Tin mới

"Cuộc xâm lược bằng vali" của TQ và quan hệ Nga - Trung khi "mặt nạ" hạ xuống

Thứ năm, 29/05/2014, 10:50 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Không phải đến khi Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều đề nghị di dân sang vùng Siberia và Viễn Đông của Nga nhằm phục vụ cho cái gọi là “thúc đẩy hợp tác kinh tế”, Moscow mới nhận ra mối hiểm họa về một cuộc “xâm lược dân số” này.

(Tinmoi.vn) Không phải đến khi Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều đề nghị di dân sang vùng Siberia và Viễn Đông của Nga nhằm phục vụ cho cái gọi là “thúc đẩy hợp tác kinh tế”, Moscow mới nhận ra mối hiểm họa về một cuộc “xâm lược dân số” này.

 

Viễn Đông Nga – vùng đất của nguồn tài nguyên vô tận

Vùng Viễn Đông Nga có những tài nguyên vô cùng quí giá. Khu vực này chiếm hầu như toàn bộ lượng kim cương và 70% dự trữ mỏ vàng của Nga. Nơi đây còn có nhiều mỏ hơi đốt, than đá và gỗ. Việc vận chuyển những tài nguyên này sang châu Á dễ dàng hơn nhiều so với việc chuyên chở chúng tới Moscow cách đó 3.000 km.

Tuy nhiên, không có lí do để tin rằng Moscow lại đơn giản để cho khu vực này vuột khỏi tay họ. Vùng Viễn Đông là nơi cung cấp cho nước Nga lối đi ra Thái Bình Dương. Vladivostok là cảng nước ấm duy nhất của Nga ở Thái Bình Dương. Thành phố Nikolayevsk ở cửa sông Amur là nơi chế biến phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của Siberia.

Dmitry Gorenburg, nhà phân tích kỳ cựu của Viện tư vấn quân sự và hành chính công, nói: “Nga vẫn lo sợ rằng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ xâm lược Siberia để giành giật tài nguyên bởi lẽ đây là một khu vực dân cư thưa thớt, khó phòng thủ, và rất xa trung tâm nước Nga.

Cuộc xâm lược của những chiếc “vali Trung Hoa”

Quốc sách của Trung Quốc là hỗ trợ công dân của mình đến định cư tại tất cả các quốc gia trên thế giới. Vùng Viễn Đông-Siberia của Nga là mảnh đất lý tưởng để Trung Quốc “bành trướng” dân số.

Tại tất cả các nước, Hội người Hoa là tổ chức thực hiện sự hỗ trợ, kể cả tài chính, các công dân Trung Quốc sang làm ăn gia nhập quốc tịch bản địa và định cư lâu dài.

Thực tế người Trung Quốc di dân đang hình thành một cộng đồng sắc tộc lớn thứ 4 và chiếm lượng lớn nhất trong số những người định cư ở Đông Siberia và Viễn Đông, chỉ sau người Nga, Tatar, Ukraine, đang làm dấy lên lo ngại rằng: Chỉ sau 20 năm nữa, cả khu vực Viễn Đông và Siberia sẽ toàn nói tiếng Hoa.

Những hình ảnh trên đường phố thuộc vùng Viễn Đông của Nga

Alexander Shaikin, phụ trách việc kiểm soát đường biên giới Nga - Trung cho biết, trong vòng 18 tháng qua đã có 1,5 triệu người từ Trung Quốc thâm nhập trái phép vào vùng Viễn Đông của Nga.

Rất khó có thể biết chính xác mức độ tràn ngập của người Trung Quốc tới vùng Viễn Đông Nga như thế nào, bởi lẽ từ hơn một thập kỉ nay Nga không tiến hành điều tra dân số. Tuy nhiên mọi dấu hiệu đều cho thấy có một dòng người khổng lồ từ Trung Quốc đã và đang vượt qua biên giới vào Nga.

The Moscow Carnegie Center, cơ quan duy nhất tiến hành một công trình nghiên cứu độc lập cho biết năm 1997 có khoảng 250.000 người Trung Quốc ở Nga. Bộ Nội vụ Nga thì nói rằng có 2 triệu người Trung Quốc đang ở Nga. Một số người khác ước tính dân số Trung Quốc tại Nga hiện vào khoảng 5 triệu người.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã từng cảnh báo tình trạng người Trung Quốc thâm nhập vùng Viễn Đông giàu tài nguyên của Nga, đồng thời khẳng định Nga sẽ ngăn chặn việc hình thành những khu vực toàn các công dân nước ngoài sinh sống tại Viễn Đông.

Một số người Nga còn cảnh báo về việc người Trung Quốc “đang xâm lăng nước Nga, không phải là với những chiếc xe tăng, mà là với những chiếc va li”.

