“Nhật ký Guantanamo” đã tiết lộ cuộc sống kinh hoàng của tù nhân Mohamedou Slahi khi bị giam tại nhà tù lừng danh Guantanamo.
Mohamedou Slahi bị bịt mắt. Một lính canh kéo anh ta lên tàu và một người khác ép anh phải uống nước biển.
“Lúc bị ném lên tôi cảm thấy thật kinh tởm… Họ nhồi vào người tôi những cục nước đá từ cổ đến mắt cá chân… mỗi lần như vậy, bọn lính canh lại đánh đập tôi, hầu hết là đánh vào mặt”.
Trong cuốn “Nhật ký Guantanamo” mới phát hành, Slahi đã vẽ ra một bức tranh khủng khiếp về cuộc sống dưới bàn tay của những kẻ hỏi cung trong nhà tù lừng danh của quân đội Mỹ ở Cuba. Cuốn sách mô tả những ngày dài đằng đẵng bị cô lập, có khi bị xiềng với sàn tù với tư thế đau đớn, bị giam ở nơi có nhiệt độ khắc nghiệt, thường xuyên bị thiếu ăn thiếu ngủ. Nhiều lần, ông mô tả việc bị đánh đập và bị làm nhục bởi những người hỏi cung. Ông cho biết mình đã “phát run lên như 1 bệnh nhân Parkinson” và cảm thấy 1 trong những người thẩm vấn mình “đang giết chết tôi một cách từ từ theo đúng nghĩa đen”.
Kỹ sư điện 44 tuổi đến từ Mauritania đã bị giam tại Vịnh Guantanamo từ năm 2002. Ông bị cáo buộc là thành viên của tổ chức al-Qaeda và tham gia tuyển dụng 3 trong số những không tặc trong vụ tấn công khủng bố 11/9, cũng như liên quan đến các âm mưu khủng bố khác ở Canada và nước Mỹ. Ông chưa bao giờ bị kết án, luật sư của ông cho biết có rất ít bằng chứng chống lại ông.
Slahi thừa nhận tới Afghanistan để chiến đấu vào đầu những năm 1990, khi Mỹ hõ trợ các chiến binh tham gia thánh chiến (mujahedeen) trong cuộc chiến chống lại Liên Xô. Ông cam kết trung thành với al-Qaeda vào năm 1991 nhưng ngay sau đó đã phá vỡ mối quan hệ với nhóm này.
Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung tá Myles Caggins, quân đội Mỹ tiếp tục giam giữ Slahi như một chiến binh của kẻ thù dưới sự cho phép của luật Sử dụng quân đội năm 2001.
Mohamedou Slahi
Cuốn “Nhật ký Guantanamo” là bài tường thuật công khai đầu tiên từ 1 tù nhân từng bị giam giữ nơi đây. Slahi đã viết tay bản thảo ngay tại phòng giam trong năm 2005 và mất gần 7 năm đề các luật sư của Slahi khiến cuốn sách được phát hành. Ông mô tả những năm tháng tù đày đầu tiên mà ông gọi là “chuyến đi vòng quanh thế giới vô tận”. Ông bị thẩm vấn từ Mauritania tới Jorrdan, tới Afghanistan và cuối cùng là Cuba.
Trong những năm đầu bị giam ở Guantanamo, Slahi được tiếp xúc với một số kỹ thuật thẩm vấn đặc biệt do cá nhân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi ấy, ông Donald Rumsfeld ký, theo báo cáo của của Ủy ban Quân vụ và Bộ Tư pháp Mỹ. Các kỹ thuật này bao gồm thiếu ngủ và mất cảm giác, được thiết kế để hạ gục tinh thần tù nhân. Nó đã tàn phá sức khỏe thể chất và tinh thần của ông.
“Tôi không thể nói 1 điều về những ngày đang tới hoặc tời gian đã qua, thời gian của tôi chỉ là bóng tối”, Slahi viết. “Tôi bị bỏ đói trong thời gian dài và sau đó, người ta mang đồ ăn tới nhưng không cho ăn… Mày chỉ có 3 phút. Ăn!”, 1 tên lính cai ngục hét vào mặt tôi và sau đó khoảng nửa phút, anh ta chộp lấy cái đĩa. “Mày đã xong!””
Slahi nói rằng sự tàn bạo của nơi này đạt đến đỉnh điểm vào cuối năm 2003.
“Tôi nghĩ họ sẽ giết tôi”, Slahi viết. “Do bị đánh đập nên tôi không thể đứng vững, vì thế mà 1 tên lính canh kéo lê tôi rồi ném tôi vòa xe tải, ngay lập tức rời đi. 3 hoặc 4 giờ sau đó, tôi bị ném vào một bữa tiệc đánh đập”.
Giai đoạn này lên đến cực đỉnh khi ông bị ném lên thuyền, bị bịt mắt và đánh đập trong vài giờ.
Chính trong lúc này, Slahi nói ông bắt đầu vờ thú tội để không bị tra tấn. Lúc ấy, ông nói với người thẩm vấn mình: “Chỉ cần cho tôi biết câu trả lời đúng. Có phải chỉ cần nói có hoặc không?”.
Đáp lại những lời cáo buộc bị tra tấn của Slahi, Caggins, phát ngôn viên Lầu Năm Góc đã chĩa thẳng vào một số cuộc điều tra cách đối xử với tù nhân tại Guantanamo. Nhiều tuyên bố của Slahi đã được những báo cáo do Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ và Bộ Tư pháp chứng thực vào năm 2008. Sự việc xảy ra trên tàu được Slahi mô tả chi tiết đều cùng được đề cập đến trong các báo cáo, mặc dù không nói chi tiết về những gì đã xảy ra trong suốt chuyến đi đó.
Ngay cả trong hình thức xuất bản, cuốn sách của Slahi cũng bị biên tập lại. Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng việc này là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia và nhân viên của Mỹ. Một số phần trong cuốn sách đã bị bôi đen hoàn toàn.
Các luật sư của Slahi hy vọng cuốn sách này sẽ tạo ra áp lực cho chính phủ để cuối cùng thả cho ông được tự do. Trong năm 2010, một thẩm phán tòa án cấp huyện tuyên bố việc giam giữ ông là bất hợp pháp và ra lệnh thả ông ngay lập tức. Nhưng chính phủ đã chống lại quyết định đó và trường hợp của ông đã bị quên lãng cho tới bây giờ.
Bảo Linh (tin tức CNN)