Theo ông Lưu Hồng, Phó Tổng biên tập tạp chí Hoàn cầu (Trung Quốc), sáng sớm ngày 12/12, Trung Quốc đã nhận được một tin tốt và một tin xấu trong vụ việc của CFO Huawei Mạnh Vãn Chu được bảo lãnh tại ngoại.
Phó Tổng biên tập tạp chí Hoàn cầu cho biết tin tốt là, sau 10 ngày bị bắt, tòa án Canada cuối cùng đã đồng ý cho Giám đốc tài chính CFO Huawei Mạnh Vãn Chu được bảo lãnh tại ngoại.
Bà Mạnh Vãn Châu đã được tòa án Canada cho bảo lãnh tại ngoại. Ảnh: Reuters. |
Còn tin xấu là sau bảo lãnh, sẽ là một loạt thủ tục dẫn độ, có nghĩa sẽ thông qua các thủ tục tố tụng của tòa án, quá trình này có thể diễn ra trong vài tháng nhưng thậm chí cũng có thể vài năm.
"Ngoài các phiên tố tụng, còn là các cuộc tranh đấu trên mọi phương diện. Nói cách khác, cuộc đấu tranh khó khăn hơn vẫn còn ở phía sau", ông Lưu nói.
"Đối với bà Mạnh Vãn Chu, cái gọi là tin tốt chẳng qua chỉ là lựa chọn có mức độ tồi tệ gần sát với các lựa chọn tồi tệ nhất. Dù được thả tự do nhưng bà Mạnh vẫn phải đeo vòng điện tử (có gắn hệ thống định vị), bị theo dõi khi ra ngoài, phải ở nhà từ 23 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau...", Phó Tổng biên tập tạp chí Hoàn cầu nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo Nhật báo Bắc Kinh, bà Mạnh Vãn Chu còn phải giao nộp hộ chiếu, không được xin hộ chiếu mới và tuân thủ nghiêm ngặt lệnh giám sát của công ty an ninh.
Tờ này dẫn lời luật sư của CFO Huawei cho biết, "bà này tin bản thân vô tội nên khi được tại ngoại, bà sẽ ở nhà của mình ở Vancouver để chứng minh sự vô tội".
Được biết, sau khi bà Mạnh được tuyên bố tại ngoại, những người tham dự phiên tòa đã đồng loạt vỗ tay. CFO Huawei cũng đã khóc và ôm nhóm luật sư của mình.
Trước đó một ngày, New York Times đưa tin, tòa án tại Canada đã cho phép bảo lãnh bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính (CFO) kiêm phó chủ tịch tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc, với 10 triệu CAD (7,5 triệu USD) trong khi xem xét đề nghị dẫn độ bà sang Mỹ.
Quyết định được đưa ra vào ngày thứ Ba tòa án xem xét yêu cầu tại ngoại của bà Mạnh trong vụ việc làm phức tạp thêm quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn đang mắc kẹt trong chiến tranh thương mại căng thẳng.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên công khai bày tỏ quan điểm về vụ việc, nói ông có thể can thiệp vào quyết định của Bộ Tư pháp Mỹ.
Bà Mạnh, 46 tuổi, bị bắt khi đang chuyển tiếp chuyến bay tại sân bay quốc tế Vancouver, Canada, ngày 1/12 theo yêu cầu của Mỹ. Bà Mạnh chính là con gái của chủ tịch kiêm nhà sáng lập tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi.
Mỹ đang yêu cầu dẫn độ bà Mạnh để xét xử các cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) áp đặt lên Iran. Mức án tối đa cho mỗi tội danh có thể lên đến 30 năm tù. Trong khi đó, quá trình xem xét đề nghị dẫn độ có thể kéo dài đến một năm.
Khi được các luật sư chúc mừng sau phán quyết của tòa, bà Mạnh đã khóc. Trong khi đó, chồng bà, ông Lưu Hiểu Tông, đứng nhìn vợ "qua hai lớp kính chống đạn", nở nụ cười tươi và giơ tay làm động tác chiến thắng, theo South China Morning Post.