Con số gần 4.000 người Việt nhập viện vì đánh nhau trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua đã đặt ra một câu hỏi: Liệu đánh nhau có phải là “đặc sản” mới của lễ, Tết Việt?
Theo thống kê, tết 2012 gần 4.000 trường hợp nhập viện vì đánh nhau, dịp tết 2013 cả nước có hơn 4.700 trường hợp, tết 2015 cả nước có 6.200 trường hợp và tết 2016 cả nước có gần 4.000 trường hợp. Con số nhập viện vì đánh nhau còn cao gấp 6 lần so với Tai nạn giao thông. Vậy thì có phải chỉ người Việt mới đánh nhau trong dịp lễ Tết hay không?
Một bức ảnh chụp cảnh đánh nhau ngày Tết tại Việt Nam. Ảnh: TTO |
Truyền thông nước ngoài cũng ghi nhận tình trạng bạo lực trong dịp lễ tết song chủ yếu là Bạo lực gia đình. Có thể lý giải là vào những dịp này, các khu vui chơi giải trí, nơi công cộng ở phương Tây thường đóng cửa. Dưới đây là một vài ví dụ mà chúng tôi thu thập được:
Theo một báo cáo đăng trên tờ The Standard của Australia (Police and family violence services report a slight increase in domestic violence),tình trạng bạo lực gia đình đã tăng nhẹ trong dịp nghỉ lễ năm 2016.
Thanh tra cảnh sát Warrnambool, Australia, Gary Goombes nói rằng sự tăng nhẹ này phản ánh tình trạng dân số tăng lên trong dịp Giáng sinh và năm mới và việc người dân sử dụng nhiều rượu bia hơn.
Tuy nhiên, "mức độ gia tăng không đáng kể. Chỉ tăng nhẹ hơn so với mức trung bình", ông Gary nói.
Người quản lý Dịch vụ Bạo lực gia đình Emma House, Pat McLaren cho biết trong khi tổ chức này đóng cửa từ Giáng sinh tới ngày tặng quà Boxing Day đã có 20 vụ bạo lực gia đình mà cảnh sát tiếp nhận. Theo bà thì mức tăng này là nhẹ và được tổ chức mong đợi.
Trung bình tổ chức Emma House nhận được 1.200 báo cáo về bạo lực gia đình trong vòng 12 tháng. Cảnh sát Warrambool ghi nhận 632 vụ bạo lực gia đình từ tháng 10/2014 đến tháng 12/2015, 300 vụ từ tháng 10/2010 đến tháng 9/2011.
Dịp lễ, Tết tại các nước phương Tây có đánh nhau nhưng chủ yếu là bạo lực gia đình. Ảnh: Flickr cảnh sát West Midlands |
Còn ở Mỹ thì sao? Trong bài viết “Does Domestic Violence Actually Rise During the Holidays?”, Norma Mazzei, Giám đốc điều hành Đường dây nóng về Bạo lực gia đình Quốc gia (NDVH) cho biết: "Chúng tôi đã có những dữ liệu cho thấy điều ngược lại. Chúng tôi không nhận được nhiều hơn các cuộc gọi trong dịp nghỉ lễ, trong thực tế, đôi khi còn giảm hơn một chút".
Mazzei và một số chuyên gia khác đồng quan điểm rằng trên toàn quốc, bạo lực gia đình không tăng trong dịp lễ, thậm chí nó còn có thể giảm tại một số nơi vào một số thời điểm cụ thể.
Ví dụ, một nghiên cứu về bạo lực gia đình năm 2005 báo cáo cho cảnh sát Idaho cho thấy các vụ bạo lực gia đình trong dịp giao thừa và năm mới đã tăng gấp 2,7 lần so với trung bình ngày thường, bạo lực trong mùa hè cũng tăng hơn so với các thời điểm khác.
Một nghiên cứu vào năm 2010, phân tích các cuộc gọi cho cơ quan thực thi pháp luật "ở một thành phố lớn của Mỹ" cho thấy sự gia tăng của các cuộc gọi về bạo lực gia đình trong dịp nghỉ lễ, đáng chú ý nhất là vào dịp năm mới, Lễ tưởng niệm Chiến sĩ trận vong (Memorial Day), ngày Quốc khánh, Quốc tế Lao động.
Kim Pentico đến từ Mạng lưới chấm dứt Bạo lực gia đình quốc gia cho biết bạo lực gia đình thường thực sự xảy ra sau dịp nghỉ lễ, "khi mà mọi thứ đã lắng xuống".
Michelle Kaminsky, giám đốc Cục Bạo lực gia đình thuộc quận Brooklyn cho biết tình trạng bạo lực gia đình tại địa phương mình không tăng trong dịp nghỉ lễ từ 2001-2013. Các dịp này là thời điểm cho các gia đình đoàn tụ, hạnh phúc nên bạo lực thường không xảy ra, thậm chí lắng xuống.
Như vậy, có thể thấy, tình trạng bạo lực dịp lễ, Tết ở đâu cũng có, từ Đông sang Tây. Nhưng việc đánh nhau nơi công cộng, số lượng tăng đột biến trong dịp Tết cổ truyền thì chỉ Việt Nam mới có.
Bảo Linh