Cựu điệp viên nhị trùng Nga Sergei Skripal và con gái thoát chết vì chất độc thần kinh bôi trên nắm cửa ra vào ngôi nhà của họ ở thành phố Salisbury bị mưa làm trôi bớt.
Ông Skripal, 67 tuổi, và con gái Yulia, 34 tuổi, lâm vào tình trạng nguy kịch sau khi trúng chất độc thần kinh phía Anh cho là chất Novichok tại thành phố Salisbury vào ngày 4.3.
Cảnh sát đã mở cuộc điều tra trên diện rộng nhằm xác định hai nạn nhân trúng độc qua đường nào, từ thu thập chứng cứtại nhà hàng họ dùng bữa trước khi bất tỉnh, đến hoa đặt trên mộ phần của thân nhân khi họ đi viếng mộ.
Tuy nhiên, sau khi các nhà điều tra rút ra kết luận hai cha con bị đầu độc tại nhà của ông Skripal, giờ đây họ cho rằng chất độc không giết chết các nạn nhân vì…mưa.
Tờ The Sun ngày 15/4 dẫn lời cựu khoa học gia của Nga Vil Mirzayanov cho hay chất độc đã bị "trôi bớt khỏi nắm cửa", trong khi loại chất này chỉ có thể sử dụng trong điều kiện khô thoáng.
Các nhân viên quân sự Anh hôm 14/3 làm việc tại hiện trường vụ cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái bị đầu độc. Ảnh: Reuters |
"Nếu nhỏ Novichok vào nước, trong vài giờ nó sẽ hòa tan", theo ông Mirzayanov.
Từ đầu, Anh đã lên tiếng cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc cha con cựu điệp viên nhị trùng, nhưng Moscow kịch liệt bác bỏ.
Trong một diễn biến mới nhất, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố chất độc dùng trong vụ Skripal là BZ, theo kết quả từ phòng thí nghiệm Spiez của Thụy Sĩ. Hãng Ruptly dẫn lời nhà ngoại trưởng khẳng định BZ chưa bao giờ được điều chế tại Nga, mà thay vào đó được Mỹ, Anh và các thành viên NATO khác sử dụng.
Sergei Skripal là cựu đại tá tình báo Nga, từng bị kết án tù ở Moskva vì tội chuyển tài liệu mật cho Anh. Skripal sau đó được đưa tới Anh trong một thỏa thuận trao đổi điệp viên giữa Nga và Mỹ.
Vụ đầu độc ông Skripal khiến căng thẳng ngoại giao giữa Nga với phương Tây leo thang nhanh chóng. Dù chưa có bằng chứng rõ ràng, London cáo buộc Moscow đứng sau vụ ám sát và cùng hàng chục quốc gia phương Tây trục xuất 150 nhà ngoại giao Nga. Moscow bác bỏ mọi cáo buộc, đáp trả bằng cách trục xuất các nhà ngoại giao của 24 nước, trong đó có Anh và Mỹ.
Lê Huyền (tổng hợp)