Cuộc “chạy đua kinh tế ngầm” Nga – Trung tại Viễn Đông

Nếu như chiến lược “xoay trục” của Mỹ bị cho là nhằm kiềm chế “sự trỗi dậy” của Trung Quốc, thì Moscow lại bỏ nhiều công sức để nhấn mạnh rằng mục tiêu chính của họ là hợp tác với Bắc Kinh, chứ không phải cạnh tranh, càng không phải kiềm chế. Thực tế, lãnh đạo Nga đang coi việc phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong Chính sách đối ngoại của mình ở châu Á. Trung Quốc cũng mạnh tay đổ tiền vào vùng Viễn Đông của Nga khi công bố đầu tư 5 tỉ USD vào các dự án phát triển ở khu vực này và tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng cũng như các dự án kinh tế dài hạn khác.

Tuy nhiên, mặc dù Moscow đang rất cần vốn đầu tư nước ngoài để phát triển vùng Siberia và Viễn Đông, đặc biệt trong việc xây dựng cái gọi là “Vùng lãnh thổ phát triển tiên tiến”, nhưng cũng rất khó để đánh giá quá cao tầm quan trọng nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, hiện nay đang có sự mất cân bằng trong cơ cấu thương mại giữa Nga - Trung Quốc, khi mà xuất khẩu của Nga chủ yếu dựa vào năng lượng, nguyên liệu thô, thủy sản và lâm sản, trong khi xuất khẩu Trung Quốc ở một mức độ cao hơn nhiều, bao gồm các trang thiết bị và hàng hóa đã gia công.

Quan hệ chiến lược Nga – Trung: Khi mặt nạ hạ xuống

Chưa đầy 1 tuần sau chuyến thăm chính thức của tổng thống Nga Putin đến Trung Quốc, tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg-2014, Phó chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều đã đưa ra đề xuất " kết hợp" kế hoạch chiến lược của hai bên cho sự phát triển của các tỉnh phía đông bắc trong chương trình phát triển vùng Siberia và Viễn Đông bằng cách ghép nối "nhân lực, vật chất và năng lực tài chính của hai khu vực này". Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ di dân đến 2 khu vực kể trên.

Nga luôn lo ngại Trung Quốc sẽ là "mãnh thú" "nuốt gọn" vùng Viễn Đông

Theo Phó Chủ tịch Trung Quốc, các doanh nhân Trung Quốc nói nước Nga có lãnh thổ rộng lớn, còn dân Trung Quốc thì yêu lao động nhất thế giới. Nếu 2 nước có thể kết hợp những yếu tố này, sẽ nhận được sự phát triển đáng kể. Nước Nga có lãnh thổ rộng lớn và ít dân, còn Trung quốc thì ngược lại.

Từ lâu, Nga đã luôn lo ngại về một cuộc “xâm lược” của người Trung Quốc tại vùng Viễn Đông, khu vực quá xa xôi cách trở so với Moscow. Trong bối cảnh Nga đang bị nhiều nước cộng đồng quốc tế cô lập, chịu nhiều áp lực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, nền kinh tế trong nước suy giảm, Bắc Kinh đã không bỏ qua cơ hội này khi chỉ vừa sau hợp đồng khí đốt 400 tỷ USD đã lập tức đề xuất được đưa người đến Viễn Đông một cách hợp pháp. Nếu đề nghị này được Moscow thông qua, tương lai người Trung Quốc chiếm giữ vùng đất này sẽ không còn xa.

Nga đã cố gắng chống lại ảnh hưởng đang lớn mạnh của Trung Quốc ở vùng Viễn Đông của Nga bằng cách tăng cường sự hiện diện về chính trị và quân sự của mình tại khu vực này. Tổng thống Putin trước đó đã viết rằng các dân tộc thiểu số phải sống dưới cái ô văn hóa của Nga và những người di cư phải vượt qua các kỳ thi về ngôn ngữ và lịch sử của Nga. Và các cơ quan chức năng Nga phải được trao thêm quyền hạn để thu hút lực lượng chuyên môn lành nghề và sinh viên phải đọc khoảng 100 tác phẩm cổ điển Nga.

Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, mục đích chuyển hướng về châu Á với việc chọn Bắc Kinh làm đối tác kinh tế chính dường như đã không thể hoàn toàn thỏa mãn mục đích cho chính quyền Putin. Một Trung Quốc đang trối dậy và ngày càng mở rộng ảnh hưởng với những hành động hung hăng trong khu vực sẽ trở thành “mối nguy” nhiều hơn là lợi ích đối với Nga, mà sự hiện diện ngày càng đông dân cư Trung Quốc tại Viễn Đông là một ví dụ điển hình.

 

Yên Yên 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news