân bay tấn công của Hải quân Mỹ tại vùng biển gần Triều Tiên trước bất cứ cuộc tấn công nào của Mỹ.

Ông Carl Schuster, cựu giám đốc các chiến dịch tại Trung tâm Tình báo Chung thuộc Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, nói rằng Mỹ thậm chí còn cần nhiều hỏa lực hơn.

"Là một nhà hoạch địch, tôi muốn có 3 tàu sân bay thay vì 2”, thêm vào đó là các máy bay của Thủy quân lục chiến, Hải quân và Không lực, ông Schuster, hiện là giáo sư tại ĐH Hawaii Pacific nói.

Ông Schuster cũng cho rằng Mỹ cần đảm bảo có đủ bom, tên lửa và máy bay tác chiến điện tử để phá hủy hoặc vô hiệu hóa các hệ thống phòng không của Triều Tiên trước khi các máy bay ném bom hạng nặng cần thiết để tấn công vào những vị trí chứa vũ khí hạt nhân của nước này được điều đi. Máy bay tăng viện có thể sẽ cần được gửi tới Guam hoặc Nhật Bản.

Ông Hertling nói rằng phần lớn những gì Mỹ cần có thể không đồn trú tại Mỹ, nhưng đã được triển khai trong các chiến dịch quân sự đang diễn ra, chống lại IS ở Trung Đông hoặc Taliban ở Afghanistan.

Ông Schuster nói rằng sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy một số khí tài của Mỹ di chuyển tới gần bán đảo Triều Tiên trong vài ngày tới, có thể là một nhóm tàu sân bay tiến sát vùng biển Nhật Bản, hoặc một tàu ngầm tên lửa dẫn đường khác cấp cảng Hàn Quốc, hay là có thêm nhiều oanh tạc cơ của Không lực Mỹ chuyển tới Guam hoặc Okinawa.

Tuy nhiên, những điều này mang tính chất tự vệ và cảnh cáo Bình Nhưỡng hơn là dấu hiệu cho thấy cuộc tấn công sắp xảy ra của Mỹ, ông nói.

Cũng như vậy, ông hy vọng các nhà ngoại giao Mỹ sẽ rõ ràng hơn. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ tới thăm các nước Đông Nam Á trong tuần này.

"Điều này sẽ buộc ông Tillerson rõ ràng hơn một chút", ông Schuster nói về những bình luận của ông Trump hôm 8/8, nói rằng Triều Tiên sẽ chứng kiến "bão lửa và sự giận giữ" của Hoa Kỳ.

Các loại tên lửa đạn đạo.

"Ông ấy sẽ vấp phải nhiều câu hỏi về ý định của chúng ta", ông Schuster nói.

Ông Schuster cũng không hy vọng bất cứ cuộc tấn công nào của Triều Tiên nhằm vào Guam hay bất cứ nơi nào khác, như ông Kim Jong-un từng dọa.

Thứ nhất, tên lửa của Triều Tiên vẫn chưa được thử nghiệm trong thực chiến và tính chính xác của chúng còn chưa chắc chắn.

Thứ hai, 'Mỹ có thể trả đũa theo cách mà ông Kim không thể chịu được", nghĩa là chấm dứt chế độ của ông ấy. "Ông ấy không muốn kích động chúng ta làm bất cứ điều gì để loại bỏ ông ấy khỏi chính trường".

Tuy nhiên, Kim Jong-un là một lãnh đạo khôn ngoan và biết mình có thể làm gì. Vì vậy, một vụ thử tên lửa hoặc những cuộc tập trận pháo binh quy mô lớn tại Triều Tiên sẽ không gây ngạc nhiên, ông Schuster nói thêm.

"Bắn một quả tên lửa vào Guam không phải điều mà ông ấy có thể làm. Ông ấy sẽ phóng thử tên lửa gửi thông điệp cho cả trong nước và quốc tế".

Và một cuộc thử nghiệm tên lửa còn cách chiến tranh khá xa. Ông Schuster chỉ ra: "Đó là một khoảng cách lớn giữa những lời nói khoa trương và hành động".

Bảo Linh (theo CNN)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news