Afghanistan có trữ lượng đá xanh lapis lớn nhất thế giới. Nhưng nguồn tài nguyên này đang bị tàn phá nặng nề do vấn nạn tham nhũng tại nước này.
Đá xanh lapis. Ảnh: Sciences |
Đá lapis có màu xanh dương đậm, sáng lấp lánh vì có các đốm màu giống kim loại vàng do lẫn quặng pyrit (FeS2). Tại Afghanistan, loại đá này được khai thác tại một khu vực nhỏ quanh thung lũng sông tại tỉnh Badakshan trong hơn 6.000 năm qua.
Theo một cuộc điều tra kéo dài 2 năm do tổ chức phi chính phủ Global Witness tiến hành, lợi nhuận từ việc buôn bán đá bán lapis thay vì tới tay người dân, đang được đổ vào túi của các chính trị gia cấp cao và các quan chức hàng đầu, cũng là một nguồn thu nhập chính của Taliban và các phiến quân khác.
Theo BBC, Afghanistan được xếp hạng 166/168 quốc gia về chỉ số tham nhũng, theo đánh giá mới nhất của Tổ chức Minh bạch quốc tế TI. Bằng chứng rõ rệt nhất về nạn tham nhũng là số phận của một trong những khó báu lớn nhất của nước này, đá quý xanh lapis.
Đá xanh được bày bán ở chợ đen. Ảnh: USGS |
Cũng theo Global Witness, đá xanh lapis đang trở thành nguồn gốc của rất nhiều sự xung đột, giống như những viên "kim cương máu" của châu Phi. Nguồn lợi từ loại đá này có thể dùng để giúp đỡ cho sự tái thiết đất nước hoặc cũng có thể được quy đổi sang các loại vũ khí hoặc làm phình thêm khối tài sản của các quan chức.
Vấn nạn đá lapis cũng là một bức tranh thu nhỏ của nghành khoáng sản hiện tại của Afghanistan. Theo ước tính, trữ lượng đá lapis của nước này còn khoảng 1 tỷ đô la. Nếu số tiền này được sử dụng vào việc phát triển kinh tế đất nước, điều đó sẽ tạo được cú hích rất lớn. Nhưng rất có thể điều đó không bao giờ xảy ra vì đá lapis là nguồn lợi lớn thứ 2 của các tổ chức như Taliban, chi sau ma túy.
Đá lapis được sử dụng nhiều nhất để chế tác các đồ trang sức, từ thời cổ đại các nền văn hóa như Lưỡng Hà, Ai cập, Ả-rập,... đã sử dụng loại đá này cho các đồ trang sức, vương miện, hay các vật dụng trang trí. Các họa sĩ thời Phục hưng còn dùng bột nghiền từ loại đá này để vẽ. Ngày nay, giá trị của đá lapis được đề cao hơn rất nhiều do ngày càng khan hiếm. Hy vọng Afghanistan tìm ra biện pháp để tận dụng được nguồn tài nguyên này.
Quý Vũ (Tổng hợp)