Tin mới

Đã xác định được nguồn gốc của SARS-CoV-2 gây Covid-19

Thứ tư, 29/07/2020, 11:21 (GMT+7)

Theo nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học quốc tế, virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đã lưu hành ở loài dơi trong nhiều thập kỷ.

Bằng cách tái tạo lịch sử tiến hóa của SARS-CoV-2, loại virus gây ra đại dịch Covid-19, một nhóm nghiên cứu quốc tế gồm các nhà khoa học đến từ Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đã phát hiện ra dòng dõi phát sinh loài virus này đã lưu hành ở loài dơi trong nhiều thập kỷ và có khả năng bao gồm các loại virus khác có thể lây nhiễm cho người. Những phát hiện này có ý nghĩa đối với việc ngăn chặn đại dịch trong tương lai xuất phát từ dòng dõi này.

Maciej Boni, phó giáo sư sinh vật học, bang Pennsylvania cho biết: "Virus corona có vật chất di truyền tái tổ hợp cao, có nghĩa là những vùng khác nhau trong bộ gene của virus có thể được lấy từ nhiều nguồn. Điều này gây khó khăn cho việc tái tạo nguồn gốc của SARS-CoV-2. Bạn phải xác định tất cả các vùng đã được tái tổ hợp và theo dõi lịch sử của chúng. Để làm được điều đó, chúng tôi đã tập hợp một đội ngũ đa dạng có chuyên môn về tái tổ hợp, niên đại phát sinh, lấy mẫu virus, tiến hóa phân tử và virus".

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra SARS-CoV-2 đã lưu truyền ở dơi nhiều thập kỷ. Ảnh: Reuters

Nhóm nghiên cứu sử dụng 3 phương pháp tiếp cận sinh học khác nhau để xác định và loại bỏ các vùng tái tổ hợp trong bộ gene của SARS-CoV-2. Tiếp theo, họ xây dựng lại lịch sử phát sinh gene cho các vùng không tái tổ hợp và so sánh chúng với nhau để xem loại virus cụ thể nào đã tham gia vào những sự kiện tái tổ hợp trong quá khứ. Họ đã có thể tái cấu trúc mối quan hệ tiến hóa giữa SARS-CoV-2 và những virus gần nhất được biết đến ở dơi và tê tê. Phát hiện của họ được đăng trên tạp chí Nature Microbiology ngày 28/7.

>> Xem thêm: Dùng tiền hỗ trợ dịch Covid-19 để mua xe Lamborghini, nghỉ dưỡng hạng sang

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra dòng virus mà SARS-CoV-2 bắt nguồn đã có trên dơi khoảng 40-70 năm trước. Điều quan trọng, dù SARS-CoV-2 tương tự về mặt di truyền (giống khoảng 96%) với virus corona RaTG13 (virus trên một con dơi móng ngựa được lấy năm 2013 tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra nó đã phân tách từ RaTG13 trong một khoảng thời gian tương đối dài trước đó, vào năm 1969.

Các nhà khoa học đã dựng lại lịch sử tiến hóa của SARS-CoV-2 để tìm hiểu nguồn gốc của virus này. Ảnh: iStock

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng một trong những đặc điểm cũ mà SARS-CoV-2 giống họ hàng của nó là miền liên kết thụ thể (RBD) đặt ở protein sợi (Spike protein), cho phép virus có thể nhận biết và liên kết với các thụ thể trên bề mặt tế bào người. "Điều này có nghĩa là những virus khác có thể lây nhiễm cho người đang lưu hành trong dơi móng ngựa ở Trung Quốc", giáo sư virus học David L. Robertson đến từ Trung tâm Nghiên cứu Virus Glasgow thuộc ĐH MRC cho biết.

Những virus này có khả năng nhảy trực tiếp từ dơi sang người hay phải cần vật trung gian? Theo ông Robertson, với SARS-CoV-2, các nhóm nghiên cứu khác từng đưa ra nhận định không chính xác là cần vật chủ là tê tê để lây nhiễm sang người. Tuy nhiên, ông Robertson nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy phải có tê tê thì SARS-CoV-2 mới xâm nhập được vào cơ thể người. Thay vào đó, nghiên cứu của họ cho thấy SARS-CoV-2 có khả năng phát triển khả năng tái tạo ở đường hô hấp trên ở cả người lẫn tê tê.

>> Xem thêm: WHO: Không thể cấm đi lại mãi, các nước phải chiến đấu với Covid-19

Nhóm nghiên cứu kết luận rằng việc ngăn ngừa đại dịch trong tương lai sẽ cần phải lấy mẫu tốt hơn từ các loài dơi hoang dã và thực hiện các hệ thống giám sát bệnh ở người để có thể xác định mầm bệnh mới và phản ứng kịp thời.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news