Trưa nay (16/6), nhiều người bất ngờ khi phát hiện quanh mặt trời xuất hiện quầng ánh sáng như cầu vồng. Vòng tròn này kéo dài nhiều giờ, trong điều kiện trời không nhiều mây. Các khu vực dễ nhìn thấy nhất là: TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt, Bình Dương.
Đây được gọi là hào quang hay còn gọi là "quầng mặt trời", một hiện tượng quang học tự nhiên nhưng hiếm thấy, xảy ra khi ánh sáng bị khúc xạ nhiều lần theo góc 22 độ. Trong ảnh là quầng mặt trời xuất hiện ở Mũi Né lúc 11h30 ngày 16/6. Ảnh: Châu Dân
Hiện tượng lạ hiếm thấy của thiên nhiên khiến nhiều người thích thú. Người dân thi nhau chụp hình và đăng tải ảnh lên mạng xã hội.
Các tinh thể băng làm cho vầng hào quang 22 độ được định hướng bán ngẫu nhiên trong bầu khí quyển, trái ngược với hướng ngang cần thiết cho một số loại hào quang khác như mặt trời giả và trụ cột ánh sáng. Trong ảnh là quầng mặt trời tại TP Bà Rịa lúc 11h55 ngày 16/6.
Theo các nhà khoa học, đây là hiện tượng quang học, do ánh sáng mặt trời chiếu qua đám mây tầng cao (độ cao 7-8 km). Mây có cấu trúc là các tinh thể băng, ánh sáng mặt trời, mặt trăng bị khúc xạ, phản xạ sinh ra những vòng tròn.
Cũng giống cầu vồng, quầng sáng này gồm 7 màu: đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím nhưng thứ tự màu sắc được sắp xếp ngược lại. Hào quang chỉ xuất hiện khi nắng hửng sau nhiều ngày mưa và báo trước thời tiết sắp tới khô ráo.
Quầng mặt trời lúc 11h30 tại Trảng Bom, Đồng Nai. Ảnh: FB