Tin mới

Vai trò mập mờ của Mỹ ở Biển Đông

Chủ nhật, 10/01/2016, 11:35 (GMT+7)

Trong khi Trung Quốc đang ngày càng bành trướng, ngang ngược ở Biển Đông, Triều Tiên leo thang căng thẳng khu vực bằng vụ thử hạt nhân thứ 4, thì Mỹ lại thể hiện một vai trò mờ nhạt.

Trong khi Trung Quốc đang ngày càng bành trướng, ngang ngược ở Biển Đông, Triều Tiên leo thang căng thẳng khu vực bằng vụ thử hạt nhân thứ 4, thì Mỹ lại thể hiện một vai trò mờ nhạt.

Theo National Interest, thời gian qua, Mỹ tiếp tục thể hiện sự nhập nhằng chiến lược đối với những tính toán và Chính sách tại khu vực Đông Á. Những gì mà chính quyền Obama đưa ra là phản ứng câm lặng và có phần lộn xộn trước những hành động bành trướng của Trung Quốc.

Đối với việc Bắc Kinh đẩy nhanh tốc độ xây dựng các đảo bất hợp pháp và tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, các thành viên quốc hội Mỹ và những chuyên gia chính sách đã thúc ép chính quyền Obama cần đảm bảo tự do hàng hải cũng như vùng hoạt động truyền thống cho Hải quân Mỹ.

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain và nhiều người khác đã liên tục kêu gọi cho Hoạt động Tự do hàng hải (FONOP) ở những vùng biển quốc tế trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trung Quốc đang tăng cường bồi lấp các đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông để củng cố tuyên bố chủ quyền. Ảnh: CSIS

Quốc hội cũng thúc giục chính quyền thức tỉnh Bắc Kinh rằng bất cứ ý tưởng nào nhằm đơn phương tạo ra quyền lợi riêng đều vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển (UNCLOS) và luật pháp quốc tế.

Thế nhưng, trong suốt nhiều tháng qua, Hải quân Mỹ đã bị ngăn chặn hành động trên Biển Đông, và vẫn tiếp tục những cuộc đàm phán quân sự với Trung Quốc. Cuối cùng, dưới áp lực của quốc hội, chính quyền Tổng thống Obama lần đầu tiên ám chỉ đến, sau đó mới tuyên bố dứt khoát rằng, điều đó sẽ tạo ra một thách thức đối với hải quân.

Ngày 27/10/2015, tàu chiến USS Lassen đã tiến hành tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng ngay lập tức một sự hỗn loạn đã xảy ra, dù nó chỉ đang thực thi nhiệm vụ tự do hàng hải. Một nguồn tin từ Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ miêu tả chuyến tuần tra của USS Lassen chỉ là "chuyến đi vô hại" (IP). Cái gọi là "chuyến đi vô hại" xảy ra khi một tàu hải quân nước ngoài đi vào khu vực mà họ thừa nhận là thuộc vũng lãnh hải của nước khác và phải vô hiệu hóa các loại vũ khí cũng như radar. Tuy nhiên, trong vòng vài giờ, Hải quân Mỹ đã rút lại tuyên bố này và nói rằng họ chỉ đang thực hiện tự do hàng hải.

Để giải tỏa sự nhầm lẫn này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trong phiên điều trần trước ông McCain vài ngày sau đó đã tiếp tục từ chối xác nhận bất cứ chuyến tuần tra nào mà Hải quân đã thực hiện, dù cho nó đã được lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen của Hải quân Mỹ từng tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: US Navy

Trước sự giận dữ của Thượng nghị sĩ John McCain, ông Carter cuối cùng thừa nhận miễn cưỡng rằng: "Tôi có thể nói rằng những gì ông nghe được từ báo chí là chính xác, song tôi không muốn nói nhiều hơn nữa về điều đó".

Không hài lòng với câu trả lời không rõ ràng và lảng tránh của Bộ trưởng Quốc phòng, ông McCain sau đó đã gửi thư yêu cầu được cung cấp đầy đủ thông tin và giải thích trực tiếp, chính xác những gì mà lực lượng hải quân đã làm.

Trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, Bộ trưởng Carter đã hồi đáp thư, trả lời những câu hỏi của McCain. Theo như nội dung thư hồi đáp, về câu hỏi rằng liệu chính quyền Washington có thông báo trước cho Trung Quốc về chuyến tuần tra của USS Lassen, ông Carter nói rằng "không hề có thông báo nào trước đó cho các bên có tranh chấp ở Biển Đông", bất chấp các cuộc đàm phán quân sự Mỹ - Trung đã kéo dài suốt nhiều tháng trong thời gian đó, và chính quyền chỉ công bố dự định này vài ngày trước khi nó diễn ra.

Cũng có thể, ngay trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc, Hải quân Mỹ cũng không hề xác định sẽ đưa tàu tuần tra, hay thông tin về thời gian, lộ trình của cuộc tuần tra. Nhưng chắc chắn một thực tế rằng, chuyến tuần tra của Mỹ không hề làm Trung Quốc bất ngờ, song phần nào khiến họ nổi giận. Một cách gián tiếp, Bắc Kinh và Washington đã nhìn ra được quan điểm của nhau về bản chất của cuộc tuần tra và đề ra cơ sở pháp lý.

Để tránh một cuộc đối đầu, Mỹ có thể đã tự kiềm chế để không gây ra một thách thức tự do hàng hải và thay vào đó là sử dụng một cụm từ dễ nghe hơn là "chuyến đi vô hại", cái nghe có vẻ như hoạt động tự do hàng hải là không yêu cầu phải thông báo trước theo quy ước của UNCLOS, nhưng khác ở chỗ ngầm ý thừa nhận tuyên bố chủ quyền của một quốc gia nào đó.

Đã đến lúc chính quyền Tổng thống Obama cần để cho lực lượng Hải quân tuần tra thường xuyên, minh bạch hóa cái gọi là tự do hàng hải ở những vùng biển quốc tế để kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc. Ảnh: US Navy

Quan điểm "nước đôi" này của chính quyền Mỹ có khả năng sẽ tiếp tục được duy trì vì trong câu trả lời USS Lassen đã thực hiện tự do hàng hải hay "chuyến đi vô hại", Bộ trưởng Quốc phòng Carter đã nói là "cả hai".

"Thực hiện tự do hàng hải là việc quá cảnh một cách liên tục và nhanh chóng, nó bao gồm cả quyền đi lại vô hại, cái vốn chỉ được cho phép trong một vùng lãnh hải, và với các vùng biển tự do, quyền tự do hàng hải được áp dụng ở bất cứ đâu... Do vẫn còn nhiều sự mập mờ (tuyên bố chủ quyền các hòn đảo), chúng tôi đã thực hiện quyền tự do hàng hải một cách hợp pháp để duy trì phạm vi hoạt động của Mỹ".

National Interest mỉa mai rằng, với tuyên bố này, chính quyền có thể tạo ra một khái niệm hoàn toàn mới về hoạt động hàng hải như "IP +" hoặc "Tự do hàng hải chéo". Tờ báo cho rằng, cơ sở pháp lý của Trung Quốc ở Biển Đông rất yếu kém và Mỹ hoàn toàn có thể tuyên bố là thực hiện tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế, thay vì vòng vo diễn giải, và chính điều này có thể tạo ra những rủi ro đáng kể cho trật tự hàng hải trong bối cảnh căng thẳng với Bắc Kinh sẽ tăng lên.

Thượng nghị sĩ John McCain cũng lên tiếng chỉ trích chính quyền Obama đã lần lữa, trì hoãn và quá hạn chế các chuyến tuần tra ở Biển Đông trong năm qua, khiến Bắc Kinh được đà làm tới, ngày càng tăng cường hoạt động nhằm khẳng định chủ quyền phi pháp.

Trong khi vẫn tiếp tục mơ hồ trong hướng đi và dự định đối với Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như hoạt động ngày càng quyết đoán của Triều Tiên, đã đến lúc chính quyền Tổng thống Obama cần để cho lực lượng Hải quân tuần tra thường xuyên, minh bạch hóa cái gọi là tự do hàng hải ở những vùng biển quốc tế như một cách để thể hiện sự quyết đoán và kiềm chế sự bành trướng của Bắc Kinh, tờ báo kết luận.

Lê Huyền (National Interest)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